Phát biểu tại hội thảo "Xây dựng TP.HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế" diễn ra tại TP.HCM ngày 17/7, TS Trần Du Lịch, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, từ mọi chủ trương của Bộ chính trị cũng như nhận thức chủ quan của lãnh đạo TP.HCM qua các thời kỳ đều hướng đến mục tiêu làm thế nào để TP.HCM thực sự là một trung tâm tài chính quốc gia và hướng tới trở thành trung tâm tài chính khu vực Asean.
Theo TS Lịch, định hướng này phù hợp với vị trí vai trò và thế mạnh của Thành phố được chứng minh qua thực tiễn phát triển, từ khi đất nước tiến hành sự nghiệp Đổi mới và mở cửa hội nhập.
Tuy nhiên, cho đến nay mọi ý tưởng xây dựng TP. HCM thành một trung tâm tài chính vẫn còn đang dang dở, thậm chí vai trò còn giảm dần, xét về quy mô thị trường tài chính đối với cả nước.
Ví dụ, tổng vốn huy động qua các định chê tài chính-tín dụng trên địa bàn TP.HCM so với cả nước đã giảm từ khoảng 40% của những năm đầu thập niên 2000 xuống còn khoảng 24% năm 2018; xếp sau Hà nội 34%.
Vậy, liệu TP.HCM có còn đóng vai trò đầu tàu trong việc phát triển thị trường tài chính của nước ta và khẳng định vị thế đối với khu vực trong dài hạn hay không?
TS Lịch cho rằng, dường như ý tưởng xây dựng Trung tâm tài chính TP.HCM theo định hướng của Bộ chính trị đến năm 2020 ít được nhắc đến trong những năm gần đây và càng mờ nhạt về phương diện chính sách khi Chính phủ quyết định sáp nhập 2 sở giao dịch chứng khoán TP.HCM và nội thành Sở giao dịch chứng khoán Viêt nam, đặt trụ sở tại Hà nội.
Do đó, theo TS Lịch, đề án cần làm rõ: phải chăng chủ trương của UBND Thành phố xây dựng Đề án “Phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính quốc tế” là sự nối tiếp công việc trước đây- bị gián đoạn - trong điều kiện mới hay nâng vị trí vai trò của TP.HCM với một tầm nhìn mới trong bối cảnh quốc tế hiện nay. Đây là những vấn đề cần làm rõ để luận chứng cho tính khà thi của Đề án.
"Để phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính quốc tế, trước hết là vấn đề quốc gia, chứ không phải là vấn đề riêng của chính quyến địa phương. Nếu căn cứ vào pháp luật điều chỉnh hoạt động của thị trường tài chính, thì chính quyền địa phương chỉ có vai trò hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển trên nền tảng thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc xây dựng một trung tâm tài chinh quốc tế dù dưới hình thức và mô hình nào", TS Lịch nhấn mạnh.
Đề án “Phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính quốc tế” là sự nối tiếp công việc trước đây- bị gián đoạn - trong điều kiện mới hay nâng vị trí vai trò của TP.HCM với một tầm nhìn mới trong bối cảnh quốc tế hiện nay.
- TS Trần Du Lịch, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ
Những điều kiện để TP.HCM xác lập vị trí vai trò của một trung tâm tài chính quốc gia và hướng tới khu vực Asean theo TS Lịch cần hội tụ các yếu tố.
Thứ nhất là về kinh tế, TP.HCM phải ngày càng khẳng định được vị trí vai trò của “ một đầu tàu” phát triển của Vùng và cả nước.
Bên cạnh đó, phải là nơi có Thị trường tài chính tập trung có quy mô lớn; phải thể hiện chủ trương, chính sách và khuôn khổ pháp lý từ Trung ương.
Đồng thời, Chính phủ cũng định hướng quốc gia về việc xây dựng Trung tâm tài chính quốc gia, hướng tới khu vực và quốc tế như một quyết tâm chính trị của trung ương.
Đồng quan điểm, GS. TS Trần Ngọc Thơ - Trường đại học Kinh tế TP.HCM cũng cho hay, cách đây 10 năm ông cũng đã được mời phát biểu ý kiến về đề án trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM. Tuy nhiên, đến nay đề án này vẫn đang trong quá trình góp ý kiến.
Thủ tướng Chính phủ kỳ vọng 2045, Việt Nam trở thành trung tâm tài chính khu vực. Nếu một quốc gia phát triển mà không có trung tâm tài chính quốc tế và bắt tay ngay từ bây giờ thì liệu có ổn hay không? Chúng ta luôn tin chắc rằng, các bộ, ngành đều ủng hộ TP.HCM phát triển thành trung tâm tài chính quốc tế. Tuy nhiên, đòi hỏi phải có một quyết sách từ Bộ chính trị trong việc thành lập trung tâm tài chính quốc tế thì Việt Nam không bị thua kém.
"Tại sao chúng ta không có cách tiếp cận và có sự bùng nổ lớn đối với TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung để đưa Việt Nam trở thành trung tâm tài chính quốc tế thế giới", GS.TS Thơ cho hay.
Cũng tại hội thảo trên, Phó Thống đốc NHNN bà Nguyễn Thị Hồng cho rằng, trong đề án có nêu TP.HCM có vị trí trọng điểm ở phía Nam và cả nước nói chung. Thị phần huy động và cho vay của TP.HCM chiếm 27-28% cả nước. Đối với cho vay thì chiếm thị phần đứng đầu cả nước, còn huy động thì đứng sau Hà Nội.
Đặc biệt, TP.HCM là điểm kết nối vùng kinh tế trọng điểm, quan trọng đối với các khu vực phía Nam.
TP.HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế trong khu vực và xa hơn nữa là thế giới. Trong đó, tài chính - ngân hàng trở thành một trong các ngành chủ đạo để phát triển thành phố trở thành trung tâm tài chính quốc tế. Tuy nhiên, đề án này đã được đưa ra lấy ý kiến cách đây rất lâu nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai.
Vì thế, với đề án này theo bà Hồng, nên có một phần đánh giá về các bước triển khai. Đồng thời, cách phân loại cũng phải cụ thể hơn.
Bên cạnh làm rõ những điểm chung để hình thành trung tâm tài chính quốc tế cần làm rõ sự khác biệt, đặc thù của TP.HCM và mở rộng hơn là của Việt Nam. Bởi trung tâm tài chính TP.HCM không thể tách rời trung tâm tài chính của quốc gia.
Trong đó, hệ thống tài chính - ngân hàng cũng là một yếu tố trong trọng trong Đề án trên. Hiện hệ thống ngân hàng đang trải qua quá trình tái cơ cấu và từng bước hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, đối với những ngân hàng quy mô tầm khu vực cũng đang gặp phải thách thức về tăng năng lực tài chính. Trong khi, để có thể phát triển được trung tài chính cần có những chủ thể mạnh và đòi hỏi các ngân hàng có vốn lớn.
Bên cạnh ngành ngân hàng, theo Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, để phát triển TP.HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế đòi hỏi các định chế tài chính khác phát triển như: trung gian thanh toán, dịch vụ tài chính... chứ không phải có dịch vụ truyền thống cho vay.
Để phát triển trung tâm tài chính cần gắn kết chặt chẻ với hệ thống thanh toán. Rõ ràng trung tâm tài chính phát triển đòi hỏi phải có hệ thống thanh toán nhanh nhạy để trung chuyển vốn.
Cũng theo lãnh đạo NHNN, muốn phát triển TP.HCM trở thành trung tâm tài chính quốc gia cũng như khu vực cần phải có định hướng từ Chính phủ và sự tham gia của tất cả các bộ, ngành.
Trong đó, NHNN cũng là một trong những cá thể quan trọng đã được đưa vào đề án này.
Bí thư thành ủy TP.HCM ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết, TP.HCM đặt mục tiêu trở thành trung tâm tài chính quốc gia của cả nước, nhưng tại sao việc phát triển trung tâm thành phố đến nay vẫn chưa thành công? Nguyên nhân bởi TP.HCM chưa quyết liệt đeo bám trung ương và ngược lại trung ương chưa thực sự quan tâm đến việc phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính.
Đồng thời, muốn phát triển TP.HCM thành một trung tâm tài chính quốc tế cần phải cải cách hành chính, đẩy mạnh phát triển đô thị thông minh và trí tuệ nhân tạo. TP.HCM cần đẩy mạnh hạ tầng đô thị, đẩy mạnh chống ngập, đẩy mạnh các chương trình khởi nghiệp, sáng tạo của TP.HCM. Hiện các chương trình khởi nghiệp, sáng tạo của TP.HCM chiếm phần lớn nhất trên cả nước.
Bên cạnh đó, cần có các chương trình đào tạo; dịch vụ y tế cần phải đẩy mạnh phát triển để làm sao có thể cạnh tranh được với các nước trong khu vực.
Theo Bí thư thành ủy TP.HCM, trong tháng 10/2019, TP.HCM cần hoàn thiện được Đề án phát triển TP.HCM trở thành trung tâm tài chính quốc gia để trình Chính phủ. Sau khi hoàn thành phần mềm thì mới bắt đầu triển khai cũng như thực hiện các phần cứng.