Thách thức duy trì các chỉ tiêu
Để đáp ứng nhu cầu cho vay mới, các ngân hàng buộc phải có nguồn vốn huy động mới tương ứng, tức là tăng trưởng huy động cần ít nhất ngang bằng hoặc cao hơn tăng trưởng tín dụng.
Thứ nhất, điều này giúp ngân hàng duy trì tính thanh khoản: Khả năng chi trả của ngân hàng bất cứ khi nào khách hàng rút tiền. Thứ hai, chỉ khi có nguồn vốn dồi dào, ngân hàng mới có thể cho vay với mặt bằng lãi suất thấp. Thứ ba, ngân hàng cần đảm bảo tỷ lệ dư nợ cho vay trên tổng huy động (LDR) không vượt quá mức 85%. Thứ tư, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn phải được kiểm soát ở mức tối đa 30% nhằm bảo đảm cân đối kỳ hạn của nguồn vốn đối với việc sử dụng vốn.
![]() |
TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia kinh tế |
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc duy trì các chỉ tiêu nói trên đang gặp nhiều thách thức. Sau ngày 25/2/2025, nhiều ngân hàng thương mại trong nước đã đồng loạt giảm lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng từ 0,1 - 1,05%/năm, đưa mặt bằng lãi suất về dưới 6%/năm - mức không còn đủ hấp dẫn để giữ chân người gửi tiền. Trong khi đó, các kênh đầu tư thay thế như vàng, chứng khoán… lại đang thu hút mạnh dòng vốn nhàn rỗi.
Cụ thể, tính đến giữa tháng 6/2025, giá vàng thế giới đã tăng 28,6% so với đầu năm, tương ứng mức tăng khoảng 57,2% nếu tính theo năm. Trong nước, giá vàng miếng cũng tăng từ 84,2 triệu đồng/lượng lên 119,4 triệu đồng/lượng, tương ứng mức tăng 41,6% và nếu quy đổi theo cả năm, có thể lên đến hơn 83%.
Thị trường chứng khoán cũng ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể, khi chỉ số VN-Index tăng 6,4% từ đầu năm và ước tăng khoảng 13% nếu tính theo năm. Ngoài ra, tỷ giá cũng tăng khoảng 2,5% từ đầu năm, hay 5% nếu tính trên cơ sở cả năm, trong khi tiền gửi ngân hàng hiện chỉ mang lại mức lãi suất khoảng 5,6%/năm.
Sự dịch chuyển dòng tiền sang vàng và chứng khoán - những kênh có khả năng sinh lời cao hơn - đang khiến tăng trưởng huy động vốn ngân hàng chậm lại so với tăng trưởng tín dụng (tính đến 16/6/2025, huy động vốn tăng 5,09% - so với 6,99% tăng trưởng tín dụng). Nếu xu hướng này kéo dài đến cuối năm, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% sẽ rất khó đạt được. Đồng thời, các ngân hàng có thể đối mặt với rủi ro thanh khoản, khó duy trì các tỷ lệ an toàn vốn và lãi suất cho vay cạnh tranh.
Một hệ quả đáng lo ngại là dòng vốn thay vì chảy vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lại tập trung vào vàng và thị trường chứng khoán, trong đó phần lớn không chảy vào thị trường sơ cấp là đến tay các nhà sản xuất - kinh doanh, mà luân chuyển ở thị trường thứ cấp. Điều này không chỉ làm suy yếu khu vực kinh tế thực, mà còn tiềm ẩn nguy cơ bong bóng tài sản. Nếu không có biện pháp điều tiết phù hợp, tình trạng này có thể làm mất cân đối giữa nhu cầu thực và dòng vốn thực trong nền kinh tế, gây áp lực lên hệ thống ngân hàng và ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng bền vững.
Do đó, cần có các biện pháp giám sát dòng chảy tín dụng chặt chẽ hơn, đi kèm với việc khơi thông kênh dẫn vốn vào khu vực sản xuất - kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên và có tính lan tỏa cao trong nền kinh tế.
![]() |
Tín dụng tính đến giữa tháng 6 tăng trưởng xấp xỉ 7% |
Rủi ro từ căng thẳng thương mại toàn cầu và địa chính trị
Về triển vọng thương mại giữa Việt Nam và Mỹ, hiện kỳ vọng phía Mỹ sẽ xem xét điều chỉnh mức thuế quan với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, hướng tới mức hợp lý hơn, khoảng 20-30%. Nếu điều này xảy ra sẽ là tín hiệu rất tích cực cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều điều chưa chắc chắn.
Cụ thể, từ ngày 2/4/2025, Mỹ công bố áp thuế ở mức cao lên tới 46% đối với một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, đến ngày 9/4, Mỹ đã quyết định tạm hoãn việc áp thuế, tạo dư địa đàm phán tiếp theo.
Gần đây, một số hiệp hội ngành hàng tại Việt Nam, trong đó có Phòng Thương mại Hoa Kỳ, đã gửi thư kiến nghị lên chính quyền Mỹ, đề nghị xem xét lại mức thuế cao bất hợp lý, bởi điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh và dòng tiền của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trong nước, cũng như quan hệ thương mại và đầu tư Mỹ - Việt. Dù vậy, hiện phía Mỹ chưa có phản hồi chính thức.
Hiện nay, nợ xấu nội bảng của hệ thống ngân hàng Việt Nam đã tiệm cận mức 4%. Nếu tính gộp tất cả, nợ xấu thực chất đang tạo ra áp lực lớn đối với an toàn hệ thống.
Ngoài ra, tình hình địa chính trị tại Trung Đông cũng khiến chính sách thương mại quốc tế của Mỹ trở nên khó đoán định hơn trong giai đoạn này.
Trong kịch bản tích cực, nếu mức thuế được điều chỉnh về khoảng 20 - 30%, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ có thêm cơ hội phục hồi. Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp này, triển vọng ngắn hạn vẫn sẽ bị ảnh hưởng đáng kể, khi các doanh nghiệp còn rất thận trọng trong kế hoạch sản xuất - kinh doanh do lo ngại về tính ổn định của thị trường và khả năng kiểm soát chi phí, doanh thu. Theo đó, tăng trưởng tín dụng trong quý III/2025 có thể chững lại, nhất là ở các nhóm ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, đồ gỗ…
Nếu kết quả đàm phán không đạt được như kỳ vọng và Mỹ vẫn giữ mức thuế cao, nhiều doanh nghiệp sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn về dòng tiền, ảnh hưởng đến khả năng mở rộng sản xuất và vay vốn ngân hàng. Khi đó, cơ cấu tín dụng của hệ thống ngân hàng có thể sẽ phải điều chỉnh, dịch chuyển sang các lĩnh vực có mức độ rủi ro thấp hơn như tiêu dùng nội địa, đầu tư công, hoặc các ngành phục vụ thị trường trong nước.
Ngoài ra, trong bối cảnh dòng tiền tiếp tục chảy vào các kênh đầu tư như vàng, chứng khoán và cả một số phân khúc bất động sản, trong khi thị trường xuất khẩu còn nhiều bất định, các ngân hàng cần đặc biệt thận trọng trong hoạt động cấp tín dụng. Việc siết chặt cho vay đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao như bất động sản đầu cơ, chứng khoán và doanh nghiệp xuất khẩu chưa có hợp đồng ổn định là điều cần thiết để đảm bảo an toàn hệ thống. Đồng thời, việc tăng cường thẩm định và đánh giá năng lực tài chính của khách hàng cũng là yếu tố quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Cũng cần nhấn mạnh là nguồn trả nợ chính của doanh nghiệp vay ngân hàng là dòng tiền từ kinh doanh, chứ không phải tài sản bảo đảm, đặc biệt trong giai đoạn kinh tế thế giới và tại Việt Nam có nhiều biến động, tác động đến việc kinh doanh của khách hàng và khả năng trả nợ cho ngân hàng.
![]() |
Việt Nam là nền kinh tế có kim ngạch xuất khẩu trên GDP rất lớn |
Tăng trưởng nhưng phải an toàn
Hiện nay, nợ xấu nội bảng của hệ thống ngân hàng Việt Nam đã tiệm cận mức 4%, trong khi tỷ lệ dư nợ xấu, bao gồm cả nợ xấu bán cho VAMC, nợ xấu tiềm ẩn, nợ ngoại bảng, còn cao hơn nhiều. Nếu tính gộp tất cả, nợ xấu thực chất đang tạo ra áp lực lớn đối với an toàn hệ thống. Việc tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh trong năm 2025 là hệ quả của nhiều nguyên nhân tích tụ trong thời gian dài, bao gồm ảnh hưởng kéo dài của dịch bệnh Covid-19, thiên tai và đặc biệt là việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ của doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn trước đây.
Một nguyên nhân quan trọng khác khiến công tác xử lý nợ xấu thời gian qua chậm lại là do Nghị quyết 42 của Quốc hội (ban hành năm 2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng) đã chính thức hết hiệu lực từ ngày 1/1/2024, nhưng hơn 1 năm qua chưa có hành lang pháp lý thay thế, khiến quá trình thu giữ, xử lý tài sản bảo đảm và xử lý tranh chấp phát sinh gặp nhiều vướng mắc.
Một tin vui lớn với ngành ngân hàng nói chung và công tác xử lý nợ xấu nói riêng là ngày 27/6/2025, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, trong đó luật hóa các nội dung cốt lõi của Nghị quyết 42, cho phép ngân hàng được chủ động xử lý tài sản đảm bảo và một số quy định quan trọng khác có liên quan. Đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng giúp quá trình xử lý nợ xấu minh bạch, đồng bộ và hiệu quả hơn.
Bên cạnh khuôn khổ pháp lý, cần tập trung vào các giải pháp nâng cao năng lực thẩm định tín dụng và quản trị rủi ro của hệ thống ngân hàng. Cụ thể, các ngân hàng cần tăng cường đánh giá tín dụng một cách thực chất, đặc biệt kiểm soát chặt chẽ dòng vốn chảy vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán và tài chính tiêu dùng. Khi thẩm định khoản vay, cần chú trọng vào dòng tiền trả nợ từ hoạt động sản xuất - kinh doanh thực tế, thay vì chỉ dựa vào tài sản bảo đảm.
Ngoài ra, việc áp dụng đầy đủ các chuẩn mực quản trị rủi ro quốc tế như Basel II, tiến tới Basel III, là cần thiết để củng cố hệ thống an toàn tài chính. Với những ngân hàng đã triển khai Basel II thành công, đây là thời điểm thích hợp để nâng cấp hệ thống kiểm soát nội bộ, đo lường rủi ro và tăng khả năng chống chịu trước biến động thị trường.
Với các ngân hàng đã được chuyển giao bắt buộc theo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước nên có những đánh giá dựa trên bộ nguyên tắc CAMELS và công bố kết quả đánh giá vào đầu năm 2026.
Về cân đối nguồn vốn - tín dụng, các ngân hàng cần đa dạng hóa sản phẩm huy động, phát triển các loại hình tiết kiệm linh hoạt về kỳ hạn, lãi suất; đẩy mạnh phát hành trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi trung và dài hạn; đồng thời, điều chỉnh lãi suất huy động phù hợp với diễn biến thị trường và mục tiêu tăng trưởng tín dụng.
Để đảm bảo thanh khoản, ngân hàng cần duy trì dự trữ tiền mặt ở mức hợp lý, tăng tỷ trọng đầu tư vào tài sản có tính thanh khoản cao như trái phiếu chính phủ và ứng dụng công nghệ để giám sát, dự báo nhu cầu thanh khoản và phát hiện sớm rủi ro mất cân đối dòng tiền.
Cuối cùng, cần tăng cường giám sát chất lượng tín dụng một cách thực chất. Các ngân hàng nên sử dụng các mô hình đánh giá nội bộ theo bộ chỉ tiêu CAMELS và đồng thời kết hợp đánh giá từ bên thứ ba, chẳng hạn thông qua các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, để có cái nhìn khách quan hơn về năng lực tài chính của khách hàng. Hơn thế nữa, phải kiểm soát chặt mục đích sử dụng vốn vay, xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng vốn sai mục đích và hạn chế dòng tiền chảy vào đầu cơ tài sản.
Đặc biệt, hệ thống ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tín dụng xanh - cấp tín dụng cho các dự án bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải - để vừa kiểm soát rủi ro dài hạn, vừa đóng góp tích cực cho phát triển bền vững.