Mặc dù tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 6/2024 đạt 6% theo mục tiêu đặt ra, nhưng sang tháng 7 đã tăng chậm lại. Theo ông, nguyên nhân nào khiến tăng trưởng tín dụng vẫn là mối quan ngại của toàn hệ thống và nền kinh tế?
Về tăng trưởng tín dụng, nhiều giải pháp, chính sách và các chương trình tín dụng đã được Ngân hàng Nhà nước triển khai đồng bộ và hiệu quả nhằm đảm bảo nguồn cung vốn cho tăng trưởng kinh tế. Nhờ các chính sách được triển khai kịp thời, tăng trưởng tín dụng đã tích cực trở lại kể từ tháng 3/2024 và đến cuối tháng 6/2024 đạt mức tăng 6% so với cuối năm 2023, trong đó tín dụng tập trung vào các lĩnh vực kinh tế trọng điểm cũng như các xu hướng mới nổi như tín dụng xanh.
Ông Pramoth Rajendran - Giám đốc Khối Dịch vụ quản lý tài sản và Tài chính cá nhân, HSBC Việt Nam |
Tuy vậy, cũng cần lưu ý rằng, tín dụng bắt đầu tăng chậm lại kể từ đầu tháng 7. Có một số nguyên nhân đằng sau sự tăng trưởng chậm này, chẳng hạn việc phục hồi không đồng đều giữa các nhóm ngành đã hạn chế nhu cầu chung của khu vực doanh nghiệp. Trong khi đó, nhu cầu tín dụng lĩnh vực bất động sản vẫn chưa hồi phục hoàn toàn do độ trễ chính sách.
Ngoài ra, nhu cầu tín dụng trong nước nói chung cũng chưa phục hồi mạnh mẽ, nhiều lĩnh vực sản xuất và dịch vụ - vốn là động lực tăng trưởng truyền thống của nền kinh tế - vẫn còn gặp khó khăn nhất định. Một số ngành có nhu cầu tín dụng nhưng chưa xây dựng được phương án kinh doanh khả thi, chưa đáp ứng được các điều kiện vay vốn, cùng với sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng cá nhân cũng khiến tăng trưởng tín dụng chậm lại trong thời gian gần đây. Mặc dù vậy, Chính phủ luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của tăng trưởng tín dụng có chất lượng, là yếu tố rất quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Trong bối cảnh đó, tín dụng cá nhân tính đến tháng 5/2024 mới tăng 1,1%. Nguyên nhân của tỷ lệ thấp này là gì và đâu là giải pháp?
Về tín dụng tiêu dùng, không như các lĩnh vực bên ngoài mà sự phục hồi đã bắt đầu lan rộng ra ngoài phạm vi thương mại điện tử, các lĩnh vực trong nước có thể cần thêm thời gian để phục hồi hoàn toàn. Trên thực tế, tăng trưởng doanh thu bán lẻ chưa lấy lại hoàn toàn phong độ như trước dịch Covid-19. Tuy nhiên, các dịch vụ liên quan đến du lịch tiếp tục duy trì đà tích cực, sau khi Việt Nam đón 8,8 triệu lượt khách trong nửa đầu năm 2024.
Dù vậy, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ vẫn được duy trì. Quốc hội gần đây đã đồng ý gia hạn việc giảm thuế giá trị gia tăng 2% đến cuối năm 2024, đồng thời cắt giảm một số loại phí cho một số ngành, lĩnh vực. Động thái này có thể hỗ trợ lĩnh vực trong nước ở một mức độ nào đó, nên có cơ sở để chúng ta lạc quan về sự phục hồi của tín dụng tiêu dùng trong nửa cuối năm. Khi sự phục hồi bên ngoài tiếp tục lan rộng, hiệu ứng lan tỏa rồi cũng sẽ tác động đến lĩnh vực trong nước, mức độ ảnh hưởng có khả năng trở nên rõ rệt hơn trong quý IV/2024. Chúng tôi quan sát thấy nhu cầu vay thế chấp tăng lên, điều này sẽ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng tiêu dùng.
Từ khu vực ngân hàng, có một số giải pháp để tập trung thúc đẩy tăng trưởng tín dụng nói chung: Thứ nhất, tập trung vốn vào các ngành là động lực phát triển (thương mại, đầu tư, tiêu dùng cá nhân…); thứ hai, tái cấu trúc danh mục bán lẻ, khách hàng cá nhân, tập trung vào doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp đa quốc gia, doanh nghiệp xuất khẩu có dấu hiệu phục hồi từ nay đến cuối năm; thứ ba, tiếp tục đầu tư vốn vào các dự án trọng điểm, phát triển bền vững. Các quy định gần đây của Chính phủ nhằm tăng cường và chuẩn hóa quy trình mở tài khoản và xác thực sinh trắc học là một bước tiến quan trọng hướng tới việc xác định đúng khách hàng và giảm gian lận danh tính, giúp các ngân hàng tự tin cho vay hơn.
Tựu trung lại, chúng tôi tin tưởng rằng, Việt Nam vẫn đang đi đúng hướng để chứng kiến triển vọng tăng trưởng sáng sủa hơn và có thể trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN trong năm 2024.
Tại HSBC, để phổ cập kiến thức tài chính, chúng tôi thường xuyên chia sẻ với khách hàng các nội dung về các sản phẩm cho vay, giải thích thuật ngữ ngân hàng, lãi suất, phí…, các mẹo tránh bị tính phí không cần thiết và nhấn mạnh vào việc vay có trách nhiệm. HSBC có nhiều loại thẻ tín dụng, sản phẩm vay cá nhân và vay mua nhà để phù hợp với nhu cầu vay của nhiều đối tượng người tiêu dùng khác nhau.
Chúng tôi cũng liên tục cải tiến quy trình mở tài khoản vay của khách hàng, giúp họ thấy dễ dàng và thuận tiện hơn. Điều này cũng làm giảm sự phụ thuộc vào các nguồn tài liệu và đánh giá tín dụng truyền thống. HSBC cũng liên tục mở rộng quan hệ với các đối tác về giải pháp số để tăng phạm vi và khả năng tiếp cận các sản phẩm và giải pháp cho vay của chúng tôi.
Bất chấp lãi suất ở mức thấp, tiền gửi ngân hàng của người dân vẫn đạt mức kỷ lục gần 6,7 triệu tỷ đồng tính đến cuối tháng 3/2024. Có lẽ, người dân vẫn chưa an tâm để ra quyết định đầu tư hay mạnh tay chi tiêu, nên dù lãi suất thấp vẫn không khiến dòng tiền dịch chuyển mạnh khỏi hệ thống ngân hàng. Ông có nhận định gì về vấn đề này?
Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, phân khúc khách hàng trung lưu tại Việt Nam tiếp tục tăng trưởng cả về số lượng và mức thu nhập khả dụng, đồng thời phân khúc này ngày càng tập trung vào việc tiết kiệm cho tương lai. Cùng với cơ cấu dân số trẻ, có nhiều người thuộc thế hệ Millenial đã và đang gia nhập lực lượng lao động, điều này đã góp phần làm tăng số dư tiết kiệm trong hệ thống tài chính.
Tôi đồng ý rằng, khách hàng vẫn còn thận trọng sau đại dịch Covid-19. Hành vi hạn chế rủi ro này được lý giải bởi tình hình bất ổn kinh tế toàn cầu, lạm phát tăng cao và lãi suất biến động khó lường như hiện nay. Truyền thống văn hóa của Việt Nam rất xem trọng việc tiết kiệm cho dài hạn và tư duy tiết kiệm này sẽ còn được áp dụng ngay cả khi lãi suất giảm. Ngoài ra, mức tiêu dùng hộ gia đình, đặc biệt là cho các mặt hàng đắt tiền đang tương đối thấp, điều này dẫn đến việc khối lượng thu nhập khả dụng cao hơn được chuyển vào tiết kiệm.
Bên cạnh nhóm khách hàng cá nhân thông thường, các ngân hàng cũng tập trung vào nhóm khách hàng cá nhân cao cấp. Được biết, HSBC vừa có khảo sát đối với phân khúc khách hàng cá nhân cao cấp. Ông có thể chia sẻ một số dữ liệu về nhu cầu ưu tiên, tiêu dùng cũng như nhu cầu đầu tư của nhóm khách hàng này?
Tầng lớp khá giả ở Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ, phù hợp với dự báo Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng người giàu tăng nhanh nhất thế giới trong 10 năm tới, xét theo GDP bình quân đầu người và số lượng triệu phú. Phân khúc khách hàng cao cấp tiếp tục là một trong những trọng tâm chính của dịch vụ HSBC Premier. HSBC Việt Nam gần đây đã công bố những đặc quyền nâng cấp của dịch vụ ngân hàng Premier, hướng đến mục tiêu làm giàu trải nghiệm sống và dịch vụ ngân hàng dành cho khách hàng cao cấp. Những cải tiến này hứa hẹn sẽ mang đến cho khách hàng những đặc quyền mới và nhiều tiện lợi, dựa trên kết quả của một khảo sát gần đây do HSBC thực hiện với phân khúc khách hàng sở hữu tài sản ròng cao tại Hà Nội và TP.HCM.
Theo đó, những người tham gia khảo sát cho biết những ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống của họ gồm hỗ trợ tương lai của con cái (64%), đầu tư vào những tài sản chủ lực như nhà cửa (59%), duy trì sức khỏe và sự thoải mái (55%). Đồng thời, 67% người tham gia khảo sát ưu tiên đầu tư để tạo ra nhiều lợi nhuận hơn, họ cũng có xu hướng đầu tư nhiều nhất vào bất động sản (96%), kim loại quý và hàng hóa như vàng (68%) và cổ phiếu (61%). Họ cũng khá cởi mở với các rủi ro ngắn hạn (gần 50%). Khoảng 85% đối tượng khảo sát cho biết họ thích các hoạt động trực tuyến, từ cập nhật tin tức, mua sắm… đến giao dịch ngân hàng. Các nhu cầu này hoàn toàn phù hợp với sự phát triển mạnh mẽ của tầng lớp người Việt khá giả trong kỷ nguyên số những năm gần đây. Do đó, những nâng cấp gần đây của HSBC dành cho phân khúc khách hàng cao cấp nhằm mang đến cho họ phong cách sống sang trọng, xứng tầm quốc tế, sự tiện lợi cũng như hoạch định kế hoạch tài chính.