
Trong bối cảnh đất nước đang trên hành trình hướng tới mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045, những yêu cầu đặt ra đối với các tổ chức tài chính cũng dần thay đổi dưới tác động của chuyển đổi số, các cam kết về phát triển bền vững và sự giám sát ngày càng chặt chẽ từ công chúng.
Những chuyển biến này đặt ra cả thách thức lẫn cơ hội để xây dựng một chức năng tài chính mang tính chiến lược hơn, đặt trọng tâm vào đạo đức nghề nghiệp và sẵn sàng thích ứng với tương lai.
Sự chuyển đổi này không chỉ diễn ra tại Việt Nam. Trên toàn cầu, những phân tích chính sách mới nhất của Hiệp hội Kế toán công chứng Anh quốc (ACCA) cho thấy một thông điệp nhất quán: Vai trò của các chuyên gia tài chính đang mở rộng nhanh chóng và toàn bộ ngành nghề tài chính - kế toán đang trong quá trình tái định hình.
Từ người giám sát tài chính đến người kiến tạo giá trị
Trong quá khứ, các chuyên gia tài chính thường được biết đến với vai trò là người bảo vệ sự chính xác của sổ sách kế toán, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật và giữ gìn trật tự tài chính trong nội bộ doanh nghiệp. Tuy nhiên, như được nêu trong báo cáo The Chief Value Officer của ACCA, vai trò này đang chuyển dịch sang việc dẫn dắt quá trình tạo dựng giá trị dài hạn trên 3 trụ cột: kinh tế, môi trường và xã hội.
Sự chuyển dịch này đặc biệt phù hợp với bối cảnh Việt Nam, khi các ngân hàng không chỉ được kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mà còn cần thực hiện theo định hướng chiến lược tăng trưởng xanh của quốc gia và đáp ứng các mục tiêu về công bằng xã hội.
Ngày nay, các chuyên gia tài chính không còn đơn thuần là những người “tính toán con số” nữa. Họ ngày càng được xem là những kiến trúc sư của khả năng thích ứng và phát triển của doanh nghiệp, đóng vai trò tư vấn trong việc đánh giá rủi ro khí hậu, định hướng đầu tư công nghệ và cân đối giữa lợi nhuận tài chính với sứ mệnh phát triển bền vững. Chính điều đó giúp tổ chức tạo ra giá trị vượt xa những gì thể hiện trên bảng cân đối kế toán.
![]() |
Một hội thảo về lĩnh vực tài chính Việt Nam do ACCA tổ chức trong tháng 5/2025 |
Niềm tin và đạo đức nghề nghiệp là tài sản chiến lược
Khi Việt Nam tiếp tục hội nhập sâu hơn vào thị trường toàn cầu và hiện thực hóa các mục tiêu ESG (môi trường, xã hội và quản trị), niềm tin đóng vai trò như một loại “tiền tệ” đặc biệt quan trọng.
Theo nghiên cứu Accounting for Society’s Values của ACCA, công chúng thể hiện nhu cầu rõ rệt về một thế hệ lãnh đạo có đạo đức nghề nghiệp, nhất là trong những thời kỳ bất định. Giới tài chính - kế toán có lợi thế đặc biệt trong việc đáp ứng kỳ vọng này. Các kế toán viên được đào tạo để duy trì tính liêm chính, khách quan và minh bạch, đây là những phẩm chất cốt lõi để đảm bảo độ tin cậy trong báo cáo tài chính và báo cáo phát triển bền vững. Dù đang giữ vai trò nội bộ trong doanh nghiệp hay hoạt động dưới tư cách kiểm toán độc lập, họ góp phần nâng cao tính xác thực của các báo cáo, giảm thiểu rủi ro gian lận ESG và củng cố cơ chế giám sát - nền tảng thiết yếu cho quản trị doanh nghiệp lành mạnh.
Đối với các cơ quan quản lý và tổ chức tài chính tại Việt Nam, việc đầu tư vào đạo đức nghề nghiệp không chỉ là một yêu cầu tuân thủ, mà còn là một chiến lược quan trọng để đảm bảo ổn định dài hạn cho toàn ngành, gia tăng niềm tin của nhà đầu tư.
Tăng tốc chuyển đổi tài chính số
ACCA đang hỗ trợ quá trình chuyển đổi này bằng cách cải tiến chứng chỉ hành nghề, cung cấp các khóa phát triển chuyên môn liên tục theo hướng số hóa, đồng thời hợp tác với các đơn vị giáo dục và cơ quan quản lý để bảo đảm chương trình đào tạo sát với yêu cầu tương lai của ngành nghề.
Chuyển đổi số tiếp tục là ưu tiên hàng đầu trong chương trình cải cách tài chính tại Việt Nam. Sự bùng nổ của công nghệ tài chính (Fintech), tỷ lệ thâm nhập ngân hàng số ngày càng cao và định hướng đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt của Ngân hàng Nhà nước đang tạo nên một hệ sinh thái tài chính số phát triển mạnh mẽ.
Theo báo cáo The Smart Alliance của ACCA, ngành nghề tài chính đang ở trung tâm của quá trình chuyển đổi này. Các công nghệ như học máy, trí tuệ nhân tạo và tự động hóa đang thay đổi cách thức dữ liệu tài chính được thu thập, phân tích và sử dụng trong việc ra quyết định. Tuy nhiên, thay vì thay thế con người, các công cụ này đang hỗ trợ các chuyên gia tài chính gia tăng năng lực phân tích, cung cấp các góc nhìn chiến lược và dự báo xu hướng một cách kịp thời hơn.
Đối với các ngân hàng tại Việt Nam đang theo đuổi chuyển đổi số, việc đầu tư vào nguồn nhân lực là yếu tố không thể thiếu. Điều này đòi hỏi đội ngũ tài chính không chỉ được hỗ trợ bởi công nghệ, mà còn phải thực sự hiểu biết về công nghệ, có khả năng đặt câu hỏi phản biện, tuân thủ các nguyên tắc đạo đức dữ liệu và áp dụng chuẩn mực nghề nghiệp trong một môi trường ngày càng tự động hóa.
Đã đến lúc lồng ghép yếu tố bền vững vào quyết định tài chính
Phát triển bền vững giờ đây không còn là một khái niệm phụ trợ, mà đã trở thành một phần không thể thiếu trong mọi chiến lược tài chính hiện đại. Các báo cáo Accounting for a Better World và Finance Evolution của ACCA đều khẳng định rằng, các bộ phận tài chính đang trở thành trung tâm trong các chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu, công bố ESG và tái cấu trúc mô hình kinh doanh theo hướng tuần hoàn.
Tại Việt Nam, cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Chính phủ, cùng với các yêu cầu công bố thông tin ngày càng rõ ràng đang thúc đẩy quá trình tích hợp bền vững vào hệ thống tài chính. Các chuyên gia tài chính đóng vai trò chủ đạo khi thực hiện phân tích kịch bản khí hậu, đánh giá hiệu quả kinh tế của chuyển đổi carbon thấp và đảm bảo rằng, dữ liệu ESG được kiểm chứng và có thể sử dụng trong việc ra quyết định chiến lược. Năng lực kết nối giữa hiệu quả tài chính, hiệu suất môi trường và tác động xã hội chính là yếu tố quyết định để hiện thực hóa các tham vọng về tài chính xanh của Việt Nam.
Sau cùng, tất cả những thay đổi và kỳ vọng nói trên sẽ không thể thành hiện thực nếu thiếu đi lực lượng nhân lực phù hợp. Nghiên cứu Global Talent Trends của ACCA chỉ ra rằng, các chuyên gia tài chính ngày càng được kỳ vọng phải sở hữu tổ hợp kỹ năng đa dạng, từ năng lực kỹ thuật, hiểu biết công nghệ… cho tới kỹ năng mềm và tư duy nhân văn. Tại Việt Nam, điều này đồng nghĩa với việc đào tạo một lực lượng lao động không chỉ giỏi tuân thủ và tính toán, mà còn phải năng động, có đạo đức và hướng đến sứ mệnh xã hội.
ACCA đang hỗ trợ quá trình chuyển đổi này bằng cách cải tiến chứng chỉ hành nghề, cung cấp các khóa phát triển chuyên môn liên tục theo hướng số hóa, đồng thời hợp tác với các đơn vị giáo dục và cơ quan quản lý để bảo đảm chương trình đào tạo sát với yêu cầu tương lai của ngành nghề.
Việc nâng cao năng lực, chuẩn đạo đức và tư duy tích hợp đang đặt các tổ chức tài chính Việt Nam trước một thời điểm then chốt, nơi việc đầu tư vào con người và sứ mệnh sẽ quyết định mức độ vững vàng và khả năng thích ứng của ngành trong dài hạn. Những làn sóng lớn như chuyển đổi số, phát triển bền vững và áp lực đạo đức không phải là mối đe dọa, mà chính là động lực thúc đẩy tiến bộ.
Bằng cách đầu tư vào kỹ năng, đạo đức và tư duy tích hợp, các chuyên gia tài chính Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng một ngành tài chính không chỉ vững chắc về mặt tài chính, mà còn có khả năng dẫn dắt sự đổi mới, nhận được sự tin cậy của xã hội và sẵn sàng cho tương lai.
Tại ACCA, chúng tôi cam kết tiếp tục đồng hành cùng các nhà lãnh đạo tài chính tại Việt Nam trong hành trình xây dựng một ngành nghề tài chính - kế toán tạo ra giá trị bền vững lâu dài không chỉ cho doanh nghiệp, mà còn cho cộng đồng và cho tầm nhìn phát triển quốc gia trong dài hạn.