Tuyên ngôn Độc lập: Giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại

Đúng 70 năm trước, vào ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Bác Hồ đã long trọng đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra trang sử mới - Thời đại Hồ Chí Minh.

Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình

Biển người trên quảng trường Ba Đình hôm đó náo nức, nín thở, hân hoan vô hạn, bởi vận hội nước nhà sang trang mới, kỷ nguyên mới. Bác Hồ nói: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ quyền tự do, độc lập ấy”.

20 triệu đồng bào ta khi ấy, cùng nhân dân yêu chuộng hòa bình, công lý trong khu vực và thế giới đều biết, chỉ mới 14 ngày trước đó, ngày 19/8/1945, đồng bào ta từ Bắc chí Nam đã đứng lên làm cuộc Tổng khởi nghĩa long trời, lở đất, đồng loạt phá tan hai tầng xiềng xích nô lệ của thực dân và chủ nghĩa phong kiến lạc hậu.

Tuyên ngôn Độc lập là bản hịch bất hủ, bản tráng ca bất tử, đã khẳng định thực tế lịch sử cũng như thành quả của cách mạng Việt Nam nở hoa giữa mùa Thu tháng Tám không bao giờ quên. Thế nhưng, kẻ thù của dân tộc cả trong và ngoài biên giới không ngồi yên, bọn chúng cấp tập với nhiều thủ đoạn xảo quyệt để chống chính quyền cách mạng còn non trẻ.

Điển hình là cuộc gây hấn ở Nam Bộ vào ngày 23/9/1945, trong khi ở miền Bắc là cuộc chống phá của bọn tay sai Việt Quốc, Việt Cách cấu kết với tàn quân Tưởng Giới Thạch…

Thời điểm ấy, cuộc cách mạng của 54 dân tộc Việt Nam tựa ngàn cân treo sợi tóc. Bác Hồ và Đảng ta đã sáng suốt, tích cực, chủ động tiến hành nhiều chủ trương, biện pháp sáng tạo để đưa cách mạng vượt lên trên khó khăn, hướng tới bến bờ của tự do, hạnh phúc, bình đẳng và bác ái. Thế nhưng, kẻ thù hung hãn lần lượt và trắng trợn phá Hiệp định sơ bộ (6/3/1946), Tạm ước Việt - Pháp (14/9/1946) và cuối cùng là gây hấn ở Thủ đô Hà Nội, buộc nhân dân ta đứng lên tiến hành cuộc kháng chiến toàn quốc vào đêm 19/12/1946.

Hà Nội - Thăng Long - Đông Đô, Thủ đô yêu dấu của chúng ta vào cái đêm không thể nào quên, đêm kháng chiến đầu tiên, người người đổ ra phố phường như thác lũ để dựng hào, đắp lũy trong khi lửa cháy ngút trời Hà Nội, để rồi nhà văn Nguyễn Đình Thi có bài hát để đời “Người Hà Nội”, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng có vở kịch “Những người ở lại”… ngợi ca cuộc chiến đấu không khoan nhượng, ngợi ca đất và người Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Sau loạt súng đại bác của quân đội ta bắn đi từ pháo đài Láng làm hiệu lệnh tấn công kẻ thù xâm lược, trên làn sóng điện của Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, Thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

Bác Hồ kêu gọi: “Hỡi đồng bào, chúng ta phải đứng lên! Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không phân biệt đảng phái, tôn giáo, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh Thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm. Không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống Thực dân Pháp cứu nước”…

Từ Tuyên ngôn Độc lập đến Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (12/1946) chỉ có 15 tháng, nhưng đất nước chồng chất khó khăn. Nếu như Tuyên ngôn Độc lập khẳng định thành quả lịch sử và quyền thiêng liêng của toàn dân tộc, thì lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến là tiếng gọi của non sông, âm vang hồi kèn xung trận của triệu triệu người Việt Nam đứng lên cứu nước.

Nhớ mùa Xuân năm 1941, khi mai nở trắng rừng biên giới, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, sau 30 năm đi tìm đường cứu nước, đã trở về Cao Bằng và hôn lên nắm đất Tổ quốc trong nước mắt tuôn trào. Mấy năm sau, trên núi ngàn Việt Bắc, Người nói với Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng quyết giành cho được độc lập, tự do”. Như thế đó, khát vọng độc lập tự do, giải phóng con người trong trái tim Hồ Chí Minh cháy bỏng, đơn giản vì Người từng nói: “Nhân dân là bầu trời bao la”.

Trên núi ngàn Việt Bắc, thời nếm mật nằm gai của kháng chiến trường kỳ 9 năm, thực dân Pháp tấn công lên Việt Bắc (1947) nhằm bóp chết chính quyền cách mạng sau đêm toàn quốc kháng chiến. Nhưng kẻ thù đã thua bởi Việt Nam - Hồ Chí Minh không chỉ chiến thắng lẫy lừng ở Việt Bắc, mà sau đó không lâu đã làm nên một Điện Biên Phủ chấn động địa cầu vào ngày 7/5/1954.

Trong những năm giặc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc XHCN bằng không quân, hải quân, vào ngày 17/7/1966, Bác Hồ đã có lời kêu gọi gửi đồng bào và chiến sĩ cả nước. Trong lời kêu gọi, Bác nói: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

“Không có gì quý hơn độc lập, tự do” là thể hiện ý chí kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam - một dân tộc đã đi qua bão táp mấy ngàn năm dựng nước, giữ nước. Một dân tộc từng làm nên những chiến công oanh liệt như Đống Đa, Vạn Kiếp, Bạch Đằng… nhất định không chịu khuất phục bất cứ kẻ thù nào, như Tuyên ngôn Độc lập khẳng định.

Trong thế kỷ XX, cuộc trường chinh chống ngoại xâm của Việt Nam kéo dài 30 năm, cuối cùng đất nước đã thống nhất, giang sơn gấm vóc thu về một mối. Đó là mùa Xuân Đại thắng 1975 bất hủ được cháy lên từ đêm toàn quốc kháng chiến.

Tháng Tám mùa Thu cách mạng này, Bác Hồ kính yêu của chúng ta đi xa đã gần nửa thế kỷ, nhưng đạo đức sáng trong, cống hiến vĩ đại, tấm gương ngời sáng của Người cùng bản Di chúc bất hủ được Người để tâm chuẩn bị mấy năm trời thì vẫn còn đó. Tất cả như mới ngày hôm qua. Rất thời sự mà cũng rất vĩnh hằng, bởi Hồ Chí Minh là niềm tin tất thắng.

“Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể còn kéo dài. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao, chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn… Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam - Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”…

Cũng trong Di chúc, Bác Hồ đã đề cập việc đoàn kết, thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên, nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình để cũng cố và phát triển sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, vấn đề đạo đức cách mạng đối với đảng viên và cán bộ, yêu cầu đào tạo và giáo dục đạo đức cách mạng cho đoàn viên và thanh niên, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, phát triển kinh tế và văn hóa nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân.

Từ Tuyên ngôn Độc lập đến Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, lời kêu gọi “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” đến Di chúc lịch sử… đều mang hồn thiêng sông núi của nước Nam này. Theo con đường của Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn, gần 30 năm qua, đất nước tiến hành sự nghiệp Đổi mới và 5 năm thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đất nước đã thu nhiều thành tựu về mọi phương diện cũng như hội nhập cộng đồng quốc tế.

Giá trị của Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 vừa có tính thời đại, vừa có tính vĩnh hằng, vừa ắp đầy chủ nghĩa nhân văn, đậm hồn dân tộc nước Việt được hun đúc, hội tụ sau mấy ngàn năm dựng nước, giữ nước. Đó là sợi chỉ đỏ bắt nguồn từ Luận cương nổi tiếng - Bản án chế độ Thực dân Pháp đến báo Người cùng khổ (Le Paria) rồi đến báo Thanh Niên… Nhà văn Đoàn Minh Tuấn nói: “Bác Hồ là cây đại thụ Việt Nam mà rễ ăn sâu xuống lòng đất đời đời xanh tươi. Bóng mát che rợp cả đất nước ba phần tư thế kỷ XX”.

Nhà văn Pháp nổi tiếng Jean Lacouture viết tiểu sử Chủ tịch Hồ Chí Minh (trước năm 1969): Bác Hồ bây giờ là một người cao tuổi. Đời Bác đã trải qua nửa thế kỷ đấu tranh cách mạng. Nhưng nếu cậu bé Cung trở thành Nguyễn Tất Thành, trở thành anh Ba, trở thành Nguyễn Ái Quốc, trở thành Vương, trở thành Lin, rồi trở thành Hồ Chí Minh không được tự mắt nhìn thấy Việt Nam độc lập và thống nhất từ Mục Nam Quan đến mũi Cà Mau (4/1975), thì những người Việt Nam khác đã chứng kiến điều ấy trở thành sự thật, bởi đó là khát vọng của Người mà lúc sinh thời Bác Hồ từng nói: “Đối với nhân dân Việt Nam, không có gì quý hơn độc lập, tự do và phẩm giá con người”.

Nhớ lại, năm 1946, Bác Hồ đã gửi thư cho nhà cầm quyền Mỹ lúc đó đề nghị thiết lập mối bang giao, nhưng phía họ đã bỏ lỡ cơ hội và mọi việc diễn ra như thế giới từng biết.

Mới rồi, hạ tuần tháng 7/2015, tại phòng bầu dục Nhà Trắng, gần vườn hồng của 20 năm trước, khi đó Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã tuyên bố xóa bỏ cấm vận, thiết lập quan hệ ngoại giao Hoa Kỳ - Việt Nam, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng nói với Tổng thống Mỹ Barack Obama rằng, không ai có thể thay đổi được quá khứ, nhưng xây dựng tương lai trách nhiệm thuộc về chúng ta…

Hồn cốt, tầm nhìn, giá trị vững bền của Tuyên ngôn Độc lập là như thế đó. Hồ Chí Minh đã để lại cho đất nước của Người một sự nghiệp đồ sộ hiếm thấy.

Xuân Nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục