Ngọn nguồn tư tưởng Tự do, Độc lập của Bác Hồ trong Tuyên ngôn Độc lập

Năm 2015, toàn dân chào đón sự kiện 70 năm ngày thành lập Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á, đồng thời cũng là kỷ niệm 70 năm ra đời bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh Nhà nước Việt Nam mới.
Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn Độc lập trên Quảng trường Ba Đình lịch sử ngày 2/9/1945 Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn Độc lập trên Quảng trường Ba Đình lịch sử ngày 2/9/1945

Tư tưởng cháy bỏng của bản Tuyên ngôn

Ngày 2/9/1945, tại Vườn hoa Ba Đình (Hà Nội), thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập do Người khởi thảo, tuyên bố với đồng bào cả nước về việc: Thoát ly hẳn quan hệ thực dân với Pháp, xoá bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam. 

Và Người cũng trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng:  “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Với nội dung khẳng định những quyền cơ bản của con người trong một quốc gia dân chủ, Tuyên ngôn Độc lập -Văn bản lập quốc vĩ đại, đã trở thành kiệt tác về tư tưởng, lý luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bản tổng kết những giá trị tinh thần của cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân ta; đồng thời cũng là Tuyên ngôn mở đầu kỷ nguyên độc lập dân tộc của dân tộc Việt Nam.

Để tìm về ngọn nguồn những giá trị tư tưởng về quyền tự do và độc lập trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam, đòi hỏi chúng ta phải trở lại với quá trình hình thành và phát triển tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập tự do” ở Hồ Chí Minh, gắn liền với cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân của các dân tộc thuộc địa. Cuộc đấu tranh đòi tự do dân chủ và quyền tự quyết của các dân tộc, thực chất là đòi lại những quyền mà tạo hóa cho họ đã bị đế quốc thực dân cưỡng đoạt và chà đạp một cách vô nhân đạo lên số phận của dân bản xứ, trong đó có Việt Nam.

Trước hết, chúng ta tìm hiểu việc Nguyễn Tất Thành xuất dương đi tìm đường cứu nước. Động cơ, tiêu chí lựa chọn nào đã khiến người thanh niên yêu nước đó tìm đến phương Tây? Nguyễn Ái Quốc cho rằng, việc mình sang phương Tây tìm đường cứu nước còn có một lý do rất tự nhiên là: “Khi tôi độ 13 tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái. Và thủa ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn xem những gì ẩn đằng sau những chữ ấy”. Như vậy, có thể thấy, chính ánh sáng từ lý tưởng Tự do, Bình đẳng, Bác ái của đại Cách mạng Pháp 1789, quê hương của Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền năm 1791, đã hướng Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh tiếp cận và hòa nhập vào dòng lịch sử cách mạng thế giới.

Trên con đường cứu nước, từ những ngày đầu bước vào cuộc đấu tranh đòi tự do cho đồng bào và quyền tự quyết của dân tộc, ngày 2/9/1919, khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Mỹ của Báo Yi Chê Pao hỏi mục đích Nguyễn Ái Quốc đến Pháp, Người không chút đắn đo trả lời: “Để đòi những quyền tự do mà chúng tôi phải được hưởng”.

Như vậy, mục tiêu đòi những quyền tự do dân chủ cho đồng bào và Tổ quốc của Nguyễn Ái Quốc là rõ ràng và dứt khoát. Trước đó, ngày 2/8/1919, Người chính thức thể hiện lập trường của mình ở bài báo “Vấn đề dân bản xứ”  đăng trên báo L’ Humanité (tờ báo hàng ngày của Đảng Xã hội Pháp). Trong bài báo này, tác giả Nguyễn Ái Quốc, với tài năng thiên bẩm, đã tóm tắt nội dung của bản yêu sách của nhân dân An Nam gửi Hội nghị Hòa bình (Hội nghị Versailles, Pháp) với những đòi hỏi là: “Đòi ân xá cho tất cả các tù chính trị bản xứ, đòi cải cách pháp chế ở Đông Dương bằng ban hành những bảo đảm cho người bản xứ cũng như cho người Âu, đòi tự do báo chí, tự do hội họp và lập hội, tự do dạy học, đòi thay thế chế độ sắc lệnh bằng chế độ pháp luật; và sau cùng, đòi có một đoàn đại biểu thường trực của dân bản xứ được bầu vào Nghị viện Pháp. Chúng tôi chỉ có thể coi các yêu sách rất đúng đắn đó cũng là của chính mình, trong thời đại mà ý muốn của nhân dân là nắm quyền tự quyết”.

Không thể có một cách thể hiện nào có thể diễn tả chính xác và cô đọng hơn những nguyện vọng cháy bỏng của một dân tộc về những quyền tự do, mà thiếu chúng thì con người ngày nay chỉ là một kẻ nô lệ khốn cùng.

Trong diễn đàn chính trị, khi nói về ý nghĩa của Cách mạng tháng Tám và Tuyên ngôn Độc lập của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thì ít người có cách xác định ý nghĩa, giá trị của sự kiện ấy như chính Chủ tịch Hồ Chí Minh. Kỷ niệm một năm ngày Cách mạng tháng Tám thắng lợi (2/9/1946), lúc Hồ Chí Minh đang có mặt tại Paris làm thượng khách của Cộng hòa Pháp, trước đông đảo cử tọa Việt Nam và Pháp, Chủ tịch nói: “Tôi xin long trọng bày tỏ sự kính trọng đối với nhân dân Việt Nam anh dũng của chúng ta, đã nêu cao lý tưởng dân chủ và đã không lùi bước trước bất kỳ sự hy sinh nào để bảo vệ tự do của mình. Chính là sự đoàn kết, đoàn kết hoàn toàn và không gì phá vỡ nổi của toàn thể nhân dân chúng ta đã khai sinh ra nước Cộng hoà của mình”.

Thành quả cho cách mạng Việt Nam

Kiểm lại những nhà cách mạng Việt Nam của thế kỷ XX, chúng ta thấy rằng, không ai có được một hành trình khảo sát và tiếp thu các giá trị của các quốc gia có các cuộc cách mạng điển hình như Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Để giành lại độc lập và tự do cho nhân dân, các dân tộc đều phải tiến hành một cuộc cách mạng, đều đòi hỏi sự hy sinh to lớn và phải có tổ chức lãnh đạo chắc chắn, nên đã hy sinh làm cách mạng thì nên làm đến nơi đến chốn. Khi cách mạng thắng lợi thì phải giao quyền cho dân chúng số nhiều, thế mới khỏi hy sinh nhiều lần và dân chúng mới  được hưởng hạnh phúc, tự do thực sự, chứ không phải cái tự do giả dối như thực dân Pháp tuyên truyền ở An Nam.

Theo Hồ Chí Minh, nhà nước ở Việt Nam mới phải là nhà nước thực sự của dân, do dân và vì dân. Nhà nước đó phải là nhà nước dân chủ - pháp quyền và phải là nhà nước có Hiến pháp dân chủ để tổ chức, quản lý xã hội theo tinh thần “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. 

Tính chính nghĩa của cuộc cách mạng lập nên nhà nước dân chủ ấy, trước hết cần phải có Tuyên ngôn Độc lập, khẳng định mục tiêu của nhà nước ấy là: Độc lập - Tự do - Hạnh phúc, những giá trị mang tính tự nhiên, thiêng liêng và vĩnh hằng mà nhân loại hướng tới. Bằng sự từng trải từ cuộc đấu tranh của các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc chống chủ nghĩa đế quốc thực dân, đặc biệt qua hai cuộc chiến tranh thế giới, hơn ai hết, Hồ Chí Minh hiểu những tư tưởng Tự do, Bình đẳng, Bác ái mà Cách mạng Pháp, Cách mạng Mỹ và Cách mạng Việt Nam đều hướng tới, vì đó là những quyền mà tạo hóa cho con người cùng dân tộc mà họ là những chủ nhân đích thực được hưởng.

Như vậy, chính việc tìm đến phương Tây để tiếp cận những lý tưởng vĩ đại của Cách mạng Pháp, tìm đến lý tưởng của Cách mạng Mỹ qua Tuyên ngôn Độc lập của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đã đưa Nguyễn Ái Quốc từ một thanh niên yêu nước trở thành lãnh tụ cho một cuộc đấu tranh vì những lý tưởng cao cả là sự nghiệp dấu tranh giải phóng loài người, mà trong đó có dân tộc Việt Nam thân yêu của Người, trong một thời đại mà ý muốn của nhân dân là nắm quyền tự quyết.

Là nhà tư tưởng vĩ đại, nhà lý luận sáng tạo của cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu một tấm gương sáng trong việc kế thừa, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tinh hoa của nhân loại, tiếp thu và vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin trên tinh thần độc lập, tự chủ và sáng tạo phù hợp với hoàn cảnh thực tế ở nước ta.

Tư tưởng Hồ Chí Minh trường tồn cùng dân tộc, cùng sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và càng toả sáng trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam. Qua cách thể hiện của Hồ Chí Minh, những lý  tưởng cao cả của nhân loại đã được hòa đồng với quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc mà tạo hóa cho họ: những quyền không ai có thể xâm phạm được, đã lan tỏa đến các dân tộc, dù là nhỏ bé trong cộng đồng thế giới, nơi các giá trị nhân bản, các quyền tự do, dân chủ được bảo đảm và trân trọng trên thực tế ở mỗi quốc gia dân chủ với sự hội nhập quốc tế trong hòa bình và phát triển.

70 năm đấu tranh, xây dựng và bảo vệ những quyền cơ bản thiêng liêng mà Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố trước đồng bào và các nước trên thế giới, so với chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc thì không dài, song với  mỗi con người, đó là khoảng thời gian đáng sống vì được chiến đấu, lao động và học tập dưới ánh sáng tư tưởng Không có gì quý hơn độc lập tự do của Hồ Chí Minh.

Ý nghĩa của tư tưởng: Không có gì quý hơn độc lập tự do trong Tuyên ngôn Độc lập được Hồ Chí Minh càng được lan tỏa đến toàn dân khi nó  phát huy được tinh thần đoàn kết dân tộc, không phân biệt giai cấp, giống nòi, gái trai, tạo thành sức mạnh vô địch đủ sức chiến thắng các cuộc chiến tranh can thiệp bằng bom đạn và cường quyền của các cường quốc lớn trên thế giới đối với Việt Nam, trở thành biểu tượng cho một dân tộc dũng cảm đấu tranh vì hòa bình, tự do và phẩm giá của con người ở thế kỷ XX và vững vàng hội nhập quốc tế sâu rộng trong thế kỷ XXI.

Trần Văn Khôi, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng
Baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục