Tuần đáng nhớ của chứng khoán toàn cầu

(ĐTCK) Sau cơn hoảng loạn đầu tuần, nhất là trong “ngày thứ Hai đen tối”, thị trường chứng khoán toàn đã hồi phục ngoạn mục trở lại trong các phiên cuối tuần. Đây có thể nói là tuần đáng nhớ của chứng khoán toàn cầu với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau của giới đầu tư.
Ảnh minh họa: AFP Ảnh minh họa: AFP

Sau 2 phiên hồi phục mạnh mẽ, phố Wall đã có phiên giằng co mạnh đầu tuần khi giới đầu tư bắt đầu hướng tới dữ liệu kinh tế quan trọng của Mỹ trong tuần tới, mà quan trọng nhất là báo cáo việc làm được công bố vào ngày thứ Sáu.

Ngoài ra, khả năng Fed tăng lãi suất trong tháng 9 cũng chưa hết khi Phó chủ tịch Fed Stanley Fischer nói với CNBC trong hội nghị thường niên của Fed ở Jackson Hole rằng, Ủy ban đã “đi theo hướng” lãi suất cao hơn.

Với những thông tin trái chiều được đưa ra, giới đầu tư dường như đang mông lung trong việc dự báo động thái chính sách của Fed.

Kết thúc phiên 28/8, chỉ số Dow Jones giảm 11,76 điểm (-0,07%), xuống 16.643,01 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,21 điểm (+0,06%), lên 1.988,87 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 15,62 điểm (+0,32%), lên 4.828,32 điểm.

Với 3 phiên hồi phục liên tiếp cuối tuần đã giúp phố Wall lấy lại toàn bộ những gì đã mất trong 2 phiên lao dốc đầu tuần, thậm chí còn dôi dư. Cụ thể, trong tuần, Dow Jones tăng 1,11%, S&P 500 tăng 0,91% và Nasdaq thậm chí tăng mạnh 2,6%.

Tương tự, chứng khoán châu Âu kết thúc tuần giao dịch đầy biến động với phiên trái chiều. Trong phiên đầu tuần, vốn hóa chứng khoán châu Âu đã “bốc hơi” 450 tỷ euro khi các chỉ số FTSEurofist giảm gần 10%. Sau đó, chứng khoán châu Âu đã nhanh chóng hồi phục trở lại trong phiên thứ Ba, nhưng giảm nhẹ trở lại trong phiên thứ Tư, rồi lại tăng mạnh trong phiên thứ Năm trước khi kết thúc tuần với phiên trái chiều và cũng là phiên ít biến động nhất trong tuần.

Kết thúc phiên 28/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 55,91 điểm (+0,9%), lên 6.247,94 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 17,09 điểm (-0,17%), xuống 10.298,53 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 16,95 điểm (+0,36%), lên 4.675,13 điểm.

Nhờ các phiên hồi phục ấn tượng, chứng khoán châu Âu cũng đã tránh được tuần giảm điểm. Trong tuần, FTSE 100 tăng 0,97%, chỉ số DAX tăng 1,72% và chỉ số CAC 40 tăng 0,95%.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, đặc biệt là chứng khoán Trung Quốc sau 2 phiên đầu tuần lao dốc không phanh, đà giảm đã được hãm lại trong phiên thứ Tư và sau đó hồi phục mạnh trở lại trong 2 phiên cuối tuần. Tuy nhiên, 2 phiên hồi phục này cũng không đủ giúp chứng khoán Trung Quốc thoát khỏi tuần giảm mạnh tiếp theo.

Trong khi đó, 3 phiên tăng cuối tuần cũng chỉ đủ giúp chứng khoán Nhật Bản hãm bớt đà giảm trong tuần, chứ không thể lấy lại được những gì đã đánh mất trong 2 phiên đầu tuần.

Kết thúc phiên 28/8, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 561,88 điểm (+3,03%), lên 19.136,32 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 226,15 điểm (-1,04%), xuống 21.612,39 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 148,76 điểm (+4,82%), lên 3.232,35 điểm.

Dù nỗ lực hồi phục trong các phiên cuối tuần, nhưng với 2 phiên lao mạnh đầu tuần, đặc biệt là trong “ngày thứ Hai đen tối”, các chỉ số chính của châu Á vẫn có tuần giảm khá mạnh. Trong đó, chỉ số Nikkei 225 giảm nhẹ nhất cũng mất 1,54%, chỉ số Hang Seng giảm 3,56%, chỉ số Shanghai Composite giảm 7,85%.

Trên thị trường vàng, giá vàng bất ngờ tăng trở lại, bất chấp khả năng về việc Fed tăng lãi suất trong tháng 9 vẫn còn và đồng USD tăng mạnh trở lại, lên mức cao nhất hơn 1 tuần.

Kết thúc phiên 28/8, giá vàng giao ngay tăng 8,3 USD (+0,74), lên 1.133,8 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 10,7 USD (+0,95%), lên 1.133,3 USD/ounce.

Dù hồi phục trở lại, nhưng với những tổn thất trong tuần khi giới đầu tư hoảng loạn bán tất cả các tài sản mà mình có thể, giá vàng vẫn có phiên giảm khá mạnh trở lại khi cả giá vàng giao ngay và giá vàng giao tháng 12 cùng giảm 2,29%.

Trong khảo sát giá vàng tuần này của Kitco, giới đầu tư dường như chưa thể đưa ra nhận định rõ ràng về giá vàng trong tuần tới. Trong khảo sát online của Kitco, có 98 người, tương đương 42% cho rằng vàng sẽ tăng giá trong tuần tới; 102 người, tương đương 43% nhận định vàng sẽ giảm giá và 35 người, chiếm 15%, giữ quan điểm trung lập.

Với khảo sát các chuyên gia tại Wall Street, tuần này có 17 chuyên gia trả lời, trong đó có 12 chuyên gia, chiếm 71% nhận định giá vàng sẽ cao hơn trong tuần tới; 3 người, chiếm 18% cho rằng vàng giữ xu hướng giảm và 2 người, chiếm 12%, giữ quan điểm trung lập.

Thông tin kinh tế Mỹ khả quan và nguy cơ nguồn cung bị sụt giảm tiếp tục giúp giá dầu tăng mạnh phiên cuối tuần. Chỉ trong 2 phiên tăng cuối tuần, giá dầu thô đã có mức tăng hơn 15%, qua đó không chỉ thoát khỏi tuần giảm tiếp theo, mà còn có tuần tăng mạnh hơn 10%.

Kết thúc phiên 28/8, giá dầu thô Mỹ tăng 2,66 USD/thùng (+5,88%), lên 45,22 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 2,49 USD (+4,98%), lên 50,05 USD/thùng. Trong tuần, giá dầu thô Mỹ tăng tới 11,79% và giá dầu thô Brent cũng tăng tới 10,1%.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục