Giá dầu WTI giao tháng 10 tăng 3,96 USD, chốt phiên ở 42,56 USD/thùng tại New York Mercantile Exchange. Trước đó, dầu WTI đã rơi xuống mức đáy 37,75 USD/thùng vào ngày thứ Hai (24/8), mức thấp nhất kể từ tháng 2/2009. Kể từ đầu năm tới nay, giá dầu đã giảm 20%.
Trong khi đó, giá dầu thô Brent giao tháng 10 tăng 4,42 USD/ounce, hay 10%, đóng cửa ở mức 47,56 USD/ounce/thùng tại ICE Futures Exchange ở London. Đây là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 12/2008.
Theo thông tin mới được công bố, GDP quí II/2015 của Mỹ tăng trưởng ở mức 3,7%, vượt xa mọi dự tính trước đó của các chuyên gia kinh tế. Chỉ số Standard & Poor’s 500 đang tiến tới 2 ngày tăng mạnh nhất kể từ năm 2009 sau khi thị trường chứng khoán Trung Quốc chấm dứt chuỗi 5 ngày giảm sâu. Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang cân nhắc xem nền kinh tế Mỹ đã đủ mạnh mẽ để chịu đựng lần tăng lãi suất đầu tiên kể từ năm 2006 hay chưa?
Thêm vào đó, giá dầu tăng mạnh một phần nhờ Royal Dutch Shell Plc thông báo việc buộc phải đóng cửa 2 đường ống dẫn dầu để phục vụ cho việc sửa chữa.
Trong tuần trước, giá dầu đã giảm xuống dưới 40 USD/thùng do lo ngại về tình hình kinh tế trì trệ của Trung Quốc khiến như cầu giảm sút, cũng như những bất ổn trên thị trường tài chính toàn cầu.
“Giá dầu đã giảm xuống quá nhanh. Và khi các lệnh bán đã được đưa ra hết, đây là lúc thị trường tăng trở lại”, Michael Hiley, giám đốc bộ phận giao dịch năng lượng tại LPS Partners Inc cho biết.
Được biết, trước tình trạng giá dầu giảm mạnh, Iran đã kêu gọi tổ chức hội nghị khẩn cấp giữa các nước thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), tuy nhiên, Ả Rập Xê út, quốc gia dẫn đầu tổ chức, hiện chưa lên tiếng xác nhận thông tin này. OPEC đã đưa ra quyết định giữ nguyên sản lượng dầu cung cấp ra thị trường ở mức 30 triệu thùng/ngày trong cuộc họp gần đây nhất vào tháng 6/2015, bất chấp giá dầu giảm.