Nới lệnh cấm, Iran đưa kế hoạch 100 tỷ USD đầu tư ngành dầu khí

(ĐTCK) Iran đang hoàn tất chi tiết các hợp đồng mới và giàu sức hấp dẫn hơn với các công ty năng lượng đa quốc gia với hy vọng sẽ thu hút khoản đầu tư 100 tỷ USD vào ngành công nghiệp dầu mỏ và khí đốt của mình, một khi lệnh trừng phạt của phương Tây được dỡ bỏ.
Iran hiện sở hữu trữ lượng khí đốt lớn nhất thế giới và trữ lượng dầu mỏ lớn thứ ba thế giới Iran hiện sở hữu trữ lượng khí đốt lớn nhất thế giới và trữ lượng dầu mỏ lớn thứ ba thế giới

Mehdi Hosseini, cố vấn cao cấp Bộ Dầu mỏ Iran đồng thời là người soạn thảo các điều khoản hợp đồng dầu mỏ, hy vọng Tổng thống Iran Hassan Rouh sẽ thông qua hợp đồng mới trong thời gian tới, trong đó, chi tiết hợp đồng sẽ được chính thức công bố vào cuối năm nay.

Hệ thống đấu thầu hợp đồng hiện nay tại Iran, vốn không cho phép các công ty nắm trực tiếp cổ phần trong các công ty dầu mỏ Iran, đã tỏ ra không phù hợp với các công ty đa quốc gia muốn đầu tư vào nước này, ngay cả khi trước thời điểm lệnh trừng phạt bị thắt chặt.

Trước đó, những nhà đầu tư nước ngoài chỉ được tham gia khai thác và phát triển các vùng dầu. Họ hoạt động dựa trên hợp đồng mua lại, trong đó, họ phải trả tỷ lệ lợi nhuận nhất định nhưng không có được sở hữu tài sản và không có bất cứ quyền gì đối với vùng khai thác này. Giới phân tích cho rằng, dưới cơ chế này, các công ty không thể kiểm soát được chi phí và không có bất cứ điều gì đảm bảo lợi nhuận trong dài hạn.

Iran hiện sở hữu trữ lượng khí đốt lớn nhất thế giới và trữ lương dầu mỏ lớn thứ ba thế giới, có tham vọng tăng sản lượng dầu mỏ lên khoảng 5 triệu thùng/ngày vào cuối thập niên này. Tehran đang tích cực nghiên cứu và điều chỉnh các điều khoản hợp đồng trong vòng hai năm qua. Khi quá trình được hoàn thiện, nó sẽ ghi dấu sự thay đổi rất lớn, nhằm gia tăng sở hữu nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí.

Chi tiết hợp đồng hiện vẫn chưa rõ ràng. Nó sẽ tồn tại dưới dạng hợp đồng dịch vụ, ông Hosseini cho biết, với các điều khoản và chi phí linh hoạt, đồng thời giải quyết các rủi ro trong mỗi dự án cũng như cân nhắc cả yếu tố biến động thị trường.

Chi tiết về kế hoạch triển khai hàng chục dự án dầu mỏ và khí đốt có sẵn trong đất liền và ngoài khơi sẽ được công bố tại Hội nghị xúc tiến đầu tư mà Iran dự định sẽ tổ chức tại London (Anh) vào tháng 12 tới. Tới lúc đó, các tập đoàn dầu mỏ chủ chốt của Mỹ từng rời bỏ Iran năm 1979 sau cuộc cách mạng Hồi giáo, có thể quay trở lại và tham gia, một khi Iran đạt thỏa thuận hạt nhân với Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Trung Quốc, Pháp, Anh, Nga cùng với Đức) về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran.

Trả lời phỏng vấn Thời báo Tài chính (Anh), ông Hosseini tiết lộ, giá trị số hợp đồng này có thể vượt quá con số 100 tỷ USD. Trên thực tế, Iran dự định sẽ tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư nói trên ngay trong tháng 9, song đã phải hoãn lại tới tháng 12 do các vấn đề “hậu cần”, đặc biệt là khoảng cách còn tồn tại giữa thỏa thuận hạt nhân và việc dỡ bỏ trừng phạt sẽ như thế nào.

“Mục đích của hội nghị là gì khi các công ty dầu mỏ quốc tế không thể tham dự với cấp độ cao nhất chỉ vì các vấn đề liên quan tới lệnh trừng phạt. Nếu các công ty Mỹ tham gia, chúng tôi hoàn toàn hoan nghênh và điều này sẽ tạo ra sự cạnh tranh lớn hơn giữa nhóm công ty Mỹ và châu Âu. Điều đó có lợi cho chính Iran”, ông Hosseini chia sẻ.

Giám đốc điều hành Tập đoàn Dầu mỏ Royal Dutch Shell (liên doanh Anh - Hà Lan) và Eni của Italia đã tới thăm Iran để thảo luận về các khoản đầu tư mới, trong bối cảnh xuất hiện các đồn đoán về sự tham gia của nhiều công ty phương Tây khác. Hiện Tập đoàn năng lượng Total (Pháp), Shell, Eni và Statoil (Na Uy) đã đầu tư tại Iran từ cuối thập niên 1990 bất chấp các lệnh trừng phạt, đã từ chối phát triển thêm các mỏ dầu mới vì lợi nhuận thấp khi không nắm được quyền sở hữu trực tiếp.

Ngay cả khi các công ty hoan nghênh sự điều chỉnh trong các hợp đồng mới, vẫn còn tồn tại một số lo ngại. Một nhà tư vấn dầu mỏ phương Tây tại Tehran cho biết: “Nếu bạn nghĩ đàm phán các dự án dầu mỏ dễ dàng hơn đàm phán thỏa thuận hạt nhân, bạn đã hoàn toàn sai lầm”.

Xuất khẩu dầu mỏ của Iran đã giảm hơn một nửa từ mức trên 2 triệu thùng năm 2012, thời điểm Iran bắt đầu bị phương Tây trừng phạt, trong khi Tehran không thể tiếp cận phần lớn doanh thu dầu mỏ của mình, ước khoảng 100 tỷ USD và số tiền này “bị kẹt” tại các ngân hàng châu Á.

Iran khẳng định sẽ giành lại thị phần trên thị trường dầu mỏ, vốn đã bị rơi vào tay Ả rập Xê út và một số quốc gia Vùng Vịnh khác, một khi lệnh trừng phạt được dỡ bỏ ngay cả khi điều này sẽ dẫn đến tình trạng dư cung trầm trọng.

“Iran sẽ không ngồi yên một chỗ. Sẽ có sự cạnh tranh gay gắt và Iran sẽ thưc thi các chính sách để giành lại phần vốn có của mình”, ông Hosseini cho biết.

Việt Khoa (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục