Chứng khoán thăng hoa, giá dầu thô “bốc cháy”

(ĐTCK) Với tâm lý mọi điều tồi tệ nhất đã qua, giới đầu tư toàn cầu đã ồ ạt đổ tiền vào chứng khoán, giúp các thị trường đồng loạt tăng mạnh. Trong khi đó, dữ liệu kinh tế Mỹ khả quan, cùng sự sụt giảm về nguồn cung giúp giá dầu thô có phiên tăng mạnh nhất hơn 6 năm, trong khi vàng chưa thể hồi phục.
Ảnh minh họa: AFP Ảnh minh họa: AFP

Dẽ liệu vừa công bố hôm thứ Năm cho thấy, GDP trong quý II của Mỹ tăng trưởng 3,7%, cao hơn con số ước tính ban đầu trước đó là 2,3%. Dữ liệu kinh tế tích cực này lại khiến khả năng tăng lãi suất của Mỹ trong tháng 9 gia tăng, nhưng không ngăn cản được tâm lý hứng khởi của nhà đầu tư khi đa số cho rằng, điều tồi tệ nhất đã qua.

Mặt khác, trước đó, Chủ tịch Fed New York William Dudley cho rằng, đây không phải là thời điểm tích hợp để tăng lãi suất vì sự hỗn loạn của thị trường toàn cầu sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế Mỹ, dù nên kinh tế lớn nhất thế giới đang tăng trưởng khá vững chắc.

Chính nhờ tâm lý lạc quan trên đã giúp phố Wall có phiên tăng điểm mạnh thứ 2 liên tiếp với mức tăng hơn 2% sau khi tăng trên dưới 4% trong phiên trước đó. Mức tăng trong 2 phiên liên tiếp này của Dow Jones là lớn nhất kể từ năm 2008, còn với S&P 500 và Nasdaq là kể từ năm 2009. Hai phiên tăng mạnh này cũng giúp S&P 500 lấy lại được một nửa số điểm đã mất (khoảng 11%) sau 6 phiên giảm liên tiếp do ảnh hưởng từ sự khủng hoảng của chứng khoán Trung Quốc.

Kết thúc phiên 27/8, chỉ số Dow Jones tăng 369,26 điểm (+2,27%), lên 16.654,77 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 47,15 điểm (+2,43%), lên 1.987,66 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 115,17 điểm (+2,45%), lên 4.812,71 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Âu, sau phiên điều chỉnh trước đó do thông tin bất lợi về hoạt động M&A, cũng như chút lo lắng về Trung Quốc, thị trường chứng khoán châu Âu đã hồi phục mạnh trở lại trong phiên thứ Năm với mức tăng hơn 3% ở các chỉ số chính. Phiên tăng điểm này, cùng phiên hồi mạnh ngày thứ Ba đã giúp chứng khoán châu Âu lấy lại được hết những gì đã mất trong “ngày thứ Hai đen tối”, cũng như phiên giảm hôm thứ Tư.

Chứng khoán châu Âu tăng mạnh trở lại nhờ thông tin tích cực từ Pháp khi công nghiệp của nước này bất ngờ có sự gia tăng trong tháng 8. Cùng với đó là kỳ vọng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ có thêm gói kích thích kinh tế để đối phó với những biến động trên thị trường thế giới, đặc biệt là từ Trung Quốc.

Kết thúc phiên 27/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 212,83 điểm (+3,56%), xuống 6.192,03 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 318,19 điểm (+3,18%), lên 10.315,62 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 157,13 điểm (+3,49%), lên 4.658,18 điểm.

Giống như chứng khoán Âu, Mỹ, chứng khoán châu Á cũng đồng loạt tăng mạnh trở lại trong  phiên thứ Năm. Trong đó, chứng khoán Nhật Bản tiếp tục có phiên tăng thứ 2 liên tiếp khi nhà đầu tư nhìn thấy sự hồi phục mạnh của phố Wall phiên trước, cũng như chứng khoán Trung Quốc trong phiên thứ Năm. Ngoài ra, kỳ vọng về khả năng Fed tăng lãi suất trong tháng 9 giảm xuống sau phát biểu của ông William Dudley cũng giúp nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Nhật Bản tự tin xuống tiền.

Ảnh hưởng tích cực từ chứng khoán Mỹ phiên tối trước đó, cũng như sự hồi phục mạnh của chứng khoán Trung Quốc đại lục cũng giúp chứng khoán Hồng Kông có phiên tăng điểm mạnh nhất kể từ ngày 9/7/2014.hồi mạnh hơn 5% sau chuỗi ngày giảm mạnh liên tục.

Kết thúc phiên 27/8, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 197,61 điểm (+1,08%), lên 18.574,44 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 758,15 điểm (+3,6%), lên 21.838,54 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 156,3 điểm (+5,34%), lên 3.083,59 điểm.

Trên thị trường vàng, sau 3 phiên giảm liên tiếp, giá vàng đã có dấu hiệu ổn định trở lại sau phát biểu của Chủ tịch Fed New York về việc đây không phải là thời điểm thích hợp để tăng lãi suất. Có thời điểm, giá vàng đã hồi phục khá tốt, nhưng sau đó, với dữ liệu GDP của Mỹ khả quan được công bố, làm gia tăng trở lại khả năng Fed tăng lãi suất trong tháng 9, khiến giá kim loại quý này quay đầu giảm trở lại và đóng cửa phiên thứ Năm gần như không đổi so với phiên trước đó.

Kết thúc phiên 27/8, giá vàng giao ngay tăng 0,1 USD lên 1.125,5 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 2 USD (-0,18%), xuống 1.122,6 USD/ounce.

Dữ liệu kinh tế Mỹ khả quan, cùng thông tin về nguồn cung sụt giảm đã châm ngòi cho sự nổi dậy của giá dầu.

Cụ thể, theo thông tin từ Sell, lượng xuất khẩu dầu thô của Nigeria sẽ bị gián đoạn do sự bất khả kháng, trong khi kho dự trữ dầu thô của Mỹ tại Oklahoma lại giảm hơn dự kiến.

Trong phiên thứ Năm, giá dầu thô đã thực sự “bùng cháy” khi tăng hơn 9%, mức tăng trong ngày lớn nhất trong hơn 6 năm.

Kết thúc phiên 27/8, giá dầu thô Mỹ tăng 3,96 USD/thùng (+9,3%), lên 42,56 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 4,42 USD (+9,29%), lên 47,56 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục