TS. Cấn Văn Lực: Dự kiến thực chi gói kích cầu là 445.000 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo TS. Cấn Văn Lực, gói kích cầu 800.000 tỷ đồng là con số công bố, phần thực chi dự kiến khoảng 445.000 tỷ đồng.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế

Tài khoá là chính

Tại phiên toàn thể của Toạ đàm cấp cao, Diễn đàn Kinh tế 2021 do Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, Ban Kinh tế trung ương và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội tổ chức sáng nay (5/12), TS. Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) thay mặt nhóm nghiên cứu của Thường trực Uỷ ban Kinh tế Quốc hội và chuyên gia trình bày tham luận “Một số gợi ý chính sách tài khoá, chính sách tiền tệ hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế”.

Theo TS. Lực, tác động của đại dịch Covid-19 đã làm kinh tế thế giới tăng trưởng âm 3,1% trong năm 2020, năm nay dự báo khoảng 5,7 - 5,9%, sau đó sẽ chậm dần xuống mức dưới 5% vào năm 2022 và xuống tiếp 3,4 - 3,5% trong các năm tiếp theo.

Những vấn đề toàn cầu bị ảnh hưởng do đại dịch hiện nay là lạm phát tăng nhanh do bị tác động cả cung và cầu, thu nhập, việc làm, y tế, giáo dục, môi trường… Những năm tới, dự kiến kinh tế thế giới sẽ phục hồi không đồng đều do dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Hiện tại, các nước đều trong thế “tiến thoái lưỡng nan” do phải tính toán vừa hỗ trợ phục hồi kinh tế vừa phải thu hẹp một số chính sách hỗ trợ để hạn chế rủi ro lạm phát.

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 khai mạc sáng 5/12/2021 tại Hà Nội (ảnh: quochoi.vn)

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 khai mạc sáng 5/12/2021 tại Hà Nội (ảnh: quochoi.vn)

Tại Việt Nam, theo ông Lực, năm ngoái, Việt Nam tăng trưởng 2,91% nhưng sang năm nay bị tác động nặng nề và có vẻ đang bị lỡ nhịp. Nếu không kịp thời có chương trình hỗ trợ đặc biệt, sẽ đối mặt với nguy cơ tụt hậu so với thế giới.

“Nếu không có chương trình hỗ trợ đặc biệt kịp thời, chúng ta không thể hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025 mà Đảng và Quốc hội đã đề ra”, ông Lực nhấn mạnh.

Nghiên cứu của TS Lực và nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng, hiện nay dư địa chính tài khoá vẫn còn khả quan do mấy năm vừa qua được củng cố tương đối tốt. Nền tài khoá của Việt Nam được quốc tế đánh giá là vững chãi, có thể mở rộng tài khoá trong vài năm tới nhưng phải đi kèm với kiểm soát. Chính sách tiền tệ vẫn còn một phần dư địa, tuy nhiên ít hơn vì lãi suất đã giảm tương đối sâu rồi.

Đồng tình với mục tiêu chương trình phục hồi 800.000 tỷ đồng do Bộ kế hoạch và Đầu tư đề xuất là hỗ trợ phải tác động đến cả tổng cung và tổng cầu (do cầu yếu, cung bị tắc nghẽn), triển khai nhanh gọn hiệu quả, đảm bảo tổng lực, sử dụng cả chính sách tài khoá, tiền tệ, an sinh xã hội và một số hỗ trợ khác, nhóm nghiên cứu gợi ý dự kiến phân bổ chương trình, trong đó chính sách tài khoá vẫn là chủ yếu.

Cụ thể, tiếp tục giảm thuế VAT từ 1 - 2%. Nếu giảm 2% thì ngân sách 2022 dự kiến giảm thu khoảng 60.000 tỷ đồng. Ngoài ra, giảm phí bảo hiểm xã hội, giảm thuế bảo vệ môi trường, bảo lãnh vay vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khoảng 80.000 tỷ đồng thông qua các quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các địa phương.

Nhóm chuyên gia cũng bày tỏ đồng tình với gói hỗ trợ lãi suất quy mô 20.000 - 30.000 tỷ đồng (tương đương 0,31% GDP) mà Bộ Tài chính đang xây dựng vì cho rằng, nó khả thi và hấp thu được trong hai năm tới.

Đồng thời, nghiên cứu này đề nghị bổ sung 150.000 tỷ đồng cho những dự án hạ tầng, công trình trọng điểm quốc gia.

Tổng tài khoá dự kiến là khoảng 678.000 tỷ đồng, trong đó thực chi 383.000 tỷ đồng, chiếm 4,71% GDP 2021, trên cơ sở giả định GDP 2021 là 2%.

Về chính sách tiền tệ, theo ông Lực, có vai trò quan trọng, hỗ trợ chính sách tài khoá. TS. Cấn Văn Lực đưa ra dự kiến quy mô gói hỗ trợ cho vay nhà ở là 65.000 tỷ đồng, giá trị thực tế 6.100 tỷ đồng (chiếm 0,08% GDP 2021).

Cụ thể, tiếp tục thực hiện Thông tư 14 (cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng Covid-19) đến hết 6/2022 và có thể gia hạn nếu cần. Dự kiến hệ thống tín dụng sẽ bị giảm thu nhập khoảng 30.000 tỷ đồng.

Kể cả phần đầu tư của Tổng Công ty Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vào doanh nghiệp với con số công bố 50.000 tỷ đồng nhưng thực chi chỉ là 6.000 tỷ đồng, tổng hợp gói kích thích này dự kiến mất 843.845 tỷ đồng trên danh nghĩa, thực chi là 445.760, chiếm khoảng 5,48% GDP năm 2021.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế

Sử dụng hàng loạt công cụ tác động khác để hỗ trợ các tổ chức tín dụng giảm thêm lãi suất cho vay 0,5-1%/năm trong năm 2022 và duy trì ổn định trong 2023.

Nghiên cứu cho vay tái cấp vốn các tổ chức tín dụng để cho vay nhà ở (nhà thu nhập thấp, nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ…).

Về an sinh xã hội, theo ông Lực, tiếp tục thực hiện các gói hỗ trợ đang triển khai. Ngoài ra, ông Lực đề xuất thêm hai hạng mục là hỗ trợ tiền thuê nhà cho lao động ngoại tỉnh quay về phía Nam làm việc trong ba tháng, mỗi tháng 1 triệu đồng (ngân sách mất khoảng 6.000 tỷ đồng) và hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động mất 6.800 tỷ đồng. Tổng gói an sinh xã hội là 12.800 tỷ đồng (khoảng 0,16% GDP 2021).

Các gói hỗ trợ khác được đề xuất bao gồm giảm tiền điện với giá trị 26.650 tỷ đồng, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số 2.000 tỷ đồng, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo 4.000 tỷ đồng…, tổng cộng gần 38.000 tỷ đồng (0,46% GDP).

Lạm phát, nợ công, nghĩa vụ trả nợ đều an toàn

Theo ông Lực, gói hỗ trợ nói trên đã đủ lớn, đủ đặc biệt và có khả năng hấp thu trong thời gian tới. Nguồn lực dự kiến cho chương trình này bao gồm: Tiết giảm chi phí 29.000 tỷ đồng; thúc đẩy cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước 80.000 tỷ đồng; Cho phép Bảo hiểm tiền gửi, Bảo hiểm xã hội dùng tiền nhàn rỗi mua trái phiếu doanh nghiệp thu về 51.100 tỷ đồng; Chính phủ có thể phải cân nhắc phát hành trái phiếu Chính phủ (và cho phép Ngân hàng Nhà nước tham gia mua ) thu về 220.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, nguồn tiền do rà soát các quỹ ngoài ngân sách, sử dụng một phần dự trữ ngoại hối nếu cần và vay quốc tế nếu điều kiện vay phù hợp.

Đánh giá về tác động đến vĩ mô, TS. Lực cho rằng khả thi. Cụ thể, đặt giả định GDP năm 2021 là 2%, nếu không có chương trình phục hồi đặc biệt này, dự kiến GDP năm 2022 sẽ đạt 4- 4,5%; nếu có chương trình này, GDP có thể đạt tới 6-7,5%.

“Chúng ta có thể phải chấp nhận mức thâm hụt ngân sách 5,1% GDP trong năm 2022 và đến năm 2023 là gần 6% GDP. Thâm hụt ngân sách, nợ công và ngưỡng trả nợ của Chính phủ không có vấn đề gì cả, vẫn trong ngưỡng an toàn. Lạm phát và tỷ giá sẽ bị tác động không nhiều, nếu dòng tiền đổ vào các lĩnh vực hợp lý và được sử dụng hiệu quả”, ông Lực nhận định.

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục