Kích thích kinh tế, chính sách tài khóa còn dư địa nhưng dấu hỏi là thời gian

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tại Toạ đàm “Dẫn mạch phục hồi tăng trưởng kinh tế” do Báo Đầu tư tổ chức sáng 30/11, ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập chia sẻ, vấn đề mà người dân và cộng đồng doanh nghiệp đang quan tâm nhất hiện này là cách chúng ta phục hồi lại nhịp tăng trưởng thế nào trong điều kiện thích ứng linh hoạt với dịch.
Kích thích kinh tế, chính sách tài khóa còn dư địa nhưng dấu hỏi là thời gian

Theo Tổng Biên tập Báo Đầu tư Lê Trọng Minh, trong gần 2 năm kể từ khi dịch bùng phát, Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các bộ ngành và địa phương, cũng như cộng đồng doanh nghiệp đã có nhiều giải pháp nhằm hạn chế khó khăn, duy trì nhịp vận hành của các hoạt động kinh tế xã hội. Nhưng, để trả lời câu hỏi trên cần một đề án tổng thể lớn hơn, một cách làm khác hơn.

“Mức độ quan trọng của yêu cầu được thể hiện rõ qua việc tới đây, Quốc hội sẽ có một cuộc họp chuyên đề, dự kiến tổ chức ngay những ngày đầu tháng 1/2022, để bàn về các giải pháp có tính chất “quốc kế, dân sinh”. Riêng đối với lĩnh vực tài chính tiền tệ, tôi được biết cũng đã có rất nhiều cuộc thảo luận để giải quyết các câu hỏi lớn…”, Tổng Biên tập Báo Đầu tư nói.

Toàn cảnh Toạ đàm

Toàn cảnh Toạ đàm

Nhằm cung cấp thông tin cho các diễn giả, bà Bùi Thuý Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có những chia sẻ về định hướng trong thời gian tới của cơ quan này.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng đảm bảo thanh khoản, hỗ trợ tổ chức tín dụng sẵn sàng cung ứng đầy đủ và kịp thời vốn cho quá trình phục hồi kinh tế.

Bên cạnh đó, điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ. Đồng thời, khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm lãi suất cho vay hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.

Bà Bùi Thuý Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Bà Bùi Thuý Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

“Đặc biệt, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; cân đối hài hòa giữa hỗ trợ nền kinh tế với mục tiêu kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng”, bà Hằng nói.

Cũng theo bà Hằng, trong bối cảnh dịch bệnh có thể tiếp tục kéo dài, ngành ngân hàng tiếp tục tập trung các giải pháp thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên nền tảng công nghệ hiện đại gắn liền với đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động thanh toán trong nền kinh tế; thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng.

“Tiếp tục triển khai toàn diện, quyết liệt công tác cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, trọng tâm là tiếp tục chấn chỉnh, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém để lành mạnh hóa, nâng cao năng lực tài chính cả về quy mô và chất lượng, hiệu quả, bảo đảm an toàn hệ thống”, bà Hằng nói.

Chính sách tài khóa còn dư địa

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, TS. Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết, các quốc gia trên thế giới có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và tiền tệ đồng thời tăng cường hợp tác trong ứng phó với dịch Covid-19.

Đó là, cho phép Ngân hàng Trung ương mua trái phiếu Chính phủ từ thị trường sơ cấp/thứ cấp; hay như thông qua Ngân hàng Trung ương hỗ trợ nguồn tài chính với lãi suất ưu đãi cho các tổ chức tín dụng để thực hiện công cụ tài chính chuyển nhượng và thoả thuận mua lại tài sản.

“Thông qua cơ chế bảo lãnh của chính phủ hỗ trợ khu vực doanh nghiệp tiếp cận dòng vốn tín dụng. Đặc biệt, vai trò của chính sách tài khóa được tăng cường khi dư địa chính sách tiền tệ dần thu hẹp”, TS. Cường nói.

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế trưởng ADB cho rằng, Việt Nam khá rụt rè trong việc sử dụng chính sách tài khoá trong năm 2021 so với năm 2020 và chính sách tiền tệ đang được sử dụng nhiều hơn so với các nước khác.

Theo TS. Cường, chính sách tài khoá cần đóng vai trò lớn hơn, phối hợp với chính sách tiền tệ để tạo ra nguồn lực hỗ trợ lớn nhất cho nền kinh tế. Thậm chí, Việt Nam cần chấp nhận tăng nợ công và bội chi trong ngắn hạn để hỗ trợ nền kinh tế, nhưng cần có biện pháp thiết lập kỷ luật tài khóa trong trung và dài hạn. Bên cạnh đó, phân loại và xác định các mục tiêu phù hợp với từng giai đoạn ngắn hạn, trung hạn, và dài hạn.

TS. Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)
TS. Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)

“Cho dù Việt Nam có thể có dư địa tài khóa, nhưng liệu Việt Nam còn dư địa thời gian và năng lực để thực hiện các biện pháp ngắn hạn không là dấu hỏi đặt ra”, TS. Cường nói.

Đồng quan điểm, liệu Việt Nam có còn thời gian để triển khai các biện pháp, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế quan ngại: “Thực tế cho thấy, Việt Nam là quốc gia phục hồi kém nhất trong bối cảnh dịch bệnh. Đối với các quốc gia khác, đại dịch là tai nạn chứ không phải là khủng hoảng cấu trúc nên nền kinh tế của các quốc gia đang theo hình chữ V, trong khi ở Việt Nam là chữ U. Có lẽ, Việt Nam vừa chịu khủng hoảng về cấu trúc vừa chịu tai nạn về y tế”.

Cho dù Việt Nam có thể có dư địa tài khóa, nhưng liệu Việt Nam còn dư địa thời gian và năng lực để thực hiện các biện pháp ngắn hạn không là dấu hỏi đặt ra

TS. Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)

Cũng theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Việt Nam khá chần chừ đưa ra gói kích thích để phục hồi nhanh nền kinh tế, không có “nhúc nhích” đáng kể gì trong chính sách tài khoá mà vẫn chỉ loay hoay vào chính sách tiền tệ. GDP Việt Nam tính theo giá mới là 343 tỷ USD, tương đương 8 triệu tỷ đồng.

TS. Nghĩa ước tính, cần 5% của 8 triệu tỷ đồng, nghĩa là khoảng 400.000 tỷ đồng mới hỗ trợ tốt việc phục hồi nhanh nền kinh tế. Hiện Bộ Tài chính ước tính đã chi 59.000 tỷ đồng để kích thích nền kinh tế bao gồm rất nhiều khoản, trong đó có tính cả chi bảo hiểm xã hội hay chi cho chữa bệnh là không hợp lý bởi đó không phải là kích thích nền kinh tế.

“Nhưng cho dù tính 59.000 tỷ đồng cũng chưa tới 1% GDP (là 80.000 tỷ đồng) nên không thể tạo nên sức bật, phục hồi kinh tế nhanh”, TS. Nghĩa nhấn mạnh.

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế

Chia sẻ thêm kinh nghiệm quốc tế, TS. Nghĩa cho biết, các cuộc khủng hoảng cấu trúc Chính phủ không “kéo” các ngân hàng thương mại vào cuộc trong khi ở Việt Nam thì ngược lại. Kinh nghiệm của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009 với bài học gói cứu trợ lãi suất vẫn còn đó, do vậy, TS. Nghĩa nêu quan điểm:

“Chính phủ không nên “kéo” các ngân hàng thương mại mà để cho các doanh nghiệp đặc biệt này vận hành bình thường còn những doanh nghiệp nào muốn tài trợ thì làm đơn riêng với Bộ Tài chính. Tất cả nhằm giải quyết được các vấn đề như không có chuyện vay vốn rẻ chỗ này rồi cho vay chỗ khác; không làm méo mó thị trường; không đẩy các ngân hàng thương mại vào rủi ro…”, TS. Nghĩa nói.

Cũng đồng quan điểm dư địa thời gian còn rất hạn hẹp và năng lực hấp thụ các chính sách hỗ trợ, ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh về việc không thể cho vay, trợ cấp cào bằng. Các Tổ chức quốc tế đã đề cập đến câu chuyện doanh nghiệp xác sống (zombie), doanh nghiệp không có khả năng tồn tại và sợ nhất khoản vay hỗ trợ không đi vào đúng đối tượng mà đi vào doanh nghiệp xác sống.

Chính phủ không nên “kéo” các ngân hàng thương mại mà để cho các doanh nghiệp đặc biệt này vận hành bình thường còn những doanh nghiệp nào muốn tài trợ thì làm đơn riêng với Bộ Tài chính

TS. Lê Xuân Nghĩa

Theo ông Hiếu, đó là xoá bỏ các rào cản, áp dụng những biện pháp thị trường tránh hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh.

“Thống kê của tôi cho thấy, trong 10 tháng đầu năm 2021, tại Việt Nam thành lập khoảng 8.300 doanh nghiệp và rút lui khoảng 7.300. Điểm đáng chú ý là trong cùng một lĩnh vực, doanh nghiệp gia nhập và rút lui tương đương nhau nghĩa là phương thức kinh doanh mới, sáng tạo đang thay thế cho phương thức cũ”, ông Hiếu cho biết.

Ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội
Ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội

Theo ông Hiếu, cần thiết kế những chương trình hỗ trợ cụ thể cho những doanh nghiệp thuộc các ngành nghề chiến lược của quốc gia hay đang bị hạn chế bởi đại dịch và tránh doanh nghiệp không cần mà vẫn hưởng trợ cấp.

“Các khoản hỗ trợ gắn với mục tiêu là trỗi dậy mạnh mẽ trên con đường mới nên cần thúc đẩy, khuyến khích doanh nghiệp thay đổi phương thức kinh doanh gắn với nhu cầu của người tiêu dùng, nhu cầu của nhà cung cấp cũng đã thay đổi…”, ông Hiếu nói.

Đại diện đến từ ngân hàng thương mại, bà Nguyễn Ánh Vân, Phó tổng giám đốc LienVietPostBank đã chia sẻ các kiến nghị từ thực tế của Ngân hàng. Theo bà Vân, mặc dù các ngân hàng đã có các giải pháp thiết thực để đồng hành cùng khách hàng giảm bớt các khó khăn do dịch bệnh, tuy nhiên vẫn cần một giải pháp đồng bộ từ Chính phủ và các cơ quan ban ngành để có thể tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp và người lao động trong quá trình khôi phục sản xuất kinh doanh.

Thứ nhất, về phát triển kinh tế: đưa ra các gói kích thích kinh tế kịp thời, thực hiện công tác phòng, chống dịch đi đôi với phát triển kinh tế;

Thứ hai, về hỗ trợ tài chính: hỗ trợ hoãn, giảm, miễn các loại thuế, phí, chi phí cho cá nhân doanh nghiệp;

Thứ ba, về thủ tục hành chính: các chương trình hỗ trợ đưa người lao động trở lại làm việc, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tránh tạo ra các cản trở, đứt gãy trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp; đồng thời đẩy mạnh quá trình cải tiến thủ tục hành chính nhằm giảm chi phí, thủ tục cho doanh nghiệp…

Bà Nguyễn Ánh Vân, Phó tổng giám đốc LienVietPostBank
Bà Nguyễn Ánh Vân, Phó tổng giám đốc LienVietPostBank

“NHNN xem xét cơ chế tháo gỡ khó khăn cho các lĩnh vực, ngành nghề bị ảnh hưởng, tránh việc nguồn vốn hiện nay đang dồn vào chứng khoán và bất động sản. Nguồn vốn đi không đúng địa chỉ có thể gây bong bóng tài sản, tác hại lâu dài cho nền kinh tế”, bà Vân nói.

Cũng theo bà Vân, áp lực lạm phát tại Việt Nam và mặt bằng lãi suất trên thế giới được dự báo tăng lên trong các năm tiếp theo sẽ khiến mặt bằng lãi suất tại Việt Nam tăng lên và thu hẹp dư địa hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Vì vậy, cần thiết phải có các kịch bản chính sách vĩ mô từ NHNN để tạo sự ổn định cho thị trường tiền tệ, đồng thời có những định hướng cụ thể để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp cũng như các ngân hàng, hỗ trợ giảm lãi suất cho vay/giảm lãi suất chậm trả cho các doanh nghiệp/cá nhân thông qua hệ thống ngân hàng.

“NHNN cho phép tăng trưởng tín dụng phù hợp tiềm năng, quy mô của LienVietPostBank để tạo cơ sở hỗ trợ, chia sẻ nhiều hơn nữa với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp hồi phục sản xuất kinh doanh, đồng thời có các cơ chế ưu đãi đối với các ngân hàng đang tập trung phát triển mạnh cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn như Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt”, bà Vân đề xuất.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục