Chưa cần nới trần nợ công
800.000 tỷ đồng là con số gây chú ý nhất trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch bệnh Covid-19 vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi trình Chính phủ.
Các nguồn lực huy động cho chương trình bao gồm: ngân sách nhà nước, chủ yếu là nguồn tiết kiệm chi thường xuyên; nguồn phát hành trái phiếu chính phủ; các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách và quỹ dự trữ ngoại hối trong trường hợp cần thiết; nguồn vay các định chế tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á…
TS. Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam cho rằng, Việt Nam có thể tiết giảm chi tiêu, phát hành trái phiếu chính phủ trong nước để tận dụng mức lãi suất đang thấp. Đồng thời, đẩy nhanh thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp, nếu năm nay thoái vốn, cổ phần hóa mà làm tốt thì có thể thu về 40.000 tỷ đồng như kế hoạch.
Ngoài ra, các dự án bất động sản nếu được tháo gỡ rào cản để thi công sẽ giúp giải toả thêm nguồn lực đáng kể. Vay nước ngoài cũng đang là nguồn tiềm năng, các tổ chức tài chính quốc tế sẵn sàng cho Việt Nam vay với điều kiện không quá khắt khe.
Tăng vay quốc tế liệu có cần thiết phải nới trần nợ công? TS Lực nhận định, trần nợ công không có gì vướng mắc, nếu đẩy chi tiêu ngân sách lên thì thâm hụt ngân sách và nợ công vẫn trong tầm kiểm soát.
Mới đây, trình bày trước Quốc hội về tình hình nợ công năm 2021 và dự kiến năm 2022 của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, tỷ lệ nợ công của Việt Nam giảm mạnh từ mức 63,7% GDP cuối năm 2016 xuống khoảng 55,2% GDP cuối năm 2020.
Theo mục tiêu Nghị quyết 23/2021/QH15 về kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 được Quốc hội thông qua tháng 7/2021, trần nợ công hằng năm không quá 60% GDP. Như vậy, nợ công hiện tại vẫn trong ngưỡng cho phép.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Trưởng bộ môn Tài chính quốc tế, Học viện Tài chính nhận xét, Việt Nam đang quản lý nợ công tốt hơn trước đây. Số nợ giảm dần và nợ công được cơ cấu lại tốt hơn trước rất nhiều. Nếu như năm 2011, kỳ hạn bình quân các khoản vay nợ công là 3,9 năm thì kỳ hạn này đã tăng lên 13,94 năm vào năm 2020. Lãi suất bình quân vay nợ công năm 2011 là 12,01%/năm, đến năm 2020 giảm còn 2,86%/năm.
Các báo cáo mới nhất của Chính phủ cho thấy, nợ công năm 2020 đạt mức 45,08% GDP mới. Dự kiến, đến cuối năm 2021, nợ công ở mức 43,7% GDP (55,3% GDP cũ).
“Nếu so với ngưỡng quy định nợ công mới theo GDP mới năm 2020 thì nợ công vẫn còn cách ngưỡng khoảng 16% GDP. Do đó, chưa cần nâng mức trần nợ công”, ông Thịnh nêu quan điểm.
Cân nhắc thực chi và khả năng trả nợ
Con số 800.000 tỷ đồng là rất lớn, nhưng theo TS. Cấn Văn Lực, số thực chi cho gói kích cầu này (nếu được phê duyệt) có thể thấp hơn.
Ông Lực phân tích, trong gói phục hồi doanh nghiệp có phần giãn thuế, hoãn nợ, khoản thực chi không phải là phần thuế hay nợ vay, mà là phần lãi suất trong thời kỳ đó Nhà nước cho doanh nghiệp vay mượn, ứng trước, sau này doanh nghiệp vẫn phải trả.
Ngoài ra, những phần mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất để Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) góp vốn thì cái đó không phải “tiền tươi, thóc thật”, mà là khoản đầu tư, sau này sẽ thu hồi.
Chưa kể, trong gói kích cầu hạ tầng có cả đầu tư công (hạ tầng giao thông, đường sắt…) có thể nằm trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 được Quốc hội thông qua với giá trị 2,87 triệu tỷ đồng.
Liên quan đến nợ công, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch tài chính quốc gia về vay, trả nợ công giai đoạn 2021 - 2025 giới hạn nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không bao gồm cho vay lại) không quá 25% tổng thu ngân sách nhà nước.
“Cái chúng ta cần quan tâm hơn con số nợ công là nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ, hiện chiếm khoảng 24 - 25% tổng thu ngân sách”, ông Lực lưu ý.
Theo ông Lực, để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ không vượt trần, cần tìm kiếm những khoản vay lãi suất thấp và dài hạn, nghĩa vụ trả nợ trải đều qua nhiều năm.
Muốn sự hỗ trợ bền vững cần đẩy mạnh chính sách tài khóa, tiền tệ, đầu tư công và quan trọng nhất là để người thụ hưởng dễ dàng tiếp cận, sử dụng có hiệu quả.
Tính toán của PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho thấy, năm 2021, do nghĩa vụ trả nợ các trái phiếu chính phủ trong nước đến hạn nên nghĩa vụ trả nợ đã tăng lên 27,3% so với thu ngân sách nhà nước, vượt mức trần 25% Quốc hội cho phép. Bộ Tài chính đang đẩy mạnh tăng thu ngân sách để hạ thấp tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước về mức 24,8%.
“Cần tính toán kỹ, việc tăng nợ công nếu có danh mục nợ tốt, chi phí nợ hợp lý, khả năng hấp thụ nợ của nền kinh tế tốt, hiệu quả sử dụng nợ vay cao, khả năng trả nợ được đảm bảo thì không có gì lo ngại”, ông Thịnh nói.
Tiền không phải là tất cả
Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, hỗ trợ trực tiếp bằng tiền giống như liều thuốc giảm triệu chứng trước mắt cho doanh nghiệp và người dân chịu tác động của dịch bệnh.
Biện pháp này không thể kéo dài, muốn sự hỗ trợ bền vững cần đẩy mạnh chính sách tài khóa, tiền tệ, đầu tư công và quan trọng nhất là để người thụ hưởng dễ dàng tiếp cận, sử dụng có hiệu quả.
Vấn đề quan trọng nhất là cách thức, phương thức hỗ trợ để nguồn lực được hấp thu một cách hiệu quả nhất, tạo sự lan tỏa và bật dậy của doanh nghiệp và nền kinh tế. Nếu được như vậy thì khả năng trả nợ không đáng lo.
Bàn về gói kích cầu hạ tầng trong đó có xây dựng khu công nghiệp bao gồm nhà ở cho công nhân, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng, vấn đề này đáng lẽ phải có chiến lược từ lâu.
Theo ông Vân, tầm nhìn chiến lược về khu công nghiệp cần phải xa hơn. Đó là khu công nghiệp thế hệ mới, là chuỗi sinh thái tích hợp nhiều giá trị, có khả năng ứng phó với biến đổi bất thường của dịch bệnh và các thiết chế kinh tế. Những khu công nghiệp bị chia nhỏ, manh mún, quy mô vài trăm héc-ta bây giờ không còn phù hợp.