Cân nhắc giải pháp kích cầu

Sức mua suy giảm, hàng tồn kho tăng cao khiến sản xuất - kinh doanh đình trệ, ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế. Giải pháp thông thường được áp dụng là kích cầu, nhưng liệu điều này có khả thi trong bối cảnh hiện nay?
 
Sức mua giảm nên tiêu thụ giảm, hàng tồn kho tăng nhanh, ảnh hưởng tới động lực cho sản xuất - kinh doanh. Ảnh: Đ.T Sức mua giảm nên tiêu thụ giảm, hàng tồn kho tăng nhanh, ảnh hưởng tới động lực cho sản xuất - kinh doanh. Ảnh: Đ.T

Kích cầu, ai cũng muốn…

Có 2 chỉ số kinh tế vĩ mô rất đáng chú ý được công bố cùng hàng loạt số liệu thống kê về tình hình kinh tế - xã hội quý I/2020. Đó là chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ. Hai chỉ số này có liên quan mật thiết đến nhau, nếu tổng mức bán lẻ hàng hóa (thước đo thể hiện sức mua của nền kinh tế) tăng nhanh, thì chỉ số hàng tồn kho ở mức thấp và ngược lại.

Trong trường hợp của quý I/2020, cả hai chỉ số này đã cho thấy những thông tin thiếu tích cực của nền kinh tế. Đó là chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm ngày 31/3/2020 đã tăng 24,9% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm 2019 tăng 15,6%). Thậm chí, một số ngành có chỉ số tồn kho tăng rất cao, như dệt tăng 36,2%, sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 45,4%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 47,2%; sản xuất kim loại tăng 48,8%; sản xuất xe có động cơ tăng 122,5%...

Trong khi đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ sau khi trừ đi yếu tố giá cả chỉ tăng 1,6% so với cùng kỳ, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng 9,3% của cùng kỳ năm trước. Sức mua yếu nên dễ hiểu vì sao hàng tồn kho lớn và điều này được dự báo là sẽ tác động mạnh tới sản xuất công nghiệp trong thời gian tới, đặc biệt là quý II/2020.

Theo các chuyên gia của Trường đại học Kinh tế Quốc dân, trong bối cảnh chi tiêu từ khu vực doanh nghiệp và người dân giảm mạnh, thì Nhà nước cần đóng vai trò là đối tượng chi tiêu chính. “Đầu tư công đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết”, các chuyên gia Trường đại học Kinh tế Quốc dân nhấn mạnh.   

Sức mua giảm nên tiêu thụ giảm, hàng tồn kho tăng nhanh, ảnh hưởng tới động lực cho sản xuất - kinh doanh. Bởi thế, dễ hiểu vì sao mới đây, Bộ Công thương và trước đó là Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đã đề xuất Chính phủ cân nhắc phương án giảm 50% thuế suất thuế giá trị gia tăng và 50% phí trước bạ cho khách hàng mua ô tô để kích cầu tiêu dùng trong thời gian dịch bệnh Covid-19. Sản xuất và tiêu thụ xe ô tô là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch bệnh Covid-19.

Không chỉ ngành sản xuất ô tô, xe máy, mà hầu hết các ngành, từ sản xuất dệt may, da giày, nông - thủy sản, đồ gỗ… đều đang gặp khó vì sức mua suy giảm, không chỉ là sức mua trong nước, mà cả sức mua ở thị trường nước ngoài. Tiêu thụ giảm thì sản xuất đình trệ, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Theo thống kê, tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình thường chiếm khoảng 67% GDP.

Kết quả cuộc khảo sát gần đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, có tới gần 85% doanh nghiệp được hỏi cho biết, dịch bệnh Covid-19 đã làm cho thị trường tiêu thụ của họ bị thu hẹp, 60% doanh nghiệp cho rằng, dịch bệnh khiến họ thiếu vốn và đứt dòng tiền kinh doanh… Cầu yếu đã dẫn tới tình trạng như vậy. 

Thông thường, trong các trường hợp tổng cầu giảm mạnh, kinh tế suy giảm, các biện pháp kích cầu sẽ được áp dụng. Việt Nam cũng từng thực hiện các gói kích cầu để chống suy giảm kinh tế. Tiền được tung ra để kích thích tiêu dùng và đó là điều mà ai cũng muốn.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, trong bối cảnh hiện nay, kích cầu liệu đã phù hợp?

Nhưng không dễ

“Tôi chưa nhìn thấy cơ sở cho việc thực hiện các biện pháp kích cầu. Kích cầu cho tiêu dùng cũng khó, vì người dân hiện bị ảnh hưởng nhiều về thu nhập, nên có xu hướng tiết kiệm chi tiêu. Kích cầu cho sản xuất càng khó, vì nhiều nước vẫn đang thực hiện các biện pháp bế quan tỏa cảng, muốn nhập nguyên liệu sản xuất cũng khó, muốn xuất hàng đi cũng không được. Vấn đề hiện nay là chúng ta tắc ở cả cung và cầu”, chuyên gia kinh tế Lê Đình Ân đã nói như vậy.

Theo ông Lê Đình Ân, trong bối cảnh hiện nay, biện pháp cần thiết và quan trọng trước tiên là thực hiện các gói giải pháp mà Chính phủ và các bộ, ngành đang đề xuất. Chẳng hạn, các gói hỗ trợ lãi suất 250.000 tỷ đồng, gói tài khóa giãn, hoãn nộp thuế đang dự kiến được tăng lên trên 150.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng cho người nghèo, người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19…

“Việc quan trọng cần làm trước tiên chính là hỗ trợ doanh nghiệp để làm sao họ duy trì sản xuất, duy trì việc làm, thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, hỗ trợ an sinh xã hội, giúp đời sống người dân, nhất là người nghèo, người lao động mất việc làm ổn định hơn. Làm được như vậy, thực chất cũng chính là kích cầu”, ông Lê Đình Ân nói.

Ông Ân cũng nhấn mạnh thêm một yêu cầu tiên quyết, đó là việc thực hiện các gói hỗ trợ này phải đảm bảo minh bạch, đúng đối tượng, tránh thực hiện tràn lan, dẫn tới trục lợi chính sách, để lại những hệ lụy xấu cho nền kinh tế.

Hiện tại, ngoài các gói chính sách tiền tệ, tài khóa đang được triển khai, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng mới đây cũng đã thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng. Ngày 8/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp bàn và về cơ bản đã thống nhất với đề xuất này, nhưng vẫn nhấn mạnh phải cân nhắc kỹ về đối tượng để đảm bảo công bằng, hợp lý và khả năng cân đối của ngân sách nhà nước.

Khi nói về gói hỗ trợ này, ngoài việc nhấn mạnh ý nghĩa nhân văn, hỗ trợ cho những người nghèo, người yếu thế, người bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19 trên tinh thần “một gói khi đói bằng một gói khi no”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, việc thực thi chính sách này sẽ góp phần duy trì tổng cung và tổng cầu cho nền kinh tế.

Ở một góc độ khác, theo các chuyên gia của Trường đại học Kinh tế Quốc dân, để kích cầu nền kinh tế, có thể tăng cường phát triển cho vay tiêu dùng với khách hàng cá nhân. “Cầu tiêu dùng của khách hàng cá nhân tăng là nguồn gốc cho sự phát triển sản xuất - kinh doanh bền vững, phá vỡ được vòng luẩn quẩn của suy thoái kinh tế”, các chuyên gia khuyến nghị.

Tuy vậy, chính các chuyên gia của Trường đại học Kinh tế Quốc dân cũng cho rằng, việc kích thích tổng cầu trong bối cảnh hiện nay hầu như không có tác dụng, bởi sức mua ở các ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp sẽ không thể tăng một khi bệnh dịch chưa được kiểm soát.

Kích cầu có thể là một giải pháp tốt cho nền kinh tế khi tổng cầu suy giảm, kinh tế giảm tốc. Song muốn kích cầu thì cần phải có điều kiện. Trong bối cảnh hiện nay, chỉ có thể kích cầu khi hết dịch và khi các biện pháp hạn chế được gỡ bỏ.

Hà Nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục