Kỳ vọng gói kích cầu kinh tế lớn hơn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về thích ứng an toàn với đại dịch Covid-19, doanh nghiệp và người lao động quan tâm nhiều hơn đến chính sách kích cầu kinh tế trong bối cảnh mới.
Theo IMF, Việt Nam có thể tăng chi hỗ trợ dịch bệnh đến 3% GDP (tương đương 260.000 tỷ đồng) mà không ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô. Theo IMF, Việt Nam có thể tăng chi hỗ trợ dịch bệnh đến 3% GDP (tương đương 260.000 tỷ đồng) mà không ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô.

Các gói hỗ trợ cũ chưa tương xứng

Để hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế, thời gian qua Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách kích cầu kinh tế, bao gồm cả chính sách tài khóa và tiền tệ như giãn, giảm thuế, phí, lệ phí, khoanh nợ, giãn nợ, gia hạn và giảm lãi suất các khoản vay, chi ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp.

Theo Bộ Tài chính, tính đến ngày 30/6/2021, tổng số tiền thuế và thu ngân sách thực tế đã gia hạn, miễn, giảm theo các chính sách đã ban hành là khoảng 26.700 tỷ đồng.

Các ngân hàng thương mại đã hạ mạnh lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp với tổng số tiền lũy kế từ khi có dịch đến nay là trên 26.000 tỷ đồng. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, ngành ngân hàng đã cơ cấu nợ khoảng 520.000 tỷ đồng cho khách hàng, tính lũy kế thực hiện từ khi phát sinh dịch.

Phát biểu tại hội nghị tham vấn về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế gắn với nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế giai đoạn 2022 - 2023 ngày 1/10/2021, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, nếu tính cả các khoản hỗ trợ qua các kênh quỹ bảo hiểm thất nghiệp, các khoản miễn, giảm cước viễn thông, điện, nước, học phí..., quy mô các gói hỗ trợ năm 2021 là khoảng 10,45 tỷ USD, tương đương 2,84% GDP.

Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhìn nhận, so với quy mô các gói hỗ trợ dịch bệnh của một số nước trong khu vực như Thái Lan hỗ trợ tương đương 11,4% GDP, Malaysia khoảng 5,3% GDP… thì mức hỗ trợ của Việt Nam vẫn còn thấp.

Mặt khác, hiệu quả của các chính sách hỗ trợ thời gian qua chưa cao do tập trung giải quyết khó khăn ngắn hạn về tài chính của doanh nghiệp, người dân, chủ yếu tác động về phía cung của nền kinh tế, trong khi thiếu các giải pháp mang tính tổng thể, dài hạn, đồng bộ, với nguồn lực đủ lớn.

Gói cấp bù lãi suất 3.000 tỷ đồng tương đương quy mô dư nợ hơn 100.000 tỷ đồng sẽ được ngành ngân hàng “bơm” ra nền kinh tế trong thời gian tới để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Lãi suất cấp bù dự kiến trong khoảng 3 - 4%/năm.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng BIDV cho rằng, trong 4 gói hỗ trợ được công bố năm 2020 có quy mô khoảng 1,1 triệu tỷ đồng, tổng giá trị thực mà Chính phủ và các ngân hàng cam kết bỏ ra chỉ khoảng 184.700 tỷ đồng (bằng 2,94% GDP).

Theo ông Lực, việc triển khai các gói hỗ trợ còn chậm, mới đạt khoảng 46% giá trị gói tài khóa và 63% gói an sinh xã hội. Nguyên nhân là do các điều kiện đặt ra chưa phù hợp và rõ ràng, chưa sát thực tiễn, quy trình thủ tục còn phức tạp.

Ông Lực đánh giá, chính sách kích cầu kinh tế hiện thiếu nhất quán, giật cục, thay đổi nhanh, khiến doanh nghiệp bị động. Việc chậm sửa bất cập chính sách làm tăng chi phí, gây đứt gãy chuỗi cung ứng và sản xuất ở nhiều doanh nhiều, địa phương.

Báo cáo “Đánh giá nhanh về tác động kinh tế - xã hội của Covid-19 đối với các hộ gia đình dễ bị tổn thương ở Việt Nam” do Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp với Trung tâm Phân tích và Dự báo, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam công bố ngày 24/9/2021 cho thấy, gần 90% số người được hỏi cho biết họ không nhận được hỗ trợ từ gói 26.000 tỷ đồng của Chính phủ do “khó khăn trong việc tiếp cận đơn xin hỗ trợ”, hoặc “không có sự hướng dẫn của cán bộ địa phương”. Lao động di cư, lao động tự do, người vô gia cư không đủ điều kiện được nhận trợ cấp.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Sản xuất và xuất nhập khẩu Việt Phúc (sản xuất và cung ứng các sản phẩm cho khách sạn, du thuyền) phản ánh, chính sách hỗ trợ đang có sự mất cân bằng. Đơn cử, nhóm doanh nghiệp cung ứng dịch vụ phụ trợ cho du lịch, khách sạn đang bị “bỏ rơi” trong chiến dịch “hà hơi thổi ngạt”, mặc dù nhóm này cũng chịu ảnh hưởng nặng nề không kém.

Ngoài ra, một số chính sách hỗ trợ còn thiếu thực tế, ví dụ việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp không có ý nghĩa đối với những doanh nghiệp đang thua lỗ, đóng cửa.

“Thay vào đó, nên hỗ trợ thiết thực hơn như miễn tiền thuê đất cho doanh nghiệp, rồi khi họ hoạt động trở lại thì miễn hoặc giảm thuế giá trị gia tăng khoảng một năm để giúp họ hồi phục”, bà Hương đề nghị.

Cần gói kích thích kinh tế lớn hơn

Ngày 12/10/2021, gặp mặt đoàn doanh nghiệp của Diễn đàn các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, ông sẽ chủ trì buổi làm việc với Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và một số cơ quan liên quan nhằm rà soát lại dư địa của chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ để nghiên cứu, xây dựng gói hỗ trợ tái thiết kinh tế.

Theo nghiên cứu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Việt Nam có thể tăng chi hỗ trợ đến 3% GDP (tương đương 260.000 tỷ đồng) mà không ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô.

Trước đó, tham vấn cho Quốc hội tại buổi toạ đàm ngày 27/9/2021, ông Terence Jones, Quyền Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam nhận định, Chính phủ có thể tăng đáng kể quy mô của chương trình hỗ trợ tiền mặt mà không vấp phải nguy cơ tăng lạm phát hoặc tăng lãi suất.

Cụ thể, cần có gói trợ cấp tiền mặt với quy mô tương đương 5% GDP của một quý được giải ngân trong những tháng cuối năm 2021 (khoảng 77.000 tỷ đồng).

Tại buổi tiếp xúc cử tri với cộng đồng doanh nghiệp TP.HCM theo hình thức trực tuyến ngày 2/10/2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, các bộ, ngành cần nghiên cứu tăng quy mô gói kích thích kinh tế. Thực tế, gói kích thích kinh tế ở Việt Nam còn nhỏ, mới chi 1,7% GDP, thấp hơn so với các nước trong khu vực như Philippines là 2,7%, Trung Quốc là 4,8%...

“Chúng ta không thể cao như một số nước, nhưng có thể tăng gói này lên”, Chủ tịch nước nói.

Từ đó, nhiều chuyên gia kinh tế kỳ vọng, Việt Nam sẽ có gói hỗ trợ mới đủ lớn để trở thành “phao cứu sinh” cho sự hồi phục kinh tế.

Ông Cấn Văn Lực chia sẻ, ông đang đề xuất một gói kích cầu có giá trị khoảng 1% GDP điều chỉnh, tương đương 80.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ông hy vọng Chính phủ sẽ sớm xây dựng các động lực tăng trưởng mới, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô nhằm chủ động tận dụng cơ hội phục hồi mạnh cũng như kiểm soát rủi ro.

Trong khi đó, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế, bên cạnh việc ủng gói kích cầu quy mô lớn còn nhấn mạnh, cần thiết kế gói kích cầu đơn giản nhất, dù là kích cầu doanh nghiệp hay an sinh xã hội.

Thực tế, các gói 16.000 tỷ đồng, gói 62.000 tỷ đồng, hay gói 38.000 tỷ đồng mới đây đã được cải thiện dần, nhưng vẫn thiếu tính cụ thể ở cả điều kiện lẫn đối tượng thụ hưởng, còn nhiều zíc-zắc ở khâu thực thi, khiến nhiều người không thể tiếp cận được gói nào.

Ông Thịnh cho rằng, để gói tái thiết mới đi vào cuộc sống, cần có sự chỉ đạo và thực thi đồng bộ từ trên xuống dưới, từ Trung ương đến địa phương, khắc phục tình trạng mỗi địa phương áp dụng một quy định khác nhau dẫn đến không công nhận nhau, gây khó khăn cho nhau. Rút kinh nghiệm các quy định về cách ly, xét nghiệm, lưu thông hàng hoá tại một số tỉnh, thành phố diễn ra thời gian gần đây.

Được biết, tại ngày làm việc thứ hai của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII ngày 5/10/2021, Chính phủ có đặt vấn đề xin chủ trương một gói kích thích kinh tế lớn. Nếu được đồng thuận, Chính phủ sẽ hoàn thiện phương án để trình Quốc hội quyết định vào kỳ họp thứ hai Quốc hội khoá XV dự kiến khai mạc ngày 20/10 tới.

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục