Trái chủ và cơn uất nghẹn lịch sử - Bài 4: SCB “thần tốc, hăng say” đưa “thượng đế” thành khổ chủ

0:00 / 0:00
0:00
Sau khi “bắt tay” với TVSI, Ngân hàng SCB rầm rộ phát động nhiều chương trình thi đua “dẫn dụ” khách hàng mua trái phiếu với “thưởng lớn, thưởng ngay”. Đến “phút 89”, vẫn có “thượng đế” trở thành khổ chủ mà không thể hủy hợp đồng, dù quy định cho phép.
Các chương trình thi đua giới thiệu trái phiếu đầy hấp dẫn và hiệu quả của SCB. Các chương trình thi đua giới thiệu trái phiếu đầy hấp dẫn và hiệu quả của SCB.

Bài 4: SCB “thần tốc, hăng say” đưa “thượng đế” thành khổ chủ

Không chỉ năm 2021, phong trào thi đua “dẫn dụ” khách mua trái phiếu có liên quan Vạn Thịnh Phát của SCB còn rầm rộ trong năm 2022, khắp các chi nhánh trên cả nước, từ cấp lãnh đạo tới nhân viên.

Thần tốc, hăng say…, nhận ngay thưởng lớn

Điển hình, đầu năm 2022, SCB tổ chức chương trình thi đua trái phiếu “Khai lộc đầu Xuân” và chỉ tới ngày 12/1/2022 đã đạt doanh số hơn 1.027 tỷ đồng, hoàn thành 103% mục tiêu. Lập tức, cán bộ, nhân viên của 81 chi nhánh SCB trên cả nước nhận thưởng hơn 262 triệu đồng.

Tháng 5/2022, SCB lại phát động Chương trình “Giới thiệu hăng say - Nhận ngay thưởng lớn” với mức thưởng đầy hấp dẫn: cán bộ, nhân viên được 0,27% trên tổng số trái phiếu phát sinh; lãnh đạo đơn vị kinh doanh nhận 0,012%; SCB vùng được 0,008%.

Tới ngày 30/6/2022, SCB ra Thông báo khẩn số 4339/TB-TGĐ.22.00 triển khai chặng 2 của Chương trình “Kết nối sức mạnh - Dẫn lối thành công” để “tiếp nối thành công Chương trình thi đua ‘Giới thiệu hăng say - Nhận ngay thưởng lớn’ và tiếp tục tạo động lực cho cán bộ, nhân viên trong hoạt động chuyển nhượng trái phiếu”.

Chương trình cũng đầy hấp dẫn, với mức thưởng cho cán bộ, nhân viên là 0,06% đối với loại trái phiếu bán linh hoạt sau 30 ngày (Flex), 0,08% đối với trái phiếu bán sau 365 ngày (Fix 365); mức thưởng cho lãnh đạo chi nhánh là 0,01%; SCB vùng hưởng 0,005%. Kết quả, chỉ sau 30 ngày, Chương trình đã đạt doanh số hơn 5.700 tỷ đồng. Cán bộ, nhân viên SCB tham gia nhận thưởng hơn 3,5 tỷ đồng, SCB vùng gần 183 triệu đồng, 149 chi nhánh SCB trên cả nước hơn 414 triệu đồng.

Trước đó, ở chặng 1 “Kết nối sức mạnh” triển khai chưa tới nửa tháng, doanh số đã đạt gần 3.000 tỷ đồng, 898 cán bộ, nhân viên SCB được nhận thưởng gần 2,7 tỷ đồng, 236 chi nhánh SCB trên cả nước nhận hơn 290 triệu đồng và 13 SCB vùng hưởng hơn 145 triệu đồng.

Thậm chí, từ ngày 1 tới 31/10/2022, SCB còn triển khai Chương trình thi đua “Bản lĩnh dẫn đầu - Thống lĩnh đường đua” thể hiện quyết tâm tới mức, tại một tin nhắn với khách hàng khi xảy ra chuyện bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT Vạn Thịnh Phát bị bắt ngày 7/10/2022, nhân viên SCB tên T.P.H cho biết: “Mới cách đó 1 ngày trước thôi mà còn ép tụi em phải bán ra trong 1 tuần 5 tỷ anh ạ. Thực sự khủng khiếp”.

Dựng cả kịch bản “dẫn dụ” mẫu

Theo tài liệu năm 2022 của Trung tâm Phát triển tín dụng Khối Dịch vụ ngân hàng và tài chính cá nhân thuộc SCB mà chúng tôi có được, SCB cung cấp cho nhân viên các kiến thức cơ bản về trái phiếu, rồi thông tin trái phiếu Quang Thuận, Bông Sen… Tài liệu đủ cả quy trình cơ bản chào bán trái phiếu, kinh nghiệm “chào bán” từ những cán bộ, nhân viên có doanh số ấn tượng.

Ngoài tài liệu này, còn có cả kịch bản mẫu, đặt ra nhiều tình huống, nhiều bước chỉ dẫn nhân viên SCB “dẫn dụ” khách. Cụ thể, sau bước 1, bước 2 giải đáp, hỗ trợ, xử lý yêu cầu tín dụng bình thường của khách, thì tới bước 3 nên gợi ý: “SCB hiện đang triển khai một sản phẩm đầu tư mới, mang tính an toàn và lãi suất vượt trội, em xin vài phút để chia sẻ cho anh/chị được không ạ”.

Trường hợp khách đồng ý nghe, thì nhân viên phải: “Dạ, hiện tại SCB có hợp tác với TVSI để giới thiệu đến khách sản phẩm trái phiếu với lãi suất cao, thời gian đầu tư có thể linh hoạt theo nhu cầu sử dụng vốn của anh/chị. Trái phiếu này có 2 loại: loại thứ 1 lãi suất vượt trội lên đến 9,3%/năm, thời gian đầu tư 365 ngày, không chuyển nhượng trước thời gian đầu tư; loại thứ 2 lãi suất lên đến 9,2%/năm, thời gian đầu tư linh hoạt, được chuyển nhượng và hưởng lãi suất bậc thang theo số ngày nắm giữ thực tế từ 31 ngày trở lên…”.

Nếu khách có nhu cầu, thì ngay lập tức nhân sự SCB nếu nắm vững về kiến thức trái phiếu sẽ tư vấn, nếu chưa thì chuyển thông tin cho nhân viên bộ phận khác để tư vấn rồi chốt hẹn với khách. Trường hợp khách không nghe tư vấn, thì nhân viên SCB nên “giới thiệu nhanh các ưu đãi, đặc quyền của sản phẩm đầu tư trái phiếu. Nhờ khách lưu số điện thoại của nhân sự để nếu sau đó có nhu cầu thì liên hệ để hỗ trợ”.

Đó là chưa nói, hàng loạt tin nhắn của nhân viên SCB được khổ chủ giữ làm bằng chứng thể hiện việc cung cấp thông tin nhập nhèm, thiếu chính xác về trái phiếu. Điển hình như trả lời của nhân viên tên D. rằng: “Là trái phiếu doanh nghiệp cô ạ. Ngân hàng không được phát hành trái phiếu, nhưng đây là những doanh nghiệp do chủ tịch, cổ đông bên ngân hàng con sáng lập và hoạt động, nên nó gần như là trái phiếu của ngân hàng đó cô…”.

Dù cũng xác nhận SCB làm nhiệm vụ “giới thiệu”, nhưng ở nhiều văn bản, TVSI “miêu tả” kỹ hơn: “TVSI gửi các thông tin liên quan trái phiếu doanh nghiệp cho SCB tự giới thiệu cho khách. Trường hợp khách đồng ý mua trái phiếu, thì sẽ ký hợp đồng, chuyển tiền tại chính địa điểm giao dịch của SCB”.

Thậm chí, tại Biên bản làm việc ngày 11/5/2023 giữa các trái chủ mua trái phiếu, TVSI còn nêu: “Nhân viên SCB chịu trách nhiệm thực hiện giới thiệu, tư vấn, môi giới cho khách hàng”.

Với các dữ liệu trên, liệu SCB khăng khăng chỉ làm nhiệm vụ “giới thiệu khách cho TVSI”, chứ không “tư vấn” có thuyết phục?

Tận “phút 89”, “Thượng đế” vẫn thành khổ chủ

Với phòng trào thi đua trên của SCB, nhiều người trở thành khổ chủ ở “phút 89”, trước một ngày khi bà Trương Mỹ Lan bị bắt, thậm chí không được hủy hợp đồng, dù được phép trong vòng 3 ngày, chỉ mất chỉ 0,2% trên tổng tiền mua trái phiếu.

Điển hình, ngày 6/10/2022, bà H.T.H.Hoa. (TP. Thủ Đức, TP.HCM) tới SCB Thanh Đa để gửi tiết kiệm, thì được nhân viên ngân hàng “dụ” để rồi mua hơn 200 triệu đồng trái phiếu An Đông hình thức Flex. Khi hay tin bắt bà Trương Mỹ Lan, từ ngày 8 tới 9/10/2022, bà liên tục nhắn tin yêu cầu nhân viên SCB hủy hợp đồng, nhưng nhân viên SCB hồi đáp “sàn bị sập lỗi từ ngày 7/10/2022”, rồi sau đó đóng băng.

“Đau” hơn, ông T.Q.My (66 tuổi, ngụ tại quận Tân Phú, TP.HCM), ngày 4/10/2022 đến SCB Chi nhánh Nguyễn Sơn rút tiền rồi bị “dụ” trở thành trái chủ khi chuyển đi hơn 1 tỷ đồng mua trái phiếu An Đông. “Tôi không hiểu trái phiếu là gì hết, nên về đưa hồ sơ cho con tôi xem. Con tôi la trời bảo không được, ba phải lên hủy hợp đồng ngay”, ông My cho hay.

Ngay ngày 6/10/2022, ông My đã lên SCB Nguyễn Sơn, nhưng nhân viên SCB nơi đây khi tư vấn đã biến tấu từ yêu cầu “hủy hợp đồng” chỉ mất 2 triệu đồng tiền phí của ông thành “không được rút tiền trước hạn” mất tới 20 triệu đồng, nên thuyết phục ông giữ lại. Tới ngày 7/10/2022, ông quay lại nhận bản hợp đồng mua trái phiếu chính thức từ SCB, rồi yêu cầu hủy, nhưng không được.

Hoặc trường hợp trái chủ L.T.K.Phượng (ngụ tại quận 4, TP.HCM). Ngày 6/10/2022, bà Phượng tới SCB Chi nhánh Biên Hòa để tất toán và tái tục chứng chỉ tiền gửi 600 triệu đồng. Nghe lời nhân viên SCB tên P.T.S.Giang, bà ký chuyển tất số tiền sang mua trái phiếu An Đông. Sau đó, liên tiếp các ngày 8, 9/10/2022, bà tới SCB yêu cầu hủy hợp đồng, nhưng nhận được hồi đáp từ nhân viên Giang rằng, TVSI thông báo ngưng giao dịch trái phiếu, nên hệ thống máy tính ngân hàng bị treo, khi nào mở lại sẽ hủy. Kết cục tới giờ, bà vẫn là… trái chủ.

Trong khi đó, tại một thư phúc đáp nhiều khổ chủ “phút 89”, TVSI cho hay: “TVSI không chặn các giao dịch đặt lệnh hủy… Hệ thống TVSI vẫn tiếp nhận yêu cầu hủy bình thường từ SCB tới ngày 11/10/2022”.

Theo kịch bản mẫu dùng cho cán bộ, nhân viên xử lý tình huống, thì SCB hướng dẫn cách chọn đối tượng là “khách hàng mới có nhu cầu vay vốn/khách hàng cũ đã và đang có dư nợ tại SCB”. Tức là, đối tượng được SCB hướng sang đầu tư cho doanh nghiệp khác lại chính là “thượng đế” của mình.

Trên một tờ quảng bá lãi suất các sản phẩm của mình, bao gồm cả trái phiếu, SCB còn ưu đãi lãi suất 0,02% cho người từ 40 tuổi trở lên. Thế nên, không phải bỗng nhiên, nhiều khổ chủ của SCB là bà giáo về hưu, ông cụ bạc tóc…

Làm đúng giấy phép?

Tại giải đáp cáo buộc của trái chủ, SCB cho rằng, hoạt động “giới thiệu” trái phiếu của mình là thực hiện đúng nội dung hoạt động tại giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp.

Nhưng theo Giấy phép số 29/GP-NHNN ngày 4/3/2020 do Ngân hàng Nhà nước cấp thay thế Giấy phép số 283/GP-NHNN ngày 26/12/2011 cho SCB, thì với trái phiếu doanh nghiệp, SCB chỉ được “mua bán”, khác hoàn toàn với “giới thiệu”.

“Giới thiệu” là hình thức môi giới, tức làm trung gian thực hiện mua - bán trái phiếu cho khách hàng để ăn hoa hồng. Việc này, tại Thông báo số 1195/TB- TGĐ.22.00 ngày 17/2/2022, SCB cũng nêu rõ: “Trái phiếu được chi hoa hồng kỳ tháng 12/2022 là An Đông, Quang Thuận, Thiên Phúc, Setra, Vạn Trường Phát...”.

Còn môi giới trái phiếu, theo Điều 103, Luật Các tổ chức tín dụng, thì ngân hàng thương mại phải thành lập hoặc mua lại công ty con, công ty liên kết để thực hiện môi giới chứng khoán thông qua công ty này. Trong khi đó, TVSI khẳng định là công ty độc lập, không liên quan SCB. Còn SCB phát động hàng loạt chương trình huy động cán bộ, nhân viên của hệ thống trực tiếp chào mời trái phiếu. Vậy việc SCB biện minh là làm đúng giấy phép có chính xác và việc làm môi giới trái phiếu có đúng luật?

(Còn tiếp)

Ngô Nguyên
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục