Bài 2: “Con kiến leo cành cụt…”
Hàng chục ngàn trái chủ của các công ty thuộc hệ sinh thái hoặc có dính dáng đến Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (Vạn Thịnh Phát) kêu cứu trong cảnh “con kiến leo cành cụt”.
Đều do TVSI tư vấn, SCB “dẫn khách”
Theo điều tra của chúng tôi, các mã trái phiếu gây tan cửa, nát nhà cho hàng chục ngàn trái chủ, gây “cơn uất nghẹn lịch sử”, gây “sóng gió” thị trường trái phiếu hiện nay đều của các công ty thuộc hệ sinh thái hoặc có dính dáng đến Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (Vạn Thịnh Phát).
Đặc biệt, các tổ chức phát hành này đều có nhiều điểm chung như: được Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt (TVSI) tư vấn, kiêm đơn vị phát hành…; trái phiếu thuộc loại nhiều không (không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không hoặc có tài sản đảm bảo, không hoặc có bảo lãnh thanh toán); chọn Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) làm tổ chức quản lý tài sản đảm bảo hoặc trái chủ mua qua ngân hàng này; huy động được số tiền “cực khủng”.
Chẳng hạn các lô trái phiếu của Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông (mắt xích quan trọng trong hệ sinh thái của Vạn Thịnh Phát). Công ty này hoạt động từ năm 2007, kinh doanh bất động sản và có 2 chi nhánh là Windsor Plaza Hotel và The Garden Complex, trong đó Windsor Plaza là khách sạn tư nhân 5 sao nổi tiếng ở TP.HCM.
Tới tận năm 2022, SCB còn phát động hàng loạt chương trình lớn toàn hệ thống để “săn” nhà đầu tư như chương trình thi đua trái phiếu “Chặng đua thần tốc”, “Bản lĩnh dẫn đầu - Thống lĩnh đường đua”, “Giới thiệu hăng say - Nhận ngay thưởng lớn” để nhân viên nỗ lực đi “săn” nhà đầu tư dù chuyên hay không chuyên nghiệp mua trái phiếu đầy rủi ro nêu trên.
Dù có tài sản “khủng”, nhưng năm 2018 và 2019, An Đông phát hành 3 lô trái phiếu với tổng trị giá gần 25.000 tỷ đồng đều là trái phiếu không chuyển đổi; không kèm chứng quyền; không có tài sản đảm bảo... Ba lô trái phiếu này đều do TVSI tư vấn, kiêm luôn đại lý phát hành, còn SCB môi giới, tìm kiếm khách hàng của mình mua trái phiếu (có khoảng 40.000 trái chủ trái phiếu An Đông mua qua SCB).
Công ty cổ phần Đầu tư Quang Thuận hoạt động chính trong lĩnh vực bất động sản, có cổ đông liên quan đến Vạn Thịnh Phát (Trương Huệ Vân, nguyên Tổng giám đốc Vạn Thịnh Phát, đã bị Bộ Công an khởi tố) và nằm trong danh sách hơn 700 doanh nghiệp đang bị rà soát liên quan đến Vạn Thịnh Phát.
Năm 2018 và đặc biệt là năm 2020, Quang Thuận phát hành 60 lô trái phiếu mã QT.H2025.01 đến QT.H2025.60, với tổng giá trị huy động lên đến 6.000 tỷ đồng, đứng trong danh sách các doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhiều nhất năm 2020. Đây cũng là lô trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đầy rủi ro, không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản đảm bảo.
Còn Công ty TNHH một thành viên Khách sạn quốc tế Thiên Phúc đã phát hành 30 lô trái phiếu mã THP.H2025.01-THP.H2025.30 vào tháng 8/2020, với tổng giá trị 3.000 tỷ đồng. Đây cũng là loại trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ nhiều rủi ro, không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có tài sản đảm bảo.
Cũng như trái phiếu An Đông, các mã trái phiếu Quang Thuận, Thiên Phúc nêu trên đều do TVSI tư vấn kiêm luôn phát hành; còn SCB đồng hành không chỉ với vai trò tổ chức quản lý tài sản đảm bảo, tổ chức quản lý tài khoản, mà còn “dụ” khách mua luôn.
Các trái chủ xếp hàng tại Hội sở SCB (TP.HCM) gửi đơn kêu cứu. |
Đều “bung hàng” trước giờ G
Các trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ có độ rủi ro cao nhất, nhưng bán cho cả “ông lão, bà cụ” gây khốn đốn trái chủ nêu trên đều chọn thời khắc phát hành trước khi bị siết chặt quy định “trái chủ” phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Cụ thể, ngày 31/12/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ không chuyển đổi, không kèm theo chứng quyền… chỉ được bán cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, bởi loại hình trái phiếu này rủi ro lớn hơn trái phiếu chào bán ra công chúng.
Chỉ trước “giờ G” khoảng 4 tháng, ngày 31/8/2020, Quang Thuận đã kịp phát hành 60 lô trái phiếu, với tổng giá trị huy động lên đến 6.000 tỷ đồng như đã nêu trên. Còn Thiên Phúc phát hành 30 lô trái phiếu mã THP.H2025.01-THP.H2025.30 với tổng giá trị 3.000 tỷ đồng chỉ 4 tháng trước khi Nghị định 153/2020/NĐ-CP có hiệu lực. An Đông chọn thời điểm sớm hơn 2 doanh nghiệp kia, phát hành 3 đợt trái phiếu vào năm 2018 và 2019.
Do “nhanh chân”, các doanh nghiệp tận dụng nhiều điều kiện ở quy định trước đó là Nghị định 90/2011/NĐ-CP ngày 14/10/2011 và Nghị định số 163/2018/NĐ-CP ngày 4/12/2018 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Các quy định này chưa bắt buộc điều kiện “nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp”, chỉ quy định chung chung: “Đối tượng mua trái phiếu là các tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài”.
Thế nên mới có chuyện, không chỉ TVSI, mà cả SCB cũng nhảy vào cuộc chào mời bán trái phiếu này để ký kết với bất kỳ ai, chứ không phải chỉ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Không những vậy, với việc chọn thời điểm nêu trên để phát hành trái phiếu, nhà phát hành còn “thoát” hàng loạt quy định kiểm soát khác như việc kiểm tra hồ sơ, giám sát mục đích sử dụng vốn hoàn toàn không có cơ quan quản lý nhà nước nào can thiệp, mà doanh nghiệp “tự lo, tự chịu”.
Mặt khác, Nghị định số 163/2018/NĐ-CP còn cho phép công ty chứng khoán, tổ chức tín dụng… được cung cấp dịch vụ tư vấn hồ sơ phát hành trái phiếu. Việc tư vấn, thẩm định của tổ chức tư vấn phát hành… phụ thuộc vào hồ sơ doanh nghiệp cung cấp.
Và Nghị định 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 cho điều kiện chuyển tiếp: “Đối với trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành trước khi Nghị định này có hiệu lực thi hành, thì tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 163/2018/NĐ-CP và Nghị định số 81/2020/NĐ-CP… cho đến khi trái phiếu đáo hạn”.
Trong khi đó, 3 lô trái phiếu An Đông lại có thời điểm đáo hạn tới tận tháng 9/2023 và tháng 1/2024; 60 lô trái phiếu Quang Thuận mã QT.H2025.01 đến QT.H2025.60 đáo hạn ngày 31/8/2025; 30 lô trái phiếu Thiên Phúc mã THP.H2025.01-THP.H2025.30 đáo hạn ngày 31/8/2025.
Thế nên mới có cảnh, tới tận tháng 10/2022, chỉ trước vài ngày Bộ Công an khởi tố bắt bà Trương Mỹ Lan, nhiều người dân không có kiến thức tài chính (chứng khoán) vẫn bị “dụ” và trở thành trái chủ “bất đắc dĩ”.
Lãnh đủ… trái đắng, rồi rơi vào bế tắc
Với sự tận dụng “phút 89” của nhà phát hành nêu trên, những trái chủ không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, chỉ là những người già, bà bán nước mía hay cô giáo, anh bộ đội về hưu, không chỉ lãnh đủ hậu quả khi “xảy ra chuyện”, mà còn rơi vào cảnh bế tắc.
Cụ thể, do tiền ky cóp cả đời lao động có nguy cơ “bốc hơi”, hàng chục ngàn trái chủ trái phiếu An Đông, Quang Thuận, Thiên Phúc… tới các chi nhánh SCB, TVSI bức xúc rằng, TVSI đã bất chấp bán trái phiếu cho nhà đầu tư không chuyên nghiệp; SCB không nói rõ rủi ro về trái phiếu, cố tình dẫn dắt khiến họ hiểu lầm là “tiền gửi linh hoạt 31 ngày” nên mới “sập bẫy”…
Tuy nhiên, do tư vấn và đồng hành cho doanh nghiệp phát hành lách kịp trước khi pháp luật siết lại đối tượng đầu tư, nên TVSI thản nhiên phản hồi trái chủ: “Theo quy định chuyển tiếp của Nghị định 153/2020/NĐ-CP, thì đối với các trái phiếu đã phát hành trước ngày 1/1/2021 và chưa đến ngày đáo hạn, thì đối tượng mua trái phiếu không bắt buộc phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp”.
Còn SCB cho rằng: “Hoạt động giới thiệu trái phiếu cho nhà đầu tư của SCB là thực hiện theo đúng nội dung hoạt động tại giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp; SCB chỉ ‘giới thiệu khách hàng cho TVSI’, chứ không tham gia ký kết hợp đồng mua bán trái phiếu… Việc ngân hàng phải mua lại các trái phiếu này, hoặc chuyển thành sổ tiết kiệm... theo yêu cầu của trái chủ là ‘không có cơ sở để thực hiện’”.
Nhà phát hành “biệt tích”, các tổ chức trung gian vận dụng sơ hở pháp lý dễ dàng chối từ cũng tức là hàng chục ngàn trái chủ kêu cứu trong cảnh “con kiến leo cành cụt”.
Ngày 24/4/2023, TVSI cho hay, đã gửi Công văn số 585/TB-TVSI ngày 4/4/2023; Công văn số 311/TB-TVSI ngày 20/2/2023; Công văn số 299/2023/CV-TVSI ngày 30/1/2023 yêu cầu An Đông mua lại 3 mã trái phiếu vì đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán, nhưng doanh nghiệp không hề phản hồi, dù rằng mã ADC-2018.09 phát hành năm 2018 vẫn chưa có quyết định khởi tố liên quan (của Bộ Công an).
Kết cục tới giờ, 40.000 trái chủ An Đông mua qua SCB không biết “số phận” gần 25.000 tỷ đồng đã bỏ ra sẽ ra sao.Còn trái phiếu Quang Thuận, dù Bộ Công an khởi tố An Đông, Vạn Thịnh Phát (tháng 10/2022), nhưng tháng 12/2022, TVSI có văn gửi SCB đề nghị cung cấp đầu mối liên hệ của các tổ chức phát hành này, rồi nhận được hồi đáp: “Thời gian qua, SCB đã gửi thư mời họp, nhưng tới thời điểm hiện tại, vẫn chưa liên hệ được nhân sự đầu mối, cũng như chưa nhận được phản hồi từ phía tổ chức phát hành trên”.
Tháng 3/2023, TVSI có Thông báo số 357/TP-TVSI yêu cầu Quang Thuận thanh toán hơn 312 tỷ đồng tiền lãi và phạt lãi trái phiếu chậm thanh toán, nhưng tới giờ, trái chủ của lô trái phiếu tổng trị giá 6.000 tỷ đồng này vẫn chưa thấy tiền về tài khoản.
Tháng 3/2023, TVSI có Thông báo số 359/TB-TVSI yêu cầu Thiên Phúc thanh toán hơn 156 tỷ đồng tiền lãi Coupon trái phiếu chậm thanh toán, nhưng tới giờ này, trái chủ vẫn chưa hề nhận được, dù hơn 3.000 tỷ đồng đã bỏ ra mua.
(Còn tiếp)