Trước đó, vào đầu tháng 7/2021, Hội đồng Nhân dân TP.HCM đã phê duyệt đề xuất hoãn thời điểm thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn Thành phố (gọi tắt là thu phí hạ tầng cảng biển) đến ngày 1/10/2021, thay vì từ ngày 1/7/2021 như kế hoạch.
Vì vậy, tại Đại hội lần thứ nhất I của HLA được tổ chức sáng nay, bà Đặng Thị Minh Phương, Trưởng Ban vận động thành lập HLA; Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần MP Logistics đã kiến nghị lãnh đạo UBND TP.HCM về việc xem xét tiếp tục hoãn thời điểm bắt đầu thu phí hạ tầng cảng biển.
Trả lời về kiến nghị này, bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, hôm qua (29/9), bà đã ký văn bản trình Ban thường vụ để trình Hội đồng nhân dân Thành phố tiếp tục hoãn thu phí hạ tầng cảng biển đến ngày 1/4/2022 như một gói hỗ trợ cho doanh nghiệp trước những thách thức mà đại dịch mang đến.
“Tôi tin là đề xuất của Uỷ ban sẽ được sự đồng thuận của Hội đồng nhân dân và từ mai, Thành phố sẽ chưa triển khai thu phí”, bà Phan Thị Thắng nói.
HLA được chính thức thành lập vào ngày 8/7/2021 theo Quyết định số 2474 của UBND TP.HCM, chịu sự quản lý trực tiếp của Sở Công Thương Thành phố.
Về việc ra mắt HLA, bà Phan Thị Thắng đưa ra 2 đặt hàng với các doanh nghiệp trong ngành dịch vụ logistics nói chung và Hội viên HLA nói riêng.
Thứ nhất, từ những bài học sâu sắc cần rút ra sau thời gian chống dịch vừa qua, các doanh nghiệp cần quan tâm đầu tư thoả đáng cho logistics phục vụ lưu chuyển hàng hoá nội địa; đồng thời, tổ chức vận chuyển hàng hoá thông suốt giữa TP.HCM với các tỉnh, thành phía Nam.
Thứ hai, trước sự phát triển mạnh mẽ của thị trường thương mại điện tử, doanh nghiệp dịch vụ logistics cần chủ động phát triển hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ hậu cần phục vụ lĩnh vực này cũng như xem đây là nhiệm vụ cấp bách trong giai đoạn tới.
Theo đánh giá của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), cũng như của Bộ Công Thương, tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực này hiện nay khoảng 30%, và dự đoán tốc độ này sẽ được duy trì liên tục trong giai đoạn 2019 – 2025.
Quy mô thị trường thương mại điện tử thế giới gia tăng qua các năm. |
Như baodautu.vn đã đưa tin, mặc dù đóng vai trò rất quan trọng trong chuỗi cung ứng của nền kinh tế, song ngành TMĐT cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Sự sụt giảm của nền kinh tế, gián đoạn trong xuất nhập khẩu, đứt gãy chuỗi cung ứng, vận chuyển lưu thông hàng hóa khó khăn do giãn cách… là những khó khăn mà ngành này phải đối mặt.
Trong bối cảnh hiện tại, các doanh nghiệp thương mại điện tử đang vướng nhất với việc tổ chức vận chuyển hàng hóa trong tình hình dịch bệnh.
Ông James Dong, CEO Lazada Việt Nam, kiêm CEO Lazada Thái Lan cho biết, vấn đề lớn nhất, nan giải nhất hiện nay là logistics và Lazada gặp rất nhiều vướng mắc, khó khăn khi các địa phương giãn cách xã hội.
Trong khi đó, ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc điều hành Shopee bình luận, nếu thương mại điện tử bị tắc nghẽn trong khâu giao hàng thì khó khăn rất lớn.
Trong tương lai, có thể sẽ có nhiều lần giãn cách xã hội, nên cần có cơ chế đặc biệt cho thương mại điện tử và vận chuyển (shipper) để có thể vận hành cung ứng sản phẩm dịch vụ tốt hơn.