Một trong những tờ trình đáng chú ý là điều chỉnh thời gian thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TP.HCM từ 0 giờ ngày 1/7 thành 0 giờ ngày 1/10.
Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, từ ngày 1/10 là thời điểm mà Thành phố có thể đã kiểm soát được dịch Covid-19. Lúc này, việc tiêm vaccine phòng dịch đã được triển khai rộng rãi trong cộng đồng và các doanh nghiệp đã có thời gian phục hồi kinh tế.
Việc điều chỉnh thời gian thu phí sẽ tạo được sự đồng thuận trong xã hội, góp phần hỗ trợ sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố.
Theo tính toán của TP.HCM, nếu thực hiện thu phí hạ tầng cảng biển từ ngày 1/7 thì số thu dự kiến trong ba tháng (từ ngày 1/7 đến 30/9) là 723 tỷ đồng.
Trường hợp TP.HCM chưa thu phí trong ba tháng này thì khoản thu dự kiến này xem như là một khoản hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; doanh nghiệp xuất nhập khẩu để đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu “kép” vừa quyết liệt phòng chống dịch bệnh COVID-19 vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đánh giá của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.HCM, trong bối cảnh dịch Covid-19 da biến phức tạp, khó lường, đợt dịch bùng phát từ tháng 4/2021 có thể kéo dài đến tháng 7 và nguy cơ tái bùng phát cao.
Nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh phải tạm ngừng; thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các bộ ngành về việc hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp xuất nhập khẩu để đảm bảo thực hiện mục tiêu “kép” của Chính phủ; cùng với việc thực hiện chủ đề năm 2021 của Thành phố: “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”.
Với tình hình thực tế nêu trên, cùng với ý kiến của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố và các đơn vị liên quan, Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân thành phố nhận thấy việc lùi thời gian thực hiện thu phí đến 0 giờ ngày 1/10/2021 là phù hợp với thực tiễn và cần thiết.
Trước đó, tại kỳ họp cuối năm 2020, HĐND TP HCM khoá IX đã thông qua đề án thu phí hạ tầng cảng biển trên địa bàn từ 1/7/2021, với kỳ vọng mỗi năm thu hơn 3.000 tỷ đồng đầu tư hệ thống đường quanh các cảng.
Mức thu phí cảng biển dự kiến (nguồn: Sở GTVT TP.HCM) |
Mức phí thấp nhất là 15.000 đồng mỗi tấn và cao nhất là 4,4 triệu đồng với container 40 feet. Với lượng hàng hóa năm 2019 hơn 170 triệu tấn, dự kiến TP thu hơn 3.000 tỉ đồng/năm.
Toàn bộ số tiền thu được sẽ nộp vào ngân sách; số tiền trích lại cho đơn vị tổ chức thu phí tối đa không quá 1,5%. Việc thu phí nhằm tạo nguồn thu hoàn thiện đường xung quanh cảng, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông; tăng năng lực vận chuyển hàng hóa góp phần phát triển kinh tế Thành phố.
Đối tượng nộp phí là các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa tạm nhập - tái xuất, hàng chuyển khẩu, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh sử dụng công trình kết cấu hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển Thành phố; các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu sử dụng công trình kết cấu hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển Thành phố (bao gồm tổ chức, cá nhân mở tờ khai hải quan tại Thành phố và ngoài Thành phố).
Trong tháng 6/2021, Cảng vụ đường thủy nội địa Thành phố cho biết sẽ tiến hành chạy thử và đánh giá hệ thống thu phí cảng biển. Về cách thức thu phí, toàn bộ quá trình không dùng tiền mặt, thanh toán qua hệ thống điện tử 24/7 của các ngân hàng thương mại hoặc các ví điện tử. Ngoài ra, Thành phố thực hiện thu phí tự động 100% nhằm nâng cao hiệu quả quản lý.
Nguồn thu phí cảng biển sẽ được đề xuất sử dụng vào việc nâng cấp, xây dựng hạ tầng các tuyến đường ra vào các cảng biển, góp phần giải quyết ùn tắc, không để xảy ra tình trạng quá tải các tuyến ra vào cảng, gây ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ thống cảng biển.
Việc đầu tư hạ tầng xung quanh cảng biển sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ hơn của các cảng, tăng sản lượng, đáp ứng tiềm năng trong tương lai. Tuy nhiên, việc có thu phí hay không thì cần chờ vào kết quả của phiên họp thảo luận HĐND TP.HCM vào sáng mai (ngày 25/6).