Tính phí bảo hiểm xe và chuyện công bằng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ (có hiệu lực từ ngày 1/1/2025) sẽ áp dụng tính điểm với lái xe. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là lúc các doanh nghiệp bảo hiểm cần tính lại phí bảo hiểm, dựa trên cả số điểm của lái xe (chứ không chỉ tính phí dựa trên loại xe, lịch sử bồi thường xe như lâu nay).
Việc tính điểm lái xe sẽ giúp công ty bảo hiểm có thêm căn cứ để tính phí bảo hiểm xe cơ giới hợp lý hơn Việc tính điểm lái xe sẽ giúp công ty bảo hiểm có thêm căn cứ để tính phí bảo hiểm xe cơ giới hợp lý hơn

Hồ sơ sạch để tiết kiệm tiền phải đóng bảo hiểm

Theo quy định tại Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ mới, mỗi tài xế có 12 điểm/năm trong giấy phép lái xe. Nếu vi phạm pháp luật về an toàn giao thông, chạy ẩu…, tài xế sẽ bị trừ điểm. Khi không còn điểm nào trong giấy phép lái xe, tài xế sẽ không được lái xe trong một thời gian và phải thi lại bằng lái.

Nhiều chuyên gia kiến nghị, nhà bảo hiểm cần giảm phí bảo hiểm hoặc tăng quyền lợi/mức bảo vệ đối với những tài xế lái xe cẩn thận, an toàn. Việc tính phí này sẽ đảm bảo tính công bằng với các lái xe và khích lệ các tài xế duy trì hồ sơ lái xe sạch để tiết kiệm tiền phí bảo hiểm.

Không phải đến bây giờ, đề xuất này mới được đặt ra. Một số doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài như Liberty từ khi mới triển khai bán bảo hiểm xe tại Việt Nam cũng mong muốn áp dụng phương án tính điểm dựa trên bằng lái, lịch sử bồi thường… như thông lệ phổ biến tại các thị trường phát triển. Nhưng đến bây giờ, điều này vẫn chưa áp dụng được tại Việt Nam, bởi thiếu dữ liệu thông tin về người lái xe, các vụ tai nạn... Tuy vậy, việc Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực và áp dụng tính điểm bằng lái cùng với thực tế phạt nguội được áp dụng những năm gần đây là cơ sở để thúc đẩy áp dụng điều này.

Tại Việt Nam, việc tính phí bảo hiểm bắt buộc (bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới) hiện chỉ dựa vào loại xe, số chỗ, xe kinh doanh hay không kinh doanh. Còn việc tính phí bảo hiểm tự nguyện cho xe (bảo hiểm thân vỏ) dựa trên các căn cứ: xe phục vụ hoạt động kinh doanh hay không kinh doanh, mới hay cũ, “độ” đồ hay không “độ”…), chứ chưa dựa vào kỹ năng điều khiển xe của người lái. Trong khi thực tế, việc có phóng nhanh vượt ẩu, vi phạm giao thông hay không là do người điều khiển xe, chưa kể là tài xế có thể nay đi xe này mai đi xe khác.

Từ vài năm trước, khi dư luận đề xuất cần tính phí bảo hiểm dựa trên lịch sử bồi thường bảo hiểm của từng xe, lịch sử gây tai nạn của chủ xe thì Nghị định số 67/2023/NĐ-CP (được ban hành vào đầu tháng 9/2023 và có hiệu lực ngay sau thời điểm ký ban hành) đã quy định bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới được tính trên lịch sử bồi thường bảo hiểm của từng xe, lịch sử gây tai nạn của chủ xe với mức tăng/giảm tối đa lên tới 15%... Theo đó, doanh nghiệp bảo hiểm có thể áp dụng giảm phí đối với những người lái có lịch sử bồi thường tốt (không hoặc ít có yêu cầu bồi thường) và ngược lại.

Chẳng hạn, tại Bảo hiểm Bảo Việt, việc tính phí bảo hiểm do phần mềm quét, dựa trên lịch sử tổn thất của dòng xe, của xe. Chẳng hạn, với chủ xe đi xe CX-5 2023 Mazda, phần mềm sẽ soi xem trong 1.000 chiếc xe này thời gian qua có tổn thất tại hãng bảo hiểm này thế nào, riêng xe trên thì sao. Nếu xe có trên 3 vụ yêu cầu bồi thường/năm sẽ bị đưa vào danh sách đen. Tỷ lệ tổn thất trên phí nếu trên 60% thì sẽ bị tăng phí bảo hiểm, còn lên tới trên 300% sẽ bị dừng cấp đơn bảo hiểm.

Thực tế, đã có một số doanh nghiệp bảo hiểm chủ động áp dụng các chính sách phí khác nhau để khuyến khích lái xe an toàn, nhưng chưa được áp dụng đồng loạt việc tính phí bảo hiểm dựa trên điểm số trên bằng lái vì luật không quy định bắt buộc các doanh nghiệp bảo hiểm phải tuân thủ. Đơn cử, Bảo hiểm Bảo Việt đã trang bị công cụ giám sát và quản lý hành trình lái xe một cách thông minh và an toàn. Lái xe sẽ nhận được thông báo đánh giá sau mỗi chuyến đi, cộng điểm hoặc trừ điểm sẽ dựa vào 5 tiêu chí đánh giá: Tốc độ (lái xe giữ có ổn định hay không), an toàn (dựa trên độ rung lắc của xe khi di chuyển), thời gian (thời điểm lái xe trong ngày (giờ cao điểm/ thấp điểm quyết định đến khả năng xử lý tình huống, giúp bạn tránh rủi ro có thể xảy ra), tinh thần (tình trạng sức khỏe, độ dài chuyến đi) và tập trung (tần suất sử dụng điện thoại trong suốt hành trình).

Hay dựa trên hành vi lái xe an toàn, Bảo hiểm OPES cũng tặng điểm thưởng, quy đổi tương đương từ 5 - 15% phí bảo hiểm bình quân/tháng.

Nên áp dụng cho bảo hiểm bắt buộc hay tự nguyện?

Việc bổ sung số điểm của lái xe vào rổ tiêu chí tính phí bảo hiểm xe tại Việt Nam là cần thiết, có điều nên áp dụng cho loại bảo hiểm nào, bắt buộc hay tự nguyện thì đang có những tranh cãi nhất định.

Theo chuyên gia bảo hiểm Đỗ Hồng Sơn, điểm lái xe chỉ nên sử dụng trong việc tính phí bảo hiểm tự nguyện cho xe (bảo hiểm thân vỏ xe). Còn loại hình bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, áp dụng đối với trường hợp người lái gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản của một bên khác và hiện tại phí này đang được tính theo xe, không thể tính lỗi cho người điều khiển được. Chưa kể, với ý thức tham gia giao thông còn thấp như ở Việt Nam, nếu áp dụng tính điểm số lái xe với bảo hiểm thân vỏ thì những lái xe liên tục vi phạm pháp luật giao thông, có điểm số thấp có thể chịu mức phí bảo hiểm cao, dẫn đến không mua bảo hiểm nữa, ảnh hưởng đến doanh thu của doanh nghiệp bảo hiểm.

Cũng theo ông Sơn, các quy định hiện hành đang tạo hướng mở cho doanh nghiệp, Bộ Tài chính quy định khung pháp lý, còn việc thực hiện thuộc về từng doanh nghiệp bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm hoàn toàn có quyền tăng giảm phí nếu muốn. Bên mua bảo hiểm cũng cần nắm được để bảo vệ quyền lợi của mình. Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành (Điều 23) quy định khi có sự thay đổi những yếu tố làm cơ sở để tính phí bảo hiểm dẫn đến giảm các rủi ro được bảo hiểm, căn cứ thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm, bên mua bảo hiểm có quyền yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm giảm phí bảo hiểm cho thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm.

Nghĩa là, nếu thấy mình lái cẩn thận, không phát sinh tổn thất dẫn đến bồi thường thì có thể đề nghị doanh nghiệp bảo hiểm giảm phí. Đổi lại, nếu có sự thay đổi dẫn đến tăng các rủi ro được bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm có quyền tính lại phí cho thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm.

Nhiều doanh nghiệp trong ngành cũng ủng hộ cơ chế tính phí bảo hiểm dựa trên điểm của bằng lái xe nhưng thừa nhận cần một cơ sở dữ liệu đầy đủ, cập nhật, còn nếu như hiện tại thì khó áp dụng. Bởi lẽ, các doanh nghiệp bảo hiểm hiện không tiếp cận được với dữ liệu về vi phạm của người lái xe (lái ẩu, đi vào đường một chiều, vượt quá tốc độ, vi phạm nồng độ cồn…) khi tính phí. Các dữ liệu này chỉ tiếp cận được khi xem xét bồi thường. Theo đó, cần có liên thông về dữ liệu giữa Bộ Tài chính và Bộ Công an mới làm được.

Ông Nguyễn Khắc Xuân, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ hỗ trợ bảo hiểm Infair cho rằng, không thể tính phí bảo hiểm cho xe dựa trên lịch sử gây tai nạn của lái xe. Việc tính phí theo người lái chỉ có thể thực hiện được khi một xe chỉ có một người lái. Trong khi đó, ở Việt Nam hiện nay, một chiếc xe có thể do nhiều người cầm lái.

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục