Bảo hiểm xe cơ giới chưa thoát khó

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Bảo hiểm xe cơ giới là nghiệp vụ “xương sống” của các doanh nghiệp phi nhân thọ vẫn đang gặp nhiều khó khăn do doanh số bán xe liên tục sụt giảm.
Bảo hiểm xe cơ giới chưa thoát khó

4 tháng đầu năm 2024, doanh số bán xe giảm 11%

Nối tiếp đà sụt giảm 25% của năm 2023, lượng xe ô tô tiêu thụ trên thị trường tiếp tục giảm trong 4 tháng đầu năm 2024. Các nhà lắp ráp và phân phối ô tô trong nước gặp nhiều khó khăn với lượng hàng tồn kho cao. Chẳng hạn, thương hiệu ô tô Toyota chỉ bán được hơn 11.800 xe, giảm 34% so với cùng kỳ năm trước. Tương tự, lượng xe thương hiệu Mitsubishi bán ra sụt giảm 27%, đạt 2.508 xe…

Cụ thể, số liệu thống kê của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy, lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, lượng hàng bán toàn thị trường đạt hơn 82.515 xe, giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, có thể thấy, thị trường ô tô trong nước tiếp tục gặp khó khăn, chứ chưa thể tăng trưởng trở lại như kỳ vọng.

Do lượng tiêu thụ liên tục giảm, dẫn đến hàng tồn kho tăng cao với ước tính lên hàng chục ngàn xe các loại, trong đó chủ yếu là xe sản xuất năm 2023. Trước tình hình kinh doanh ảm đạm trong những tháng qua, hàng loạt mẫu xe được các hãng điều chỉnh giảm giá bán và liên tục đưa ra các chương trình khuyến mãi nhằm kích cầu, đưa giá nhiều mẫu xe giảm từ vài chục tới cả trăm triệu đồng sau khuyến mãi, nhưng việc tiêu thụ chưa thể cải thiện.

Theo các chuyên gia, thông thường, khi nền kinh tế ổn định hơn, lãi suất cho vay giảm thấp… thì nhu cầu tiêu dùng của người dân sẽ tăng lên. Dù vậy, việc xuống tiền mua ô tô thời điểm này chưa thể bằng những năm trước bởi tâm lý người tiêu dùng ưu tiên chi tiêu vào những mặt hàng cần thiết hơn.

Báo cáo từ Bộ Công thương đánh giá, hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp ô tô trong nước vẫn gặp khó do thị trường chưa hoàn toàn phục hồi sau đại dịch Covid-19. Trong khi đó, nguy cơ suy thoái kinh tế vẫn hiện hữu, tác động nghiêm trọng đến các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô và cũng như toàn nền kinh tế. Đáng chú ý, sức ép lạm phát, tỷ giá, lãi suất gia tăng… dẫn đến xu hướng thắt chặt chi tiêu đối với những mặt hàng có giá trị cao, bao gồm cả ô tô. Tăng trưởng thị trường trong nước 4 tháng đầu năm nay thấp hơn cùng kỳ năm trước (8,5% so với 13,3%). Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực ghi nhận sự sụt giảm có thể kể đến là ô tô (-6,6%), xe máy (-4,5%)...

Trung tâm Phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI cũng đánh giá, thị trường ô tô Việt Nam sẽ còn gặp khó khăn trong nửa đầu năm 2024 do nhu cầu tiêu dùng trong nước còn yếu và người mua có tâm lý chờ đợi các mẫu xe mới.

Bảo hiểm xe tiếp tục đối mặt nguy cơ thua lỗ

SSI đánh giá, thị trường ô tô Việt Nam sẽ còn gặp khó khăn trong nửa đầu năm 2024 do nhu cầu tiêu dùng trong nước còn yếu và người mua có tâm lý chờ đợi các mẫu xe mới.

Là nghiệp vụ “xương sống” của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ, thế nhưng bảo hiểm xe cơ giới lại không có sự tăng trưởng về quy mô doanh thu những năm gần đây, bao gồm cả bảo hiểm xe cơ giới tự nguyện và bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới. Thị trường xe cơ giới diễn biến èo uột khiến doanh thu bảo hiểm xe của các công ty bảo hiểm cũng teo tóp dần.

Thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) cho thấy, trong quý I/2024, doanh thu bảo hiểm xe cơ giới đạt 4.471 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 22,4% trong tổng doanh thu toàn thị trường và giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước, bồi thường đạt 1.809 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 40,5%. Trong đó, doanh thu bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đạt 1.091 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 5,5% và tăng 0,3% so với cùng kỳ, bồi thường đạt 186 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 17,1%; doanh thu bảo hiểm xe cơ giới tự nguyện đạt 3.380 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 16,9% và giảm 1,6% so với cùng kỳ, bồi thường đạt 1.622 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 48%.

Điều đáng lo ngại đối với bảo hiểm xe cơ giới trong những tháng đầu năm 2024 là vẫn nằm trong nhóm nghiệp vụ có tỷ lệ bồi thường cao nhất, trong khi doanh thu không những không tăng tương ứng, mà còn tiếp tục sụt giảm.

Theo thống kê của IAV, cho dù tổng số tiền bồi thường bảo hiểm gốc của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ 3 tháng đầu năm 2024 đạt khoảng 4.855 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 24,3% (chưa bao gồm dự phòng bồi thường) - thấp hơn tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc cùng kỳ năm 2023 (29,7%), thế nhưng nghiệp vụ bảo hiểm có tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc cao nhất vẫn là bảo hiểm xe cơ giới (40,5%), tiếp đó là bảo hiểm tàu (29,3%), bảo hiểm sức khỏe (28,1%)…

Doanh thu giảm sút, trong khi tỷ lệ bồi thường vẫn ở mức cao khiến nghiệp vụ bảo hiểm cơ giới đối mặt với nguy cơ thua lỗ. Theo các nhà bảo hiểm, chi phí các hoạt động kinh doanh bảo hiểm bao gồm những hạng mục chính như tiền chi trả bồi thường, chi phí quản lý và hoa hồng đại lý... Cụ thể, đối với bảo hiểm vật chất tự nguyện xe cơ giới, mức chi hoa hồng đúng quy định là 10%, đồng thời đại lý có thể được thưởng thêm khoảng 5% doanh thu nếu đạt KPI (hỗ trợ đại lý). Như vậy, mức chi tối đa cho đại lý theo quy định là 15%, nhưng thực tế có thể cao hơn. Chi phí quản lý gồm vận hành mạng lưới chi nhánh toàn quốc, chi lương của giám định viên, nhân viên kinh doanh và các phòng ban nghiệp vụ, sau cùng là nghĩa vụ đóng thuế cho Nhà nước nếu hạch toán có lãi. Do đó, nếu chi bồi thường chiếm trên 50% doanh thu thì nhà bảo hiểm có thể lỗ, còn nếu từ 60% trở lên thì chắc chắn lỗ.

Trước đó, trong năm 2023, bảo hiểm xe cơ giới đạt doanh thu 17.754 tỷ đồng, giảm 1,9% so với năm trước đó, bồi thường đạt 9.315 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 52,5%. Trong đó, doanh thu bảo hiểm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới đạt 4.342 tỷ đồng và giảm 0,6%, bồi thường đạt 948 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 21,8%; doanh thu bảo hiểm xe cơ giới tự nguyện đạt 13.412 tỷ đồng và giảm 2,4%, bồi thường đạt 8.366 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 62,4%.

Dù luôn là nghiệp vụ đóng góp doanh thu cao trong tổng doanh thu phí bảo hiểm của toàn thị trường, nhưng bảo hiểm xe cơ giới cũng luôn nằm trong nhóm nghiệp vụ có tỷ lệ bồi thường cao nhất. Chính vì thế, nghiệp vụ này thực tế “chỉ có tiếng mà không có miếng”. Các doanh nghiệp bảo hiểm muốn tăng trưởng nhanh thường sẽ chọn thúc đẩy doanh thu bảo hiểm xe cơ giới vì dễ bán. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tại một số công ty bảo hiểm, chiến lược này đã thay đổi để giảm thiểu nguy cơ thua lỗ.

Chẳng hạn, tại Bảo hiểm Bưu điện (PTI) - doanh nghiệp từng chiếm thị phần doanh thu cao nhất nhì thị trường ở nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới, trong năm 2023, doanh thu nghiệp vụ này giảm 22,53% do tỷ lệ bồi thường vật chất xe ở mức cao gần 67%, dẫn đến lỗ nghiệp vụ 165 tỷ đồng. Vì thế, năm 2024, PTI chủ động điều chỉnh tăng phí bảo hiểm đồng thời cắt giảm những dòng xe có tỷ lệ bồi thường cao như xe taxi và lựa chọn cấp đơn cho những dòng xe có trị giá trên 800 triệu đồng…

Song song với đó, thay vì cạnh tranh giảm phí để giành khách bằng mọi giá, các công ty bảo hiểm bắt đầu xây dựng và nâng cấp hệ thống Giám định và cứu hộ xe cơ giới (SOS)… nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ khác biệt dành cho khách hàng khi tham gia bảo hiểm xe cơ giới tại hãng bảo hiểm của mình. Đây là chiến lược mở rộng thị phần doanh thu bảo hiểm xe cơ giới một cách bền vững mà các hãng bảo hiểm phi nhân thọ đang hướng tới.

Gia Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục