Tỷ lệ bồi thường cao nhất trong các nghiệp vụ
Theo số liệu chính thức mới công bố của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), trong năm 2023, doanh thu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 71.064 tỷ, tăng 3%, bồi thường bảo hiểm gốc ước đạt 23.906 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 33,6 % (chưa bao gồm dự phòng bồi thường). Tổng số tiền bồi thường bảo hiểm gốc đạt khoảng 23.906 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 33,6%…
Đáng chú ý, bảo hiểm xe cơ giới - 1 trong 3 nghiệp vụ luôn mang lại doanh thu cao nhất trong tổng doanh thu các nghiệp vụ bảo hiểm của khối phi nhân thọ - lại tăng cao chót vót, cho dù doanh thu giảm. Cụ thể, doanh thu bảo hiểm cơ giới năm 2023 đạt 17.754 tỷ đồng, giảm 1,9% so với năm trước, bồi thường đạt 9.315 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 52,5%. Trong đó, doanh thu bảo hiểm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới đạt 4.342 tỷ đồng, giảm 0,6% và bồi thường đạt 948 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 21,8%; doanh thu bảo hiểm xe cơ giới tự nguyện đạt 13.412 tỷ đồng, giảm 2,4% và bồi thường đạt 8.366 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 62,4%.
Trong những nghiệp vụ bảo hiểm có tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc cao, bảo hiểm xe cơ giới có tỷ lệ bồi thường cao nhất (52,5%), tiếp đến là bảo hiểm tàu (35,7%) và bảo hiểm sức khỏe (34,6%).
Nhìn lại quá trình khai thác nghiệp vụ bảo hiểm này những năm gần đây có thể thấy, ngoại trừ năm 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên tỷ lệ bồi thường của cả thị trường giảm, bao gồm cả bảo hiểm xe cơ giới, thì từ năm 2021 tới nay đều ở mức cao và có xu hướng tăng dần.
Cụ thể, năm 2020, tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc là 37,2%. Trong đó, tỷ lệ bồi thường gốc của bảo hiểm xe cơ giới là 37,5% - mức được coi là “đẹp” của nghiệp vụ này.
Năm 2021, doanh thu bảo hiểm xe cơ giới chiếm tỷ trọng 27,9% trong tổng doanh thu toàn thị trường, ước đạt 16.196 tỷ đồng, giảm 6,3% so với năm trước. Những nghiệp vụ bảo hiểm có tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc cao vẫn góp mặt bảo hiểm cơ giới. Cụ thể, bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự chủ tàu (74,2%), bảo hiểm hàng không (46,1%), bảo hiểm xe cơ giới (45%). Năm 2021, tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc của toàn thị trường là 33,4%.
Năm 2022, doanh thu bảo hiểm xe cơ giới đạt 18.101 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 26,8% trong tổng doanh thu toàn thị trường và tăng 11,9% so với năm trước, bồi thường đạt 9.015 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 49,8%. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm chủ xe cơ giới đạt 4.365 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 6,5% - tăng 10,6% so với năm trước và bồi thường đạt 854 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 19,6%; doanh thu bảo hiểm xe cơ giới tự nguyện đạt 13.735 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 20,3% - tăng 12,4% và bồi thường đạt 8.161 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 59,4 %. Năm 2022, tỷ lệ bồi thường chung của các nghiệp vụ là 32,2%.
“Với tỷ lệ bồi thường cao, doanh nghiệp khó mà có lãi ở nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp muốn tăng trưởng doanh thu nhanh thì không có con đường nào khác là phải thúc đẩy nghiệp vụ này. Muốn tập trung vào hiệu quả kinh doanh, doanh nghiệp có thể lựa chọn khai thác các dòng xe như xe tải, xe của doanh nghiệp, các dòng xe có giá trị trên 800 triệu đồng…, song điều này cũng đồng nghĩa với việc doanh thu tăng trưởng chậm hơn, mức độ cạnh tranh cũng khốc liệt hơn”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm cho hay.
Chủ động kiểm soát
Ngoại trừ năm 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên tỷ lệ bồi thường của cả thị trường giảm, thì từ năm 2021 tới nay, tỷ lệ bồi thường nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới đều ở mức cao và có xu hướng tăng dần.
Trên thị trường, việc chủ động giảm doanh thu để kiểm soát chi phí đang được Bảo hiểm Bưu điện (PTI) thực hiện khá quyết liệt. Thông tin từ hãng bảo hiểm này cho thấy, năm 2023, hầu hết doanh thu các nghiệp vụ bảo hiểm đều giảm so với năm 2022 do PTI chủ động đánh giá lại cơ cấu sản phẩm, áp dụng chính sách nghiệp vụ chặt chẽ và tập trung đẩy mạnh các dòng sản phẩm có hiệu quả với chi phí phân phối thấp, thay vì tập trung tăng trưởng doanh thu bằng mọi giá như trước đây.
Cụ thể, doanh nghiệp từng có thị phần doanh thu cao nhất nhì thị trường ở nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới cho biết, năm 2023, nghiệp vụ này giảm 22,53% do tỷ lệ bồi thường vật chất xe năm 2022 của PTI là 66,8% dẫn đến lỗ nghiệp vụ 165 tỷ đồng. Năm 2023, PTI chủ động điều chỉnh tăng phí bảo hiểm khoảng 10% so với năm 2022 và cao hơn mặt bằng chung thị trường 10% (ngoại trừ Bảo hiểm PVI, Bảo hiểm Bảo Việt), đồng thời chủ động cắt giảm dòng xe có tỷ lệ bồi thường cao…
Trong năm 2024, cùng với việc đốc thúc các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ tăng cường cập nhật lại dữ liệu bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới lên hệ thống cơ sở dữ liệu theo quy định, IAV cũng sẽ phối hợp với các doanh nghiệp xây dựng biểu mẫu thống kê về dữ liệu bảo hiểm xe cơ giới liên quan đến các điều khoản bổ sung để các doanh nghiệp thống nhất, trên cơ sở đó thực hiện chia sẻ dữ liệu giữa các doanh nghiệp bảo hiểm phục vụ việc tính phí cho điều khoản bổ sung bảo hiểm xe cơ giới. Theo IAV, đến năm 2023, có 26/27 doanh nghiệp nhập dữ liệu tháng lên hệ thống, song tỷ lệ dữ liệu cập nhập mới chiếm khoảng 85% so với dữ liệu thực tế.
Được biết, hệ thống dữ liệu về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là cơ sở dữ liệu thống kê, cập nhật và hệ thống hóa toàn bộ thông tin liên quan đến xe cơ giới và chủ xe cơ giới tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới theo quy định tại Điều 31 - Nghị định 03/2021/NĐ-CP phục vụ cho công tác quản lý, giám sát của Nhà nước và hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm.
Thị trường bảo hiểm hiện có 81 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, trong đó có 31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, nhưng chỉ những doanh nghiệp đăng ký kinh doanh loại hình bảo hiểm xe cơ giới mới phải thực hiện việc cập nhật số liệu này.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán trước đó, phó tổng giám đốc phụ trách mảng bảo hiểm xe cơ giới một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nói rằng, phần mềm cập nhật dữ liệu hiện mới chỉ áp dụng đối với bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới nên chưa giúp doanh nghiệp nhiều trong kiểm soát tỷ lệ bồi thường, nhưng điều này sẽ được cải thiện hơn nếu phần mềm mở rộng áp dụng thêm với bảo hiểm vật chất xe…
Thực tế, đối với bảo hiểm xe cơ giới, câu chuyện chia sẻ dữ liệu khách hàng để cùng kiểm soát chất lượng hợp đồng đã được bàn thảo nhiều lần, nhưng tới nay vẫn chưa thực sự được thống nhất. Ngoài yếu tố công nghệ, nguyên nhân cơ bản vẫn do bảo hiểm xe cơ giới là nghiệp vụ có sự cạnh tranh rất khốc liệt giữa các hãng bảo hiểm, nên việc chia sẻ dữ liệu khách hàng là không dễ dàng. Thậm chí, không ít doanh nghiệp còn e ngại dữ liệu này không thể giải quyết được tận gốc vấn đề trục lợi hay tỷ lệ bồi thường cao ở bảo hiểm xe cơ giới.
“Bản chất vấn đề là các nhà bảo hiểm chưa thực sự muốn chia sẻ dữ liệu kinh doanh, dẫn đến việc khó đánh giá đúng về rủi ro khi cấp bảo hiểm cho các xe có lịch sử tổn thất cao. Ngoài ra, việc kiểm soát rủi ro ở mức nào còn tùy thuộc vào chiến lược của mỗi nhà bảo hiểm, hoặc là chọn tăng trưởng cao, hoặc là phát triển ổn định, hiệu quả...”, đại diện một công ty bảo hiểm phi nhân thọ chia sẻ.