Điều khoản hợp đồng phải có sự thỏa thuận của hai bên
Có những hợp đồng bảo hiểm được ký kết giữa khách hàng (bên mua bảo hiểm, bên được bảo hiểm) và công ty bảo hiểm không hợp lý, dẫn đến tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện.
Cụ thể, hợp đồng hợp lý về mặt phát hành, nhưng không hợp lý về mặt thỏa thuận các nội dung, bởi vì có điều khoản không được giao cho phía khách hàng, mà được thể hiện trên website của công ty bảo hiểm, buộc người mua bảo hiểm phải tự tìm hiểu. Nghĩa là, khách hàng tham gia bảo hiểm nhưng không được tư vấn rõ ràng, đầy đủ về các điều khoản loại trừ. Trong trường hợp này, sự thỏa thuận giữa hai bên là bất hợp pháp, trái với những gì mà doanh nghiệp đã cam kết, đăng ký với Bộ Tài chính.
Hợp đồng bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm thường là hợp đồng có sẵn, gọi là hợp đồng mẫu, khi khách hàng tham gia mua một sản phẩm nào đó sẽ được doanh nghiệp phát hành hợp đồng tương ứng, mà không thay đổi các điều khoản với lý do hợp đồng đã được Bộ Tài chính phê chuẩn. Lưu ý, Bộ Tài chính chỉ phê chuẩn về sản phẩm, còn điều khoản theo luật phải có sự thỏa thuận của hai bên, nếu hợp đồng bảo hiểm được soạn sẵn có điều khoản trái pháp luật, thì người yếu thế ngay tình được pháp luật bảo vệ.
Thạc sĩ Luật sư Bùi Quốc Tuấn, Trưởng Văn phòng luật sư Quốc Tuấn, Đoàn luật sư TP.HCM |
Có thể có trường hợp mua bảo hiểm để sau này cố ý xảy ra tai nạn, cố ý chết nhằm bản thân hoặc bên được bảo hiểm hưởng quyền lợi, đó gọi là gian lận bảo hiểm.
Cũng có trường hợp tai nạn dẫn đến tử vong do vô tình, nhưng không được bên bán bảo hiểm chi trả. Thực tế, có trường hợp công ty bảo hiểm từ chối chi trả quyền lợi bảo hiểm do người được bảo hiểm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ khi trong máu có nồng độ cồn, vi phạm quy định của pháp luật về giao thông đường bộ.
Việc chứng minh cái chết của khách hàng là cố ý hay không cố ý thuộc về công ty bảo hiểm, nhưng công ty không chứng minh được, chỉ dựa vào vào kết luận có nồng độ cồn, trong khi kết luận của cơ quan chức năng về nguyên nhân tử vong do đa chấn thương, chứ không phải do uống rượu.
Khách hàng có thể cố ý uống rượu dẫn đến cái chết, nhưng nguyên nhân chết thực tế là đa chấn thương, chứ không phải hành vi cố ý chết. Không chứng minh được nguyên nhân chết do cố ý, mà doanh nghiệp bảo hiểm lại ra quyết định từ chối chi trả bồi thường là không hợp lý.
Muốn xác định lỗi của khách hàng, công ty bảo hiểm phải chứng minh
Công ty bảo hiểm từ chối bồi thường trong trường hợp khách hàng tử vong do tai nạn giao thông mà trong máu có nồng độ cồn là không hợp lý.
Vẫn trường hợp trên, công ty bảo hiểm cho rằng, việc từ chối bồi thường dựa vào các điều luật và quy tắc điều khoản sản phẩm bảo hiểm “công ty bảo hiểm sẽ không chi trả quyền lợi bảo hiểm nếu người được bảo hiểm có hành vi cố ý vi phạm pháp luật”.
Để chứng minh hành vi cố ý vi phạm pháp luật, công ty bảo hiểm đã căn cứ vào kết luận giám định: có thành phần Ethanol (cồn) nồng độ 139,184 mg/100 ml; người chết không có giấy phép lái xe… Đồng thời, công ty bảo hiểm viện dẫn Luật Phòng chống tác hại rượu bia, Luật Giao thông đường bộ.
Thế nhưng, vi phạm pháp luật là hành vi trái pháp luật và có lỗi, do chủ thể có năng lực trách nhiệm pháp lý thực hiện, xâm hại đến các quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ.
Vi phạm pháp luật phải là hành vi xác định của con người, tức là xử sự thực tế, cụ thể của cá nhân hoặc tổ chức nhất định, phải căn cứ vào hành vi thực tế của các chủ thể mới có thể xác định được là họ thực hiện pháp luật hay vi phạm pháp luật.
Năng lực trách nhiệm pháp lý của chủ thể là khả năng mà pháp luật quy định cho chủ thể phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình.
Vậy để xác định hành vi vi phạm pháp luật là cố ý thì buộc phải chứng minh lỗi.
Lỗi là trạng thái tâm lý hay thái độ của chủ thể đối với hành vi của mình và đối với hậu quả của hành vi đó gây ra cho xã hội được thể hiện dưới hai hình thức: cố ý hoặc vô ý.
Lỗi cố ý gồm 2 loại: cố ý trực tiếp và cố ý gián tiếp. Cố ý trực tiếp là lỗi của một chủ thể khi thực hiện hành vi trái pháp luật nhận thức rõ hành vi của mình là trái pháp luật, thấy trước được hậu quả của hành vi đó và mong muốn cho hậu quả đó xảy ra. Cố ý gián tiếp là lỗi của một chủ thể khi thực hiện một hành vi trái pháp luật nhận thức rõ hành vi của mình là trái pháp luật, thấy trước được hậu quả của hành vi đó, tuy không mong muốn song có ý thức để mặc cho hậu quả đó xảy ra.
Lỗi vô ý cũng gồm 2 loại: vô ý vì cẩu thả và vô ý vì quá tự tin. Vô ý vì cẩu thả là lỗi của một chủ thể đã gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng do cẩu thả nên không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả đó, mặc dù có thể thấy trước và phải thấy trước hậu quả này. Vô ý vì quá tự tin là lỗi của một chủ thể tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội song tin chắc rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được nên mới thực hiện và có thể gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội.
Để xác định lỗi, công ty bảo hiểm phải có nghĩa vụ chứng minh người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ khi trong máu có nồng độ cồn là hành vi vi phạm pháp luật do lỗi cố ý dẫn đến hậu quả chết người. Công ty không chứng minh, mà quy chụp về hành vi là không phù hợp theo quy định của pháp luật.
Nhà bảo hiểm cần phân biệt rõ việc cố ý lái xe khi đã uống rượu bia với cố ý vi phạm pháp luật để tự gây ra cái chết cho bản thân, đưa ra bằng chứng chứng minh người được bảo hiểm cố ý vi phạm pháp luật giao thông và cố ý tự gây ra cái chết cho chính mình, chứ không nên nhầm lẫn, áp đặt, để sau đó đưa ra các quyết định chi trả bồi thường không thỏa đáng, gây thiệt thòi cho khách hàng.
Khi công ty bảo hiểm đưa điều khoản loại trừ “bên mua bảo hiểm hoặc người được bảo hiểm có hành vi cố ý vi phạm pháp luật” vào hợp đồng, thì các khách hàng rơi vào trường hợp rủi ro tương tự trường hợp trên nhiều khả năng sẽ bị công ty bảo hiểm từ chối bồi thường.
Tất nhiên, không phải công ty bảo hiểm nào cũng áp dụng giống nhau. Có trường hợp, cùng một sự kiện bảo hiểm, người được bảo hiểm được chi trả quyền lợi bởi công ty bảo hiểm A, nhưng lại bị từ chối chi trả bởi công ty bảo hiểm B.