Tín dụng tăng nhưng lãi suất sẽ giảm tiếp trong quý II

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhu cầu vốn đang có dấu hiệu tăng trở lại nhưng với thanh khoản dồi dào, lãi suất huy động và cho vay dự kiến sẽ vẫn tiếp tục xu hướng giảm.
Các ngân hàng đã có đợt giảm tiếp lãi suất huy động trong tháng 7. Các ngân hàng đã có đợt giảm tiếp lãi suất huy động trong tháng 7.

Quý II, NHNN bơm gần 150.000 tỷ đồng vào hệ thống

Ðầu tháng 7, một số ngân hàng có vốn nhà nước đã hạ lãi suất huy động và đồng thời với đó là mức điều chỉnh ở nhóm ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần với mức giảm phổ biến 20-30 điểm phần trăm.

Thậm chí, một số ngân hàng còn cắt giảm giảm trên dưới 50 điểm phần trăm. Nguyên nhân chính của động thái cắt giảm này được các lãnh đạo ngân hàng chia sẻ với Ðầu tư Chứng khoán là do: “Huy động đang rất tốt cho dù không có các chương trình ưu đãi, quà tặng đi kèm như mọi khi, trong khi đó, tốc độ cho vay ra khá ì ạch”.

Tín dụng tăng nhưng lãi suất sẽ giảm tiếp trong quý II ảnh 1

Vốn đầu ra bị tắc nghẽn do tín dụng trong 6 tháng đầu năm tăng trưởng thấp bởi tác động của dịch Covid-19, khiến tăng trưởng tín dụng đến 29/6 chỉ là 3,26% so với cuối 2019 (giảm một nửa so với cùng kỳ), chênh lệch giữa huy động vốn và tín dụng (đồng Việt Nam, không kể ngoại tệ) có xu hướng mở rộng mạnh khoảng hơn 120.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, dữ liệu đáng chú ý là tháng 6, tốc độ tăng trưởng tín dụng đã phục hồi trở lại ở mức "bình thường", tăng 1,28% so với tháng 5.

Tốc độ tăng này tất nhiên mới chỉ là sự ghi nhận ban đầu cho cầu vốn đang phục hồi, nhưng chưa thể giải quyết câu chuyện thanh khoản dư thừa, giá vốn liên tiếp hạ.

Chính sách nới lỏng tiền tệ để tạo nguồn vốn giá rẻ đang thể hiện rõ kết quả, không chỉ hạ lãi suất điều hành, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bơm ra hệ thống khoảng 150.000 tỷ đồng thông qua việc mua về tín phiếu đến hạn.

Dư thừa thanh khoản còn thể hiện rõ trên thị trường liên ngân hàng, nơi các ngân hàng vay mượn vốn lẫn nhau khi lãi suất trên thị trường này trong tháng 6 đã giảm tiệm cận về 0%/năm, mức lãi suất thấp rất hiếm khi xuất hiện.

Tiền thừa cũng là động lực cho kênh trái phiếu chính phủ, giúp lượng phát hành trái phiếu chính phủ của Kho bạc Nhà nước trong tháng 6 lớn nhất trong 1 năm gần đây.

Các ngân hàng dư tiền tham gia mua trái phiếu khiến khối lượng đặt thầu trong tháng 6 luôn duy trì ở mức gấp 3 lần so với khối lượng gọi thầu.

Khảo sát của Ðầu tư Chứng khoán cho thấy, mặt bằng lãi suất các kỳ hạn ngắn qua đêm dưới 1 tuần đã giảm sâu khoảng 250 - 270 điểm về quanh mức 0,1 - 0,3%/năm trong khi lãi suất các kỳ hạn 1 - 3 tháng giảm khoảng 150 - 250 điểm về quanh mức 0,6-2,1%/năm.

Tính chung trong cả quý II, lãi suất bình quân kỳ hạn 1 tuần ở mức 1,38%/năm, giảm khoảng 1,1% so với mức bình quân của quý I và thấp hơn khoảng 2,2% so với cùng kỳ năm 2019.

“Nguồn cung được cải thiện mạnh giúp cho các ngân hàng cắt giảm chi phí vốn để hỗ trợ doanh thu, đồng thời cũng bảo vệ biên lãi thuần (NIM) khỏi sự suy giảm mạnh khi lãi suất cho vay bị áp lực giảm để hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19”, ông Hoàng Văn Hoàn, Phó tổng giám đốc SCB nhận định.

Lãnh đạo các ngân hàng tiếp tục dự báo thanh khoản thị trường VND liên ngân hàng trong quý III sẽ duy trì ổn định. Thậm chí, mặt bằng lãi suất VND bình quân dự báo có xu hướng duy trì ở mức thấp, với mức bình quân khoảng 0,3 - 0,5%/năm với kỳ hạn 1 tuần và khoảng 1,8 - 2,0% đối với kỳ hạn 3 tháng.

Kịch bản lãi suất sẽ ổn định và giảm nhẹ

Theo các chuyên gia kinh tế, điểm quan trọng nhất là chính sách điều hành của NHNN được dự báo tiếp tục theo xu hướng nới lỏng là chủ đạo.

Số liệu kinh tế vĩ mô của Tổng cục Thống kê vừa qua cho thấy, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt mức 1,81%, mức thấp nhất cùng kỳ trong 10 năm trở lại đây.

Bài toán phấn đấu đạt tăng trưởng cả năm trên 5% của Chính phủ đang trở nên thách thức hơn bao giờ hết khi dịch bệnh Covid-19 mặc dù được kiểm soát tại Việt Nam song vẫn hết sức phức tạp trên toàn cầu.

Ðồng quan điểm lãi suất huy động trong thời gian tới có hạ tiếp hay không sẽ phụ thuộc chính yếu vào chính sách điều hành của NHNN, Tổng giám đốc một NHTM cổ phần bổ sung thêm hai yếu tố, tốc độ tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng cuối năm và lộ trình siết tỷ lệ huy động ngắn cho vay trung và dài hạn có hiệu lực vào tháng 10/2020.

“Tăng trưởng tín dụng có thể sẽ hồi phục trong 6 tháng cuối năm và lộ trình siết tỷ lệ huy động ngắn hạn cho vay trung và dài hạn có hiệu lực vào tháng 10/2020 có thể sẽ đẩy mạnh mức độ cạnh tranh về tiền gửi và làm đảo chiều xu hướng lãi suất tiền gửi đang giảm, do đó, lãi suất huy động có thể tăng nhẹ. Tuy nhiên, mức điều chỉnh sẽ chỉ tăng nhẹ khoảng 30 - 50 điểm phần trăm do khả năng NHNN sẽ hạ lãi suất điều hành thêm một lần nữa vẫn đang bỏ ngỏ”, vị Tổng giám đốc nhận định.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế dự báo: “Trong 6 tháng cuối năm, lãi suất tiếp tục ổn định hoặc có thể giảm nhẹ 25 điểm phần trăm nhờ NHNN tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm duy trì thanh khoản cho hệ thống, mặc dù, dư địa tiếp tục giảm lãi suất vẫn còn song không nhiều trong bối cảnh lạm phát vẫn duy trì ở mức cao và áp lực thâm hụt ngân sách gia tăng. Bên cạnh đó, nhu cầu tín dụng dù có khả năng phục hồi, song mức tăng trưởng tín dụng cả năm sẽ không quá lớn với dự kiến 9 - 10% và tỷ giá duy trì xu hướng ổn định”.

Theo một nghiên cứu của Ban Kinh doanh vốn và tiền tệ BIDV thì “trong bối cảnh áp lực lạm phát đang dần được kiểm soát cũng như thị trường tài chính diễn ra ổn định, NHNN đang có điều kiện thuận lợi để duy trì chính sách nới lỏng nhằm mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế phục hồi sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát. 

Dù vậy, chúng tôi cho rằng NHNN có thể chưa điều chỉnh thêm lãi suất điều hành trong quý III/2020. Bên cạnh đó, chênh lệch huy động vốn-tín dụng VND dự kiến mở rộng mạnh khi hoạt động tín dụng vẫn khá khó khăn và thường cũng chưa được đẩy mạnh trong giai đoạn quý III”.

Kết quả của cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý III/2020 của Vụ Dự báo Thống kê tiền tệ (NHNN) cho biết, hệ thống tổ chức tín dụng đánh giá mặt bằng lãi suất huy động - cho vay tiếp tục giảm trong quý III và cả năm 2020 (có 47 - 68% tổ chức kỳ vọng). Trong đó, các nhóm ngân hàng chiếm thị phần lớn trên thị trường đều kỳ vọng lãi suất giảm. Thanh khoản của hệ thống ngân hàng tại thời điểm cuối quý II/2020 được đánh giá ở trạng thái “tốt” đối với cả VND và ngoại tệ. Dự báo trong quý III/2020 và cả năm 2020, 38-58% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình thanh khoản của hệ thống ngân hàng tiếp tục cải thiện đối với cả VND và ngoại tệ.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục