Nên giảm mục tiêu tăng trưởng tín dụng xuống dưới mức 10%

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đó là đề xuất của PGS-TS. Nguyễn Đức Thành, chuyên gia kinh tế, khi cầu vốn của doanh nghiệp khó tăng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 như hiện nay.  
6 tháng đầu năm 2020, tín dụng mới tăng trưởng 3,26% - mức rất thấp trong nhiều năm trở lại đây. 6 tháng đầu năm 2020, tín dụng mới tăng trưởng 3,26% - mức rất thấp trong nhiều năm trở lại đây.

Ông dự báo thế nào về tăng trưởng kinh tế (GDP) của Việt Nam trong năm nay? Nếu có làn sóng Covid-19 thứ hai vào Việt Nam, GDP 2020 sẽ ra sao?

PGS-TS. Nguyễn Đức Thành.

Ðầu năm, Chính phủ đặt mục tiêu GDP 2020 đạt khoảng 6-7%, nhưng do tác động của đại dịch Covid-19 nên khả năng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm nay sẽ giảm mạnh, đạt khoảng 3,5-4%.

Nếu sự hồi phục kinh tế không khả quan như dự báo, GDP 200 sẽ chỉ có thể tăng khoảng hơn 2%. Giả sử với tình huống xấu nhất xảy ra là có làn sóng Covid-19 thứ hai và chúng ta phải giãn cách xã hội như đã diễn ra trong những đầu năm 2020, thì tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ thấp hơn 2%.

Có thể thấy, trong bất kỳ tình huống nào thì đây cũng là mức thấp đối với Việt Nam trong nhiều năm qua.

Ðộng lực tăng trưởng kinh tế hiện nay chủ yếu đến từ sức cầu nội địa, trong khi các yếu tố hỗ trợ bên ngoài là rất hạn chế, nên khó tăng trưởng cao. Tất nhiên, Việt Nam có cơ sở để lạc quan vì đã kiểm soát tốt được dịch bệnh, trong khi nhiều quốc gia trên thế giới vẫn đang phải vật lộn với đại dịch.

Vì sao ông đưa ra ý kiến nên giảm mục tiêu tín dụng xuống 10% năm nay?

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tín dụng toàn ngành ngân hàng 6 tháng đầu năm 2020 chỉ tăng trưởng 3,26% - là mức rất thấp trong nhiều năm trở lại đây. Nhu cầu của nền kinh tế hiện giảm mạnh, chủ yếu do đầu ra của sản phẩm, hàng hóa không có nên doanh nghiệp không có nhu cầu về vốn.

Trong bối cảnh đó, nếu vẫn giữ mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% như đã đặt ra hồi đầu năm thì sẽ vượt quá khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, tác động tới lạm phát, tạo ra bất ổn kinh tế vĩ mô.

Nhìn vào tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm nay, chúng ta có thể thấy được điều đó và với tình hình kinh tế hiện nay cũng như cả năm 2020, tôi cho rằng, cần điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng xuống dưới mức 10% để phù hợp với sức hấp thụ vốn của nền kinh tế, cũng như tốc độ tăng trưởng và lạm phát đang có xu hướng tăng dần từ nay đến cuối năm.

Theo như phân tích ở trên, nhu cầu vốn của doanh nghiệp sẽ khó tăng từ nay đến cuối năm?

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, cầu vốn của doanh nghiệp từ nay đến cuối năm sẽ khó tăng so với mọi năm, thậm chí nhiều doanh nghiệp đang đối mặt với khả năng phải dừng hoạt động hoàn toàn. Theo tôi, đây là hiện tượng bình thường trong bối cảnh kinh tế khó khăn vì dịch bệnh.

Vì thế, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng sẽ giảm xuống và trên thực tế tín dụng đã giảm mạnh khi tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế nửa đầu năm nay chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm trước và ở mức thấp so với những năm trước đó.

Ðó là thực tế mà chúng ta phải chấp nhận để có chính sách điều hành phù hợp hơn, thay vì cố gắng “bơm” vốn ra nền kinh tế, kể cả vốn giá rẻ cũng chưa chắc đã đưa được vào sản xuất, kinh doanh. Bởi để sản xuất thì doanh nghiệp không chỉ cần vốn, mà còn phải có thị trường. Nếu những vấn đề này không sớm được giải quyết thì sẽ gây nhiều bất ổn về kinh tế vĩ mô sau này.

Theo ông, tín dụng chậm lại có kéo theo nợ xấu gia tăng?

Tôi nghĩ rằng, trong điều kiện hiện nay, nợ xấu sẽ có xu hướng tăng. Cả ngân hàng và doanh nghiệp đều gặp bất lợi trước tác động của dịch bệnh. Như đã nói ở trên, đây là điều bình thường trong thời kỳ nền kinh tế đi vào khủng hoảng.

Nhưng không vì thế mà nóng vội, bởi nếu cố phục hồi nền kinh tế nhanh chóng bằng cách đẩy mạnh bơm vốn giá rẻ vào nền kinh tế và dễ dãi trong việc kiểm soát cho vay thì chắc chắn sẽ kéo theo nợ xấu tăng.

Tất nhiên, trong hoạt động tín dụng, để có thể tăng trưởng thì sẽ khó tránh việc nợ xấu tăng, nhất là khi các ngân hàng còn phải hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch. Song, điều quan trọng là phải cân đối và kiểm soát nợ xấu không tăng quá cao, để khi nền kinh tế hồi phục trở lại, chúng ta có thể giải quyết được bài toán này, thay vì trở thành gánh nặng sau này.

Ông nhận định thế nào về sức khỏe doanh nghiệp và sức hấp thụ vốn trong nửa cuối năm, liệu có cải thiện nhiều so với nửa đầu năm?

Theo tôi, có 2 hướng vận động trong bối cảnh hiện nay. Thứ nhất, kinh tế của Việt Nam đang có sự hồi phục, vì nửa đầu năm nay được xem là “đáy” của nền kinh tế do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Do vậy, những doanh nghiệp từ trước đến nay sử dụng chủ yếu nguồn khách hàng trong nước sẽ có khả năng phục hồi tốt hơn.

Ở chiều ngược lại, cũng là hướng vận động thứ hai, những doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào thị trường quốc tế cũng như nguồn cung ứng từ chuỗi sản xuất từ nước ngoài sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn.

Bởi tình hình kinh tế của các nước trên thế giới hồi phục chậm hơn do dịch bệnh còn hoành hành, nên trong những tháng cuối năm, doanh nghiệp sẽ chịu tác động mạnh hơn do phải tăng cắt giảm chi phí, thu hẹp sản xuất, kinh doanh...

Có ý kiến cho rằng, Chính phủ cần có gói hỗ trợ thứ hai để tiếp tục hỗ trợ cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

Trước tác động của đại dịch Covid-19, việc Chính phủ đưa ra các gói hỗ trợ là quan trọng và cần thiết. Song, như đã phân tích ở trên, vấn đề ở đây là sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp.

Nếu doanh nghiệp không tiêu thụ được sản phẩm, dịch vụ thì cũng không có nhu cầu về vốn sản xuất. Vì thế, cần có một cơ chế cho doanh nghiệp bảo toàn năng lực sản xuất của họ, kể cả với những doanh nghiệp thua lỗ cũng cần sự hỗ trợ nhiều hơn.

Ðồng thời, Nhà nước cũng cần thúc đẩy cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí, giãn thuế... để tăng hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục