Mục tiêu tín dụng 14% đang bị đe dọa
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, trong 2 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống chỉ đạt 0,06%, giảm mạnh so với mức tăng (1%) của cùng kỳ năm trước, dù các ngân hàng tung ra nhiều gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp.
Ðây là điều bất thường khi vài năm trở lại đây, tín dụng thường tăng ngay từ những tháng đầu năm, cho dù có sự ảnh hưởng bởi kỳ nghỉ Tết.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế nhận định, dịch Covid-19 khiến nhu cầu tín dụng của các doanh nghiệp, hộ gia đình thấp hơn, đặc biệt là trong quý I và quý II.
Tăng trưởng sản xuất công nghiệp hai tháng đầu năm thấp hơn rất nhiều so với mức tăng 9,2% của cùng kỳ 2019, cho thấy hoạt động sản xuất công nghiệp đã yếu đi đáng kể do tác động của đại dịch.
Do các doanh nghiệp nội địa đối diện với sự thiếu hụt nguyên liệu từ Trung Quốc và hoạt động sản xuất trong nước tiếp tục suy giảm trong tháng và có thể kéo dài cho đến khi Trung Quốc trở về công suất sản xuất bình thường.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 2/2020 ước tính đạt 414.100 tỷ đồng, giảm 7,9% so với tháng trước.
Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 325.200 tỷ đồng, dù tăng 8,2% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng vẫn bị sụt giảm 6,7% so với tháng trước đó.
“Do người tiêu dùng hạn chế đến những nơi đông người cùng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ và dự báo các tháng tiếp theo sẽ tiếp tục giảm do dịch bệnh bùng phát mạnh”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định.
Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tháng 2/2020 giảm mạnh 21,8% so với cùng kỳ, trong đó, khách từ Trung Quốc giảm đến 62,4% so với cùng kỳ.
Ðáng lưu ý, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống chỉ đạt 44.200 tỷ đồng, giảm 13% so tháng trước và giảm 3,9% so với cùng kỳ 2019; doanh thu du lịch lữ hành đạt 3.300 tỷ đồng, giảm 21% so tháng trước và giảm 6% so với cùng kỳ năm 2019; doanh thu dịch vụ khác đạt 41.400 tỷ đồng, giảm 10,2% so với tháng trước đó...
Tình hình được dự báo sẽ tiếp tục xấu đi với các quy định hạn chế đi lại từ các vùng có dịch được gia tăng trong tháng 3 khi dịch Covid-19 lây lan mạnh trên toàn cầu. Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, lượng khách quốc tế đến Việt Nam sẽ giảm 50 - 60% trong quý I/2020.
Một điểm đáng chú ý là khu vực Ðồng bằng sông Cửu Long, khu vực kinh tế trọng điểm của cả nước, không chỉ chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, mà đang phải chống chọi với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng gay gắt, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân.
Thông tin từ NHNN, dư nợ cho vay đến cuối năm 2019 của khu vực này đạt 665.876 tỷ đồng, tăng 15% so với cuối năm 2018 (cao hơn tốc độ tăng trưởng toàn quốc 13,7%), trong đó cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 365.195 tỷ đồng, tăng 22% (nông nghiệp, nông thôn toàn quốc tăng 14,32%), chiếm tỷ trọng gần 55% dư nợ tín dụng toàn khu vực. Cho vay các mặt hàng nông sản thế mạnh của khu vực cũng có mức tăng trưởng tốt: thủy sản tăng 11,8%, lúa gạo tăng 7,5%, rau quả tăng 15,9%.
Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm 2020, dư nợ tín dụng toàn vùng giảm 0,27% so với cuối năm 2019; dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cũng giảm 0,56%.
NHNN vẫn chưa điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng
Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất bao bì, chuyên sản xuất túi đựng gạo cho biết, thông thường, những tháng đầu năm, doanh thu tăng 50% so với cùng kỳ, nhưng những tháng đầu năm nay không những không tăng mà còn giảm 50% doanh thu.
“Tôi có biết đến gói hỗ trợ của Nhà nước và ưu đãi về lãi suất, miễn giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng… của hệ thống ngân hàng dành cho doanh nghiệp giai đoạn khó khăn này, nhưng không bán được hàng thì doanh nghiệp buộc phải tạm dừng sản xuất”, vị Giám đốc nói.
Có một thực tế, ngân hàng phải cân nhắc kỹ việc cho vay mới đối với những doanh nghiệp đang gặp khó khăn về sản xuất - kinh doanh để tránh rủi ro nợ xấu.
Nhưng, chính doanh nghiệp trong bối cảnh sản xuất - kinh doanh đang gặp nhiều khó khăn cũng không dám vay tiền ngân hàng để tiếp tục sản xuất.
Thực tế này đang đe dọa mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% trong năm nay của ngành. Tuy nhiên, Phó Thống đốc NHNN Ðào Minh Tú khẳng định: “Dù tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng Chính phủ vẫn chưa điều chỉnh các mục tiêu kinh tế vĩ mô nên NHNN chưa đề cập đến vấn đề điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng và nỗ lực bảo đảm nhằm duy trì hỗ trợ tăng trưởng kinh tế”.
Trao đổi với Báo Ðầu tư Chứng khoán, các lãnh đạo ngân hàng thương mại cũng thừa nhận, hệ thống ngân hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp bởi dịch Covid-19.
Tuy nhiên, điều khó dự đoán nhất là khi nào dịch bệnh sẽ chấm dứt.
Nếu kịch bản dịch bệnh sẽ kiểm soát được trong quý II/2020, mọi hoạt động trở lại như trước thì khả năng khôi phục sản xuất - kinh doanh, thậm chí còn mạnh hơn cả trước khi có dịch, điều này sẽ kéo theo cầu tín dụng tăng.
Các chuyên gia phân tích nhận định, trong giai đoạn 2008 - 2013, dòng vốn giá rẻ đã chảy mạnh vào các thị trường mới nổi và cận biên trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đẩy mạnh chương trình nới lỏng định lượng (QE) để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Bối cảnh hiện tại có nhiều khác biệt so với giai đoạn trước, song các chuyên gia cho rằng, sau khi thị trường tài chính quốc tế ổn định trở lại, dòng vốn giá rẻ sẽ hướng đến các quốc gia có triển vọng tăng trưởng tích cực.
Ðặc biệt, dòng vốn giá rẻ sẽ lựa chọn các quốc gia đã chứng minh được sự hiệu quả trong phòng chống dịch Covid-19 cũng như có năng lực khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh với tốc độ nhanh nhất sau khi dịch Covid-19 suy yếu.
Với những gì Việt Nam đã làm được trong cuộc chiến chống dịch bệnh, các chuyên gia phân tích kỳ vọng, Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến của dòng vốn ngoại và hoàn toàn có khả năng tăng trưởng sản xuất một cách nhanh nhất sau khi dịch Covid-19 qua đi.