Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần có trụ sở tại Hà Nội cho biết, ngay sau Tết, lượng tiền người dân gửi vào ngân hàng khá lớn, gấp rưỡi so với ngày thường.
Trong khi đó, tiền gửi của các doanh nghiệp vẫn nằm trong ngân hàng, hầu như các doanh nghiệp chưa cho thấy động thái quay trở lại hoạt động sản xuất - kinh doanh.
“Hiện chưa thể đánh giá ngay được tác động của dịch Covid-19 (mới được Tổ chức Y tế thế giới - WHO đổi tên thành SARS-CoV-2) sẽ ảnh hưởng thế nào tới mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2020 của ngân hàng, nhưng khó khăn là câu chuyện chắc chắn nhìn thấy rõ”, vị lãnh đạo này nói.
Còn tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần cổ phần trong TP.HCM phân tích, nhìn vào thị trường bất động sản, mặc dù được nhận định sẽ bùng nổ trong năm 2020 tại phân khúc bán lẻ, nhưng đã vấp phải “cú sốc” Covid-19 ngay từ đầu năm khiến thị trường này chững lại.
Thị trường chứng khoán cũng diễn biến tiêu cực trước thông tin về sự lây lan nhanh của virus Covid-19. Kết thúc phiên giao dịch ngày 24/2, chỉ số VN-Index giảm tới gần 30 điểm (-3,29%) về gần vùng 900 điểm.
Trên thị trường vàng, giá vàng thế giới biến động rất mạnh ngay khi mở cửa phiên đầu tuần khi đột ngột lao dốc từ mức 1.650 USD/ounce xuống 1.384,1 USD/ounce, trước khi bật tăng mạnh trở lại mức 1.677 USD/oune vào cuối ngày.
Cùng thời điểm, giá vàng SJC của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) tại Hà Nội cũng tăng vọt với giá mua vào là 46,52 triệu đồng/lượng (tăng 900.000 đồng/lượng so với cuối tuần qua) và bán ra 47,02 triệu đồng/lượng (tăng 950.000 đồng/lượng).
“Có lẽ lo ngại trước những diễn biến bất thường của dịch cúm Covid-19 trên toàn cầu nên người dân tăng tích trữ vàng khiến giá vàng ‘giật cục’.
Chúng tôi sẽ theo dõi thêm tình hình thế giới, trong nước rồi tính toán, cân nhắc điều chỉnh lại mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong kỳ họp Đại hội đồng cổ đông sắp tới”, vị tổng giám đốc nói.
Khối nghiên cứu toàn cầu của Standard Chartered vừa công bố báo cáo đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến các nền kinh tế châu Á, trong đó hạ dự báo tăng trưởng năm 2020 của Việt Nam ở mức 6,6%, thay vì mức 7% trước đó.
“Dịch Covid-19 sẽ tác động lớn nhất đến ngành sản xuất - động lực tăng trưởng mạnh nhất của Việt Nam những năm gần đây”, báo cáo nhận định.
Theo Standard Chartered, trong 5 năm qua, khu vực sản xuất của Việt Nam thường duy trì được mức tăng trưởng 2 con số, qua đó đóng góp gần 1/3 vào tăng trưởng kinh tế chung.
Tuy nhiên, dự báo tăng trưởng ngành sản xuất sẽ giảm xuống còn 8,8% trong năm 2020, từ mức 11,3% năm 2019, dẫn đến tăng trưởng GDP giảm khoảng 0,4-0,6%.
Riêng hoạt động tín dụng, Standard Chartered dự báo, tốc độ tăng trưởng tín dụng của Việt Nam dự kiến chậm lại đáng kể trong quý I, ở mức 4,5%, nhưng sẽ hồi phục trở lại từ quý II, ước đạt 6,5% và tiếp tục tăng lên 7,2% trong 2 quý cuối năm.
“Theo đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khả năng sẽ giữ nguyên các chính sách lãi suất trong năm 2020, sau khi đã có các động thái giảm vào nửa cuối năm 2019”, chuyên gia Standard Chartered nhận định.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, hiện tại, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống người dân.
Trong đó, các ngành, lĩnh vực chịu tác động nhanh và mạnh nhất là nông - lâm - thủy sản, đặc biệt là xuất khẩu nông sản.
Các ngành sản xuất công nghiệp có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn giữa Việt Nam - Trung Quốc như điện, điện tử, da giày, dệt may, thép, du lịch, dịch vụ lưu trú, giải trí - nghệ thuật, vận tải, các dự án BOT, BT giao thông… cũng sẽ bị đình trệ do hoạt động giao thương bị gián đoạn.
“Sự đình trệ sẽ ảnh hưởng đến doanh thu và dòng tiền trả nợ của khách hàng, từ đó tác động phần nào đến hoạt động tín dụng ngân hàng”, ông Hùng nhận định.
Tuy nhiên, ông Hùng cũng cho biết, NHNN vẫn chưa thay đổi mục tiêu tăng trưởng tín dụng. Về giải pháp trước mắt, NHNN tiếp tục bám sát diễn biến và tác động của dịch bệnh lên tăng trưởng, lạm phát để điều hành linh hoạt, thận trọng các công cụ chính sách tiền tệ, sẵn sàng điều chỉnh trạng thái chính sách tiền tệ nếu cần, hài hòa trong thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế trong giai đoạn dịch bệnh.
Ngày 24/2, NHNN ban hành văn bản số 1117/NHNN-TD về việc triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Theo đó, bên cạnh thực hiện cho vay mới đối với khách hàng theo quy định để ổn định sản xuất - kinh doanh, NHNN đề nghị các tổ chức tín dụng chủ động nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại, ảnh hưởng của khách hàng đang vay vốn do dịch Covid - 19 để thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng đối với các khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và có dư nợ gốc và/hoặc lãi đến kỳ hạn trả nợ trong khoảng thời gian từ 23/1 - 31/3/2020, cho đến khi NHNN ban hành Thông tư hướng dẫn về vấn đề này.
Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ được thực hiện trên cơ sở đề nghị của khách hàng và đánh giá của tổ chức tín dụng về mức độ thiệt hại, ảnh hưởng, khả năng tài chính và khả năng trả nợ của khách hàng sau khi được cơ cấu lại thời hạn trả nợ; tổ chức tín dụng có hướng dẫn triển khai nội dung này thống nhất trong toàn hệ thống, trong đó quy định cụ thể về tiêu chí xác định khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19; nội dung kiểm tra, kiểm soát, giám sát đối với các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ để thực hiện thống nhất trong toàn hệ thống.
Báo cáo NHNN (thông qua Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế) kết quả thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới theo quy định đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch vào các ngày 15/3 và 31/3/2020.