Sức hấp thụ vốn vẫn là bài toán khó cho tăng trưởng tín dụng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tiền tiết kiệm tiếp tục chảy vào ngân hàng trong khi vẫn khó cho vay khiến đà giảm lãi suất vẫn diễn ra một cách chậm rãi.
Tín dụng tăng chậm là nguyên nhân khiến lãi suất liên tục giảm. Tín dụng tăng chậm là nguyên nhân khiến lãi suất liên tục giảm.

Ngân hàng thừa vốn

Phó tổng giám đốc Sacombank Phan Đình Tuệ cho biết, lãi suất giảm, nhưng do nhu cầu vốn của khách hàng giảm vì sản xuất kinh doanh khó khăn hơn trước nên các ngân hàng đang phải cạnh tranh để tìm khách hàng cho vay.

Hiện thanh khoản Sacombank khá dồi dào và đang dưa thừa 30.000 tỷ đồng. Nếu đem tiền dư cho các ngân hàng khác vay trên thị trường liên ngân hàng thì lãi suất chỉ có 0,1%/năm, tức là rất thấp.

Giải pháp hiện tại là ngoài tìm khách hàng tốt để cho vay thì ngân hàng buộc phải tiếp tục giảm lãi tiết kiệm để tiết giảm chi phí huy động.

Đợt giảm lãi suất tiền gửi gần nhất của Sacombank là vào trung tuần tháng 6/2020, với mức giảm khoảng 0,5-0,6 điểm phần trăm mỗi kỳ hạn so với mức tiền gửi áp dụng trước đó.

Với nhóm ngân hàng lớn, gồm 4 nhà băng có sở hữu nhà nước chi phối thì tình hình còn khó khăn hơn.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết, Vietcombank là ngân hàng duy nhất trong 4 ngân hàng đạt được mức tăng trưởng tín dụng dương (trên 2%) và đến hết tháng 6 cũng mới đạt mức tăng 3,4%, khá xa so với mục tiêu cả năm 2020 là khoảng 10%.

Vietcombank là ngân hàng duy nhất trong 4 ngân hàng mà tổng dư nợ cho vay chưa đạt tới mức 1 triệu tỷ đồng/năm, nên cũng là ngân hàng duy nhất tăng được tín dụng, còn 3 ngân hàng còn lại là Vietinbank, BIDV và Agribank, mỗi điểm phần trăm tăng trưởng của các ngân hàng này đều là cả chục nghìn tỷ đồng cho vay tăng thêm.

Sức hấp thụ vốn chậm

Theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú, tính đến hết tháng 6/2020, tăng trưởng tín dụng của ngành chỉ ở mức 3,26%, bằng phân nửa so với cùng kỳ 2019. Riêng TP.HCM tín dụng chỉ tăng 2,5%, thấp hơn mức tăng trưởng toàn ngành, trong khi những năm trước đây, tín dụng khu vực này luôn tăng cao hơn toàn ngành.

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng đưa ra cho năm nay ở mức 14%, nhưng Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết, NHNN cũng sẽ xem xét để điều chỉnh tăng room tín dụng cho một số ngân hàng nếu cần thiết.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường hiện nay, cầu vốn của khách hàng giảm do ảnh hưởng bởi dịch bệnh thì tín dụng cũng khó tăng cao.

Bởi ngay sau khi các doanh nghiệp không có nguồn thu để trả nợ, dòng tiền không có, chứ không phải là các doanh nghiệp hoạt động yếu kém. Nhưng ở thời điểm đó, chỉ một số lĩnh vực (du lịch, vận tải) gặp khó khăn, còn hiện nay có thêm nhiều lĩnh vực khác.

Lãi suất của các ngân hàng đã cố gắng để kéo giảm xuống, đồng thời các nhà băng cũng đã nỗ lực trong việc cắt giảm chi phí, lương nhân viên để tập trung hỗ trợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch.

Trong bối cảnh hiện nay, các ngân hàng cũng phải cạnh tranh để tìm kiếm khách hàng tốt cho vay, đồng hành và trở thành người bạn thực sự đối với doanh nghiệp thì mới có thể tồn tại.

Theo Chủ tịch HĐQT Vietcombank, nếu so với mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm thì lãi suất cho vay của Ngân hàng đối với doanh nghiệp ngang ngửa lãi suất tiền gửi kỳ hạn dài.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên cầu vốn khách hàng khó tăng, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế giảm.

Vả lại, ngân hàng cũng khó hạ chuẩn cho vay, ngược lại còn kiểm soát chặt chất lượng tín dụng để hạn chế nợ xấu nên khó có thể đẩy nhanh tín dụng trong bối cảnh doanh nghiệp chịu ảnh hưởng dịch.

Theo PGS-TS. Nguyễn Đức Thành, nhu cầu của nền kinh tế hiện nay giảm mạnh là nguyên nhân khách quan, còn chủ quan la do đầu ra của sản phẩm, hàng hóa không có, nên doanh nghiệp không có nhu cầu về vốn.

Dù vậy, ông Thành cho rằng, “đó cũng là hiện tượng bình thường” trong bối cảnh kinh tế khó khăn vì dịch bệnh.

“Nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng về khả năng hấp thụ vốn sẽ giảm xuống và trên thực tế tín dụng đã giảm, khi tín dụng toàn nền kinh tế nửa đầu năm nay chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm trước và giảm nhiều so với những năm trước đó”, ông Thành nói và cho rằng, nếu như NHNN muốn duy mục tiêu tăng trưởng tín dụng như cũ (14%) sẽ vượt qua khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, đi vào trong lạm phát tăng.

“Nhìn vào tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm nay, chúng ta có thể thấy được điều đó và với tình hình kinh tế hiện nay cũng như cả năm 2020, có thể điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng xuống khoảng dưới 10% sẽ phù hợp hơn với nhu cầu thực của nền kinh tế cũng như tốc độ tăng trưởng và giá lạm phát đang có nguy cơ tăng lên từ nay đến cuối năm”.

Đồng thời, ông Thành nhận định, nợ xấu tăng là khó tránh do ảnh hưởng của dịch Covid-19, song đó cũng là do nguyên nhân khác quan. Vì thế, ngân hàng cần kiểm soát chặt chất lượng tín dụng để hạn chế nợ xấu tăng cao và khó xử lý sau khi dịch được kiểm soát.

Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Toàn quốc Khối Kinh doanh tiền tệ và thị trường vốn của HSBC Việt Nam cũng cho rằng, trước ảnh hưởng của dịch Covid-19 hiện nay, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế chậm lại.

Nguyên nhân do doanh nghiệp chưa có đầu ra nên những công ty lớn chưa mặn mà, cũng như không có nhu cầu vay vốn triển khai dự án mới. Ngược lại, với các doanh nghiệp nhỏ, do ảnh hưởng của dịch bệnh lên hoạt động sản xuất - kinh doanh, ngân hàng cũng cẩn trọng khi rót vốn vay.

Lãnh đạo cấp cao của ngành ngân hàng cho biết, do ảnh hưởng của Covid - 19, nhu cầu vốn của doanh nghiệp và người dân không lớn nên mức tăng trưởng tín dụng như hiện nay là phù hợp.

Theo khuyến cáo của NHNN, nguồn vốn đang dưa thừa, tín dụng khó tăng, nhưng không phải vì thế mà ngân hàng hạ chuẩn cho vay. Ngược lại, ngân hàng phải kiểm soát chặt hơn chất lượng tín dụng để kiểm soát rủi ro nợ xấu tăng trong thời dịch bệnh.

Thực tế, vốn dư thừa, tín dụng khó tăng, song theo lãnh đạo các nhà băng, việc giải ngân vốn mới cẩn trọng hơn để ngăn nợ xấu trong bối cảnh dịch bệnh. Ngân hàng tập trung tái cơ cấu, giãn nợ, tăng trích dự phòng rủi ro.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục