Ngân hàng cạn room tăng trưởng cho vay
Trao đổi với Báo Ðầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Ðức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng riêng lẻ đã đạt hơn 12%, trong khi hạn mức (room) của năm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao là 13%.
Ðáng chú ý, dư nợ tín dụng của Ngân hàng mẹ VPBank từ đầu năm đến nay đã chuyển hướng sang nhóm khách hàng ít chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.
“VPBank đã gần hết room tăng trưởng tín dụng và đang xin thêm”, ông Vinh nói.
Thông tin tại Ðại hội đồng cổ đông thường niên 2020 của TPBank cho biết, tính đến hết tháng 4/2020, dư nợ của Ngân hàng đạt 11% và theo hạn mức NHNN giao đầu năm, room tăng trưởng tín dụng chỉ còn 0,5%.
Lãnh đạo ngân hàng này mong muốn tăng trưởng tín dụng được phân bổ thêm đến 15%.
Ông Phạm Doãn Sơn, Tổng giám đốc LienVietPostBank chia sẻ, tính đến tháng 5, tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng đạt khoảng 5%, gần bằng một nửa định mức NHNN giao đầu năm (gần 11%).
“Ngân hàng luôn phải kiểm soát mức tăng trưởng tín dụng để không xảy ra chuyện chẳng may vi phạm quy định của NHNN”, ông Sơn nói và thông tin thêm, LienVietPostBank phải đợi tín hiệu của NHNN có nới room tín dụng trong năm nay hay không thì mới quyết định đẩy mạnh cho vay.
“Mặc dù thu nhập đến từ dịch vụ đã được cải thiện thời gian qua, nhưng 70-90% lợi nhuận của các ngân hàng vẫn đến từ hoạt động tín dụng, nên dễ hiểu việc các ngân hàng trông đợi được nới room tín dụng”, lãnh đạo cao cấp một ngân hàng cổ phần cho hay.
Trao đổi với Báo Ðầu tư Chứng khoán, tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần cho biết: “Ðây là thời điểm cần khôi phục hoạt động kinh doanh, nhưng room tín dụng không còn thì các ngân hàng không dám đẩy mạnh cho vay.
Giải pháp thường được đề cập là đòi nợ khách hàng cũ để cho vay mới, nhưng khách hàng cũ hiện còn đang không biết lấy đâu ra tiền để trả nợ thì làm sao đòi được nợ.
Và điểm đáng chú ý là giải ngân tín dụng của quý I đa phần liên quan đến việc kiểm soát room tăng trưởng năm 2019”.
Cũng theo vị lãnh đạo trên, việc nới room tín dụng thời điểm này là cần thiết trong bối cảnh nguồn tiền huy động khả quan do người dân không có kênh đầu tư nào hiệu quả, an toàn hơn bằng việc gửi tiền ngân hàng, cho dù lãi suất huy động trong xu hướng giảm. Không nới room tín dụng, doanh nghiệp “chết”, hệ thống ngân hàng “chết” và nền kinh tế “chết”.
“Hiện tại, xuất khẩu là rất khó, nhưng nhu cầu đầu tư, sản xuất hàng hóa trong nước vẫn cao, nên thực tế nhu cầu về tín dụng vẫn lớn”, vị tổng giám đốc nhận định.
Ðại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực lên mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, tác động đến tất cả các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất kinh doanh.
Ðối với hoạt động ngân hàng, tín dụng những tháng đầu năm có xu hướng tăng thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước.
Cụ thể, tháng 1 tăng 0,1%, tháng 2 tăng 0,07%, tháng 3 tăng 1,1%, tháng 4/2020 tăng 1,42% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ 2019 tăng 4,44%) và đến 20/5, dư nợ tín dụng tăng 1,32%.
Năm 2020, NHNN đưa ra mức cấp tín dụng cho các ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác ước tính khoảng 10,1%, thấp hơn mức 13% đặt ra hồi đầu năm do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Tuy vậy, một số ý kiến cho rằng không nên nới room tăng trưởng tín dụng do có thể khiến lạm phát quay trở lại và điều quan trọng, nếu nhìn vào số liệu tăng trưởng tín dụng và GDP qua các năm, không phải tín dụng tăng cao là tăng trưởng kinh tế cùng song hành.
Ðơn cử, năm 2016, tăng trưởng tín dụng đạt 18,25%, còn tăng trưởng kinh tế đạt 6,21%; năm 2017 tương ứng là 18,28% và 6,81%; năm 2018 là 13,89% và 7,08%; năm 2019 là 13,65% và 7,02%.
Về vấn đề này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nêu quan điểm: “Tôi ủng hộ nới room tín dụng và chấp nhận rủi ro lạm phát để đổi lấy việc duy trì sự tăng trưởng kinh tế, nhất là trong giai đoạn các nền kinh tế chịu rủi ro suy thoái như hiện nay, kể cả Việt Nam”.
Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hoạt động tín dụng
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, từ năm 2016 đến nay cơ cấu tín dụng có sự điều chỉnh khả quan, trong đó tín dụng tập trung chính vào lĩnh vực đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế như sản xuất - kinh doanh.
Cụ thể, giai đoạn 2016-2019, tín dụng đối với ngành công nghiệp bình quân tăng 9,17%/năm, chiếm trên 20% tổng dư nợ nền kinh tế; tín dụng ngành xây dựng bình quân tăng 12,76%/năm, chiếm 9,64%.
Tín dụng ngành thương mại - dịch vụ tăng trưởng ổn định, đạt mức trung bình khoảng 18,6%/năm, chiếm tỷ trọng 57-62,5%, trong đó ngành bán buôn - bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác có dư nợ cao nhất, chiếm 16,7-20,5% tổng dư nợ.
“Tạm tính đến cuối tháng 3/2020, tín dụng ngành công nghiệp tăng 2,11% so với cuối năm 2019, chiếm 19,19% tổng dư nợ; tín dụng ngành xây dựng tăng 2%, chiếm 9,84%; tín dụng đối với ngành bán buôn - bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy và xe có động cơ khác tăng 0,45%%, chiếm 20,31%”, Thống đốc thông tin.
Ðối với các lĩnh vực ưu tiên, Thống đốc cho biết, bình quân giai đoạn 2016-2019, tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn tăng 19,83%, chiếm khoảng 22% tổng dư nợ; doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 16,35%, chiếm 19%; lĩnh vực xuất khẩu tăng 7%, chiếm 3,2%; công nghiệp hỗ trợ tăng 19,57%, chiếm 2,81%; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 2,6%, chiếm 0,42%.
Tạm tính đến cuối tháng 3/2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, dư nợ các lĩnh vực ưu tiên không tăng cao như cùng kỳ năm 2019, khi tín dụng lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn tăng 0,86%, đạt tỷ trọng 24,8%; doanh nghiệp nhỏ và vừa giảm 1,2%, chiếm 19,2%; lĩnh vực xuất khẩu tăng 3,74%, chiếm 2,99%; công nghiệp hỗ trợ tăng 1,38%, chiếm 2,83%; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 5,42%, chiếm 0,39%.
Ðặc biệt, tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ. Dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản tăng cao hơn mức tăng trưởng dư nợ tín dụng chung, nhưng tập trung chủ yếu vào dư nợ phục vụ mục đích tự sử dụng.
Tỷ trọng dư nợ tín dụng đối với mục đích kinh doanh bất động sản trong tổng dư nợ lĩnh vực bất động sản ngày càng giảm (tại thời điểm 31/12/2017 là 45,63%, sang đến 31/12/2018 là 35,49% và đến 31/12/2019 là 32,95%).
“Ðến cuối tháng 3/2020, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản tăng 1,23% so với cuối năm 2019, chiếm 19,31% tổng dư nợ tín dụng. Trong đó, dư nợ tín dụng phục vụ nhu cầu về nhà ở chiếm tỷ trọng khoảng 62,43% dư nợ tín dụng bất động sản”, Thống đốc thông tin.
Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh chứng khoán qua các năm 2018 là 14,7%, năm 2019 là 6,79%.
Ðến cuối tháng 3/2020, lĩnh vực này giảm 0,92%, chiếm 0,36% tổng dư nợ. Tăng trưởng tín dụng phục vụ đời sống đã được kiểm soát qua các năm 2016 là 48%, năm 2017 là 36,07%, năm 2018 là 29,59% và năm 2019 là 19,49%. Ðến cuối tháng 3/2020, tín dụng lĩnh vực này tăng 0,26%, chiếm 20,44% tổng dư nợ.
“Bình quân giai đoạn 2016-2019, dư nợ lĩnh vực BOT, BT giao thông tăng 10,82%, chiếm 1,51% tổng dư nợ, tốc độ tăng - giảm mạnh qua các năm và tỷ trọng cũng có xu hướng giảm. Ðến cuối tháng 3/2020, dư nợ lĩnh vực này tăng 1,27%, chiếm tỷ trọng 1,35%”, Thống đốc cho biết.