Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét nới room tín dụng nếu cần thiết

(ĐTCK) Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết như vậy tại hội thảo "Lựa chọn chính sách phục hồi kinh tế Việt Nam" giai đoạn Covid-19 do Trường đại học Kinh tế - Luật (UEL) và Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng Đại học Quốc gia TP.HCM (VNUHCM-IBT) đồng tổ chức sáng ngày 20/5. 
Phó thống đốc Đào Minh Tú Phó thống đốc Đào Minh Tú

Theo ông Tú, chính sách điều hành tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước duy trì sự linh hoạt trong hơn hai nhiệm kỳ qua, phù hợp với diễn biến của nền kinh tế. Việc giảm lãi suất điều hành giúp các tổ chức tín dụng có điều kiện giảm lãi suất huy động và cho vay.

Từ cuối năm 2019 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần giảm lãi suất điều hành. Cụ thể, lần thứ nhất lãi suất điều hành giảm là trước Tết, vào cuối năm 2019, lần thứ 2 là vào tháng 2/2020 và lần thứ 3 là đầu tháng 5/2020. 

Cũng theo Phó thống đốc, mục tiêu tín dụng 2020 ngành ngân hàng đưa ra đầu năm nay ở mức 14%, nhưng ở thời điểm đó chưa xảy ra dịch Covid-19.

Trong bối cảnh hiện nay, khi Việt Nam đã kiểm soát được dịch bệnh, nguồn vốn tín dụng đưa ra nền kinh tế cũng phải kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp có nguồn lực cũng cố hoạt động, nên không loại trừ việc Ngân hàng Nhà nước nới thêm room tín dụng cho các ngân hàng khi xét thấy nhu cầu cần thiết. 

Tuy nhiên, ông Tú cho rằng, việc hỗ trợ lãi suất luôn đòi hỏi đi kèm với đảm bảo an toàn hoạt động tín dụng. Hay nói cách khác, vốn tín dụng phải đến tận tất cả các loại hình doanh nghiệp, nhưng phải đảm bảo an toàn hoạt động tín dụng, tránh nợ xấu gia tăng và ngành ngân hàng phải quay lại bài toán tái cơ cấu.

Bởi lần đầu tiên Việt Nam và toàn thế giới chứng kiến một tình trạng hết sức khó khăn, do ảnh hưởng bởi đại dịch, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ, tài chính vi mô, vì sức va đập của đại dịch càng mạnh hơn.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng không ít, nhất là với xuất, nhập khẩu đang bị ảnh hưởng bởi các thị trường thế giới đóng cửa vì dịch. Vì thế, cầu vốn của doanh nghiệp chưa thể tăng nhanh.

Tín dụng cả nước trong 4 tháng đầu năm nay chỉ tăng 1,2%, do nhu cầu vốn của khách hàng tăng chậm, nhất là vốn trung, dài hạn khó tăng.

Ngành ngân hàng sớm vào cuộc chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp khi ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN đẩy mạnh tái cơ cấu, giãn nợ và giảm lãi, giảm phí cho khách hàng, nhất là với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Trong bối cảnh hiện nay, ông Tú cho biết, ngành ngân hàng cũng phải hy sinh lợi nhuận để chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp, thậm chí với các ngân hàng phải giảm lợi nhuận dự kiến lên đến hàng nghìn tỷ đồng để giảm lãi suất cho vay. 

Không chỉ giảm lãi suất điều hành, ngành ngân hàng đã ra sức tái cơ cấu, giãn nợ cho khách hàng, nhất là với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Đến nay, ngành ngân hàng đã tái cơ cấu cho hơn 1 triệu tỷ đồng cho khách hàng bị ảnh hưởng dịch.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục