Đề nghị được cơ cấu nợ đối với khoản vay sau ngày 23/1
Chia sẻ tại hội nghị, nhiều đề xuất nhằm tháo gỡ khó khăn được các doanh nghiệp, ngân hàng đưa ra. Ông Trần Đăng Nam - Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội, đưa ra 5 kiến nghị:
Thứ nhất, đối với gói hỗ trợ ưu đãi lãi suất 300.000 tỷ đồng, các ngân hàng thương mại cần có bộ tiêu chí cụ thể để phân loại các nhóm doanh nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp của dịch bệnh theo các mức hỗ trợ tương ứng.
Thứ hai, NHNN chỉ đạo các ngân hàng có các biện pháp chủ động hướng dẫn các doanh nghiệp làm thủ tục hành chính nhanh gọn, đơn giản để giúp doanh nghiệp tiếp cận các gói hỗ trợ tín dụng của Nhà nước.
Thứ ba, hỗ trợ giảm 50% lãi suất cho các khoản vay đến kỳ trả lãi các tháng 4, 5, 6 năm 2020 (đề xuất này sẽ được Nhà nước hỗ trợ 25%, ngân hàng giảm 25%) nhằm kích thích nền kinh tế sau đỉnh của đại dịch.
Thứ tư, hỗ trợ doanh nghiệp 50% lãi vay (ngoại trừ Ngân hàng Chính sách xã hội) trong các tháng 4,5, 6 năm 2020 với mục đích trả lương cho người lao động (khống chế mức lãi vay không quá 7%/năm).
Thứ năm, tính từ thời điểm dịch Covid-19 diễn ra, nếu doanh nghiệp vi phạm thời gian trả nợ thì không bị tính vào “uy tín tín dụng” của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Giang Yên, Chủ tịch HĐQT CTCP Nông sản Agrexim cho biết, Thông tư 01 quy định về điều kiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, trong đó có yêu cầu về phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi sau ngày 23/1 đến ngày liền kề sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch, nhưng công văn số 3339/NHNN-TTGSNH ban hành ngày 8/5/2020 có đoạn: “Các khoản vay nêu trên không thuộc đối tượng cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01”.
“Là doanh nghiệp kinh doanh nông sản, bán lẻ xăng dầu, vòng quay vốn của Agrexim chỉ trong 3-4 tháng. Thông tư 01 ra đời ngày 12/3, nhưng trong khoảng từ 23/1 đến 13/3, ngân hàng vẫn cấp tín dụng bình thường. Nếu khoản này không được cơ cấu thì doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn. Do đó, đề nghị NHNN và các tổ chức tín dụng (TCTD) xem xét cho phép cơ cấu lại phần phát sinh sau ngày 23/1 đến thời điểm Thông tư 01 có hiệu lực”, ông Yên nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Hùng, đại diện Hiệp hội Taxi Hà Nội và Tập đoàn Mai Linh nhấn mạnh: “Dưới góc độ doanh nghiệp, chúng tôi nhận thấy toàn hệ thống ngân hàng đã vào cuộc rất quyết liệt và kịp thời trong hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch Covid-19. Tuy nhiên, còn một số vướng mắc như Thông tư 01 chốt thời gian các khoản vay trước ngày 23/1/2020 là chưa hợp lý”.
Về phía ngân hàng, ông Hồ Văn Tuấn, Giám đốc Sở Giao dịch Vietcombank cho biết, việc triển khai các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch bệnh vẫn đang gặp một số khó khăn, vướng mắc về chính sách như tiêu chí để xác định doanh nghiệp được cơ cấu nợ là doanh nghiệp có doanh thu, thu nhập bị sụt giảm căn cứ trên sổ kế toán là chưa hoàn toàn hợp lý, bởi tại một số doanh nghiệp, mặc dù doanh thu, thu nhập quý I chưa sụt giảm, nhưng dòng tiền trả nợ không có.
“Đề nghị NHNN bổ sung thêm việc đánh giá dòng tiền khó khăn, suy giảm cũng được cơ cấu nợ theo Thông tư 01. Bên cạnh đó, đề nghị NHNN cho phép được cơ cấu nợ đối với các khoản vay sau ngày 23/1 nhưng đến hạn trong thời gian bị ảnh hưởng bởi Covid-19”, ông Tuấn nói.
Ông Nguyễn Đình Vinh, Phó tổng giám đốc VietinBank chia sẻ, ngân hàng là một loại hình doanh nghiệp đặc biệt nên cần phải huy động các nguồn vốn, trong bối cảnh này rất khó khăn huy động nguồn vốn giá rẻ.
Cùng với đó là phải tiết giảm chi phí để cung cấp cho thị trường, doanh nghiệp, người dân những khoản vay ưu đãi nhất.
Cũng như các chương trình hỗ trợ tại các ngân hàng đã ban hành những tháng vừa qua, lãi suất tại thời điểm này đã giảm từ 2-2,5%/năm so với trước đây.
Tuy nhiên, vì ngân hàng cũng phải đảm bảo an toàn nguồn vốn vay của mình, nên tinh thần là các khoản vay vẫn phải trả, đảm bảo khả năng trả nợ cả gốc và lãi.
Do đó, việc không hạ chuẩn tín dụng cũng là tinh thần xuyên suốt trong quá trình cho vay doanh nghiệp.
“Hiện nay, nguồn vốn cung cấp cho thị trường của VietinBank nói riêng và các ngân hàng thương mại nói chung chủ yếu từ nguồn vốn huy động trên thị trường. Do đó, các ngân hàng sẽ cố gắng tiết giảm chi phí và huy động các nguồn vốn giá rẻ, qua đó mới có điều kiện tốt hơn nữa để cung cấp cho thị trường các khoản vay có lãi suất thấp hơn”, ông Vinh nói.
NHNN tiếp tục sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách
Trước những kiến nghị, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc NHNN cho biết, có những cơ chế được xây dựng ngay từ những ngày đầu khi có dịch Covid-19, nên NHNN sẵn sàng tiếp thu các ý kiến đóng góp sau quá trình vận hành trong thực tiễn, có thể tiếp tục sửa đổi, bổ sung hoặc trình cấp có thẩm quyền các cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho các TCTD hoạt động phù hợp với điều kiện thực tế, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Đối với các TCTD, Phó thống đốc chỉ đạo quyết liệt triển khai có kết quả, hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng theo chỉ đạo của Thống đốc tại Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 3/1/2020, Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 12/3/2020, Chỉ thị 02/CT-NHNN ngày 31/3/2020 theo hướng chia sẻ tối đa khó khăn với người dân, doanh nghiệp trước, trong và sau khi dịch kết thúc.
Bên cạnh đó, chủ động cân đối vốn để đầu tư các dự án hiệu quả, có khả năng phục hồi ngay sau khi dịch kết thúc.
Các chi nhánh, phòng giao dịch cần sát sao hơn trong triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng; đồng thời, xử lý nghiêm các lãnh đạo và cán bộ nghiệp vụ triển khai chậm, cố tình gây khó khăn, phiền hà, thiếu trách nhiệm.
Kịp thời phản ánh với NHNN về các khó khăn, vướng mắc, đề xuất kiến nghị liên quan đến cơ chế chính sách của ngành ngân hàng trong quá trình triển khai của TCTD.
Về phía các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng, ông Tú cho rằng: “Cần phối hợp hướng dẫn, tuyên truyền, giải thích các chính sách hỗ trợ, sự đồng hành, chia sẻ của ngành ngân hàng để doanh nghiệp thành viên nắm bắt, tiếp cận thuận lợi”.
Song song với đó, các doanh nghiệp cần tăng cường năng lực quản trị điều hành, tái cấu trúc hoạt động, xây dựng phương án chuyển đổi sản xuất - kinh doanh hiệu quả, phù hợp với thực tế làm cơ sở để các TCTD thẩm định cho vay.
Chủ động phối hợp với các TCTD để nắm bắt thông tin, quy định của các TCTD, trên cơ sở đó minh bạch tài chính, dòng tiền, doanh thu, thu nhập, chứng minh thiệt hại, khó khăn để các TCTD có giải pháp hỗ trợ phù hợp, kịp thời.