Chính sách nới lỏng hợp lý, hợp thời…
Sau lần giảm một loạt lãi suất điều hành và trần lãi suất huy động VND vào tháng 3 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa quyết định hạ nhiều loại lãi suất điều hành từ ngày 13/5/2020. Đây là lần giảm lãi suất điều hành thứ hai trong năm nay chỉ trong vòng 3 tháng.
Được biết, mức hạ chủ yếu là 0,5%/năm, đưa các mức lãi suất điều hành như lãi suất tái cấp vốn từ 5%/năm giảm về 4,5%/năm, lãi suất tái chiết khấu từ 3,5%/năm về 3%/năm, lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở giảm từ 3,5%/năm về 3%/năm.
Trên thị trường 1 (huy động vốn dân cư, tổ chức), trần lãi suất tối đa với tiền gửi VND giảm về 0,2%/năm với kỳ hạn 1 tháng, 4,25%/năm với kỳ hạn 1 đến 6 tháng. Trần lãi suất cho vay với các lĩnh vực ưu tiên cũng giảm.
Chia sẻ thêm về quyết định này, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết, lãi suất được điều chỉnh trên cơ sở đánh giá diễn biến thị trường quốc tế, nhiều ngân hàng trung ương thực thi các biện pháp nới lỏng định lượng, cắt giảm mạnh lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua suy thoái.
Trong nước, nền tảng kinh tế vĩ mô tiếp tục tạo dư địa điều hành chính sách tiền tệ cho NHNN trong bối cảnh thị trường tiền tệ và ngoại hối ổn định, lạm phát có khả năng được kiểm soát theo mục tiêu, tăng trưởng kinh tế bị tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19.
“Quan điểm điều hành chính sách tiền tệ xuyên suốt của NHNN là đảm bảo thanh khoản cho các tổ chức tín dụng cung ứng vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ giảm lãi suất trong giai đoạn hiện nay trên cơ sở cân nhắc các yếu tố nền tảng kinh tế vĩ mô phù hợp, mục tiêu kiểm soát lạm phát và an toàn hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng”, ông Hà nói.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Hoàng Minh Hoàn, Phó tổng giám đốc SCB cho rằng, việc hạ lãi suất điều hành của NHNN là phù hợp trong giai đoạn hiện tại.
Bối cảnh vĩ mô hiện thuận lợi khi lạm phát đang duy trì ở mức thấp và tỷ giá vẫn đang ổn định trong thời gian gần đây giúp hạn chế rủi ro của việc cắt giảm lãi suất. Bên cạnh đó, thanh khoản của hệ thống vẫn dồi dào do tín dụng tăng trưởng chậm.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho rằng, quyết định hạ lãi suất là hợp lý dựa trên 3 vấn đề: Thứ nhất, nhiều ngân hàng thực sự đã rất cố gắng giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp, nhưng dư địa giảm lãi suất cũng có hạn.
Ngân hàng tiết giảm mọi chi phí, song chính ngân hàng cũng đang đối mặt với tình hình nợ xấu có thể tăng cao, dẫn đến chi phí dự phòng sẽ tăng theo.
“Thực tế, các ngân hàng cũng có động thái giảm các chi phí 1-2 tháng nay, nhưng dư địa cũng không còn nhiều. Trong khi đó, chi phí lớn nhất, quan trọng nhất, ảnh hưởng nhiều nhất đó là chi phí lãi chiếm 70-80% tổng chi phí của ngân hàng. Các ngân hàng giảm được lãi suất huy động cũng là điều kiện tốt để có thể giảm được lãi suất cho vay không chỉ trong ngắn hạn, mà còn là dài hạn. Trong sản xuất, tốt nhất là giảm giá thành, còn giảm chi phí và thắt lưng buộc bụng cũng chỉ ở mức độ nhất định”, ông Tùng nói.
Thứ hai, theo ông Tùng, đó là sự hợp thời, tình hình chung của Việt Nam trong nhiều năm nay, lãi suất có quan hệ chặt chẽ với lạm phát, nhất là lãi suất tiền gửi và Việt Nam vẫn đang cố gắng duy trì tình hình lãi suất thực dương.
Tuy nhiên, lạm phát Việt Nam những năm gần đây chỉ dao động ở mức 4% trở xuống, giá cả hàng hóa đầu vào của sản xuất cũng đã giảm, nên kỳ vọng lạm phát được kiểm soát tốt. Lạm phát thấp, mặt bằng lãi suất nên điều chỉnh ở mức thấp hơn.
Thứ ba, Việt Nam nên hạ chi phí tài chính xuống, bởi Việt Nam hướng về xuất khẩu cao, trong khi hàng hóa xuất khẩu giá chưa cạnh tranh với các quốc gia khác.
Mặt khác, trong khi các quốc gia quan điểm nới lỏng tiền tệ khá mạnh, Việt Nam nếu hạ được chi phí tài chính, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ có thêm sức cạnh tranh cho hàng hóa nội địa.
Doanh nghiệp cần phao cứu sinh
Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Toàn quốc Khối Kinh doanh tiền tệ và thị trường vốn HSBC Việt Nam cho rằng, quyết định hạ lãi suất điều hành của NHNN sẽ tạo môi trường chính sách tiền tệ nới lỏng thích ứng, giúp tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tiếp tục có điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cá nhân chịu ảnh hưởng của dịch bệnh tiếp cận nguồn vốn rẻ thông qua hạ lãi suất cho vay và giảm bớt gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp, đưa hoạt động sản xuất - kinh doanh trở lại trạng thái bình thường và từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, song song với kiềm chế lạm phát.
Theo đó, thanh khoản thị trường tiền tệ được dự báo tiếp tục duy trì ở trạng thái dồi dào, mặt bằng lãi suất đươc duy trì ở trạng thái ổn định. Trong bối cảnh giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn nhiều nút thắt, chính sách tiền tệ được kỳ vọng sẽ hỗ trợ kịp thời trong hỗ trợ nền kinh tế.
Diễn biến thị trường trong và ngoài nước còn nhiều bất ổn khó lường, trong đó ngân hàng trung ương các quốc gia duy trì lãi suất điều hành ở mức thấp kỷ lục song song với nhiều giải pháp chính sách tiền tệ nới lỏng, dư địa cho điều hành chính sách tiền tệ của NHNN vẫn là khá lớn.
Đối với người gửi tiền, theo ông Tùng, việc hạ lãi suất sẽ ảnh hưởng “ít nhiều”, nhưng vẫn có những lựa chọn khác bởi mức giảm của NHNN chủ yếu đối với kỳ hạn từ 6 tháng trở xuống, đây là những kỳ hạn được cho là dòng tiền tạm thời.
Đối với kỳ hạn tiền gửi có tính chất đầu tư trên 6 tháng, lãi suất có giảm, nhưng vẫn ở mức chấp nhận được.
Ông Tùng phân tích, tâm lý người Việt Nam là thích mua đất, mua nhà, nhưng không phải khách hàng nào và bất kỳ lúc nào cũng mua được ngay, vì đó là khối tài sản lớn cần có sự tích lũy đủ.
Nếu khách hàng là người kinh doanh, việc giảm lãi suất sẽ khuyến khích khách hàng rút tiền đầu tư, kinh doanh, tạo ra của cải cho xã hội, chứ không gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng, nhưng lượng khách hàng làm kinh doanh không nhiều.
“Nếu khách hàng chỉ có vài trăm triệu sẽ tiếp tục gửi tiết kiệm ngân hàng với mục tiêu tích lũy đầu tư. Việc rút tiết kiệm chuyển sang các kênh khác như bất động sản, vàng, chứng khoán… có thể có, nhưng là số ít. Hiện bất động sản thanh khoản đang thấp, vàng và chứng khoán có thể mang lại lợi nhuận cao, nhưng rủi ro cũng song hành”, ông Tùng nhận định và cho biết: “Gửi tiết kiệm vẫn là nơi đầu tư an toàn và có lợi hơn các kênh khác”.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần chia sẻ, việc giảm lãi suất chắc chắn sẽ có tác động tổng thể đối với nền kinh tế, tuy nhiên, để đến khi lãi suất cho vay hạ trên thực tế cần có độ trễ một vài tháng, vì cơ chế truyền tải từ lãi suất điều hành tới lãi suất thị trường ở Việt Nam cần có thời gian.
Mức lãi suất vay thực tế thời gian tới có thể giảm thêm so với hiện tại từ 1-2%/năm và các doanh nghiệp lớn sẽ được hưởng lợi nhiều hơn các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Đây chính là câu chuyện phải quan tâm. Lý do bởi những doanh nghiệp vừa và nhỏ mới là địa chỉ đang cần “tiền tươi thóc thật” để thanh toán những khoản nợ hiện hữu và vực dậy kinh doanh.
Vấn đề có tính cơ cấu trong hệ thống tín dụng hiện tại là doanh nghiệp lớn có báo cáo rõ ràng thì được các ngân hàng săn đón, doanh nghiệp nhỏ có quản trị chưa tốt thì rất khó tiếp cận tín dụng. Đây là nhân tố sẽ làm giảm hiệu quả của chính sách hạ lãi suất, tạo dòng vốn rẻ đang diễn ra.
Việc các doanh nghiệp lớn sẽ được hưởng lợi nhiều hơn là câu chuyện phải quan tâm, bởi những doanh nghiệp vừa và nhỏ mới là địa chỉ đang cần “tiền tươi thóc thật” để thanh toán những khoản nợ hiện hữu và vực dậy kinh doanh.