Vốn ngoại vẫn quan tâm ngành ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Ngành ngân hàng Việt Nam luôn thu hút sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư nước ngoài. Ở nhiều ngân hàng, chỉ cần “hở” room là khối ngoại ồ ạt mua vào.
Cổ phiếu ngân hàng luôn nằm trong Top mua ròng của khối ngoại trên sàn chứng khoán Cổ phiếu ngân hàng luôn nằm trong Top mua ròng của khối ngoại trên sàn chứng khoán

Nhiều nhà băng gần kín room ngoại

Trong số các cổ phiếu được khối ngoại mua ròng gần đây, cổ phiếu ngân hàng vẫn chiếm chủ đạo. Đáng chú ý, cổ phiếu HDB của HDBank thu hút sự quan tâm của nhiều quỹ đầu tư nước ngoài.

Bà Fernanda Lima, đại diện Quỹ đầu tư LeapFrog Investments, đối tác của HDBank hơn 3 năm qua, đánh giá cao sự tiến bộ toàn diện của Ngân hàng trong ba trụ cột chiến lược, bao gồm tài chính toàn diện, thực hành ESG và mở rộng phân phối bảo hiểm. Theo bà Lima, HDBank đã tạo nên dấu ấn khi phục vụ hơn 20 triệu khách hàng trên toàn quốc.

“HDBank có thể thu được nhiều lợi nhuận hơn đến từ việc nhận chuyển giao DongABank, nhưng ngay cả khi không có điều này, khoảng 44% dư nợ của Ngân hàng, tức hơn 180.000 tỷ đồng đến từ đến các thành phố cấp hai, khu vực nông thôn đã phản ánh sự tập trung rõ ràng vào các phân khúc khách hàng chưa được phục vụ thông qua HD Saison”, bà Fernanda Lima nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Junjie Tong, đại diện Quỹ đầu tư Affinity Equity Partners, đối tác chiến lược từ năm 2020 của HDBank nhận xét, trong một năm nhiều biến động của nền kinh tế trong nước và thế giới như 2024, HDBank vẫn ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế trên 30%, cho thấy khả năng điều hành linh hoạt và chiến lược đúng đắn. HDBank đã đổi mới sản phẩm, đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao trải nghiệm cho cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp, từ giao diện người dùng đến các hệ thống lõi như core banking và quy trình vận hành, đảm bảo khả năng mở rộng hiệu quả và mang đến những sản phẩm tốt nhất.

“Hiện cổ phiếu HDB đang giao dịch ở mức định giá 1,3 lần P/B và P/E dưới 6, theo chúng tôi là rất thấp so với tiềm năng tăng trưởng và mức sinh lời ROE cao hàng đầu ngành. HDBank đã đầu tư vững chắc vào nền tảng của mình, điều này giúp Ngân hàng có vị thế tốt để vượt qua mọi thách thức trong môi trường kinh tế vĩ mô hiện tại và tăng trưởng phi thường trong một, hai năm tới”, ông Junjie Tong nói.

Sở dĩ ngành ngân hàng Việt Nam nhận được sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư ngoại là do ngân hàng được xem là “mạch máu” của nền kinh tế, nhất là khi tăng trưởng GDP của Việt Nam phần lớn vẫn từ vốn tín dụng. Tuy nhiên, nhà đầu tư ngoại tập trung hơn với nhóm ngân hàng có chiến lược, tăng trưởng rõ ràng: nhóm ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước chi phối (Vietcombank, VietinBank, BIDV), nhóm chuyên cho vay doanh nghiệp (Techcombank, MB, HDBank), nhóm chuyên cho vay cá nhân (ACB, Sacombank, VIB, OCB)…

Hiện mức trần room ngoại đối với các ngân hàng tại Việt Nam là 30%. Số liệu từ Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) cho biết, tính đến hết quý I/2025, trong số 27 ngân hàng đang niêm yết, giao dịch cổ phiếu trên sàn chứng khoán, có 14 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trên mức 15% vốn điều lệ. Đáng chú ý, nhiều ngân hàng đã kín hoặc gần kín room ngoại như Techcombank (22,51%), ACB (30%), MB (23,24%), VietinBank (26,84%), MSB (27,55%), TPBank (28,05%), VPBank (24,3%)…

Bên cạnh những ngân hàng đã hoặc gần chạm ngưỡng tối đa 30%, một số ngân hàng đã “khóa” room ở mức thấp hơn để dành “đất” cho đối tác chiến lược trong tương lai. Chẳng hạn, từ đầu tháng 7/2024, VIB đã khóa room ngoại ở mức 4,99%. Trước đó, room ngoại được ngân hàng này giới hạn ở mức 20,5% và luôn trong tình trạng kín room.

Hay OCB khóa room ngoại ở mức 22%. Trước đó, vào giữa năm 2021, Ngân hàng bán 15% cổ phần cho đối tác chiến lược đến từ Nhật Bản: Ngân hàng Aozora.

Một số ngân hàng khác đã khóa room ngoại ở mức rất thấp, để chờ cơ hội thu hút đối tác chiến lược như LPBank (5%), SeABank (5%), BVBank (5%)…

Tất nhiên, vẫn còn một số ngân hàng trống room ngoại như NCB, Eximbank, SHB, BVBank, Nam A Bank, Saigonbank... Trong đó, tại Eximbank, sau khi cổ đông chiến lược Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) thoái sạch vốn, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài chiếm chưa tới 10%.

Lợi ích cho cả hai bên

Nhiều ngân hàng đã kín hoặc gần kín room ngoại như Techcombank (22,51%), ACB (30%), MB (23,24%), VietinBank (26,84%), MSB (27,55%), TPBank (28,05%), VPBank (24,3%).

Dù đã kín room hay vẫn còn trống, hầu hết các ngân hàng đều kỳ vọng được nới room ngoại để có thêm dư địa cho các phương án huy động vốn trong tương lai, có thể là thông qua chào bán cho cổ đông nước ngoài. Theo Nghị định số 69/2025/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 01/2014/NĐ-CP của Chính phủ về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam, room ngoại của các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng yếu kém (trừ các ngân hàng có vốn Nhà nước chi phối) được nới lên 49%, thay vì 30% như hiện tại. Theo đó, MB, HDBank, VPBank sẽ được nới room ngoại lên mức 49%.

Dragon Capital cho rằng, rào cản lớn nhất đối với các nhà đầu tư nước ngoài khi muốn tham gia vào các ngân hàng Việt vẫn là trần giới hạn sở hữu 30%, trong khi đó không phải ngân hàng nào cũng còn nguyên room. Trước đó, hầu hết nhà băng đã bán vốn cho nhà đầu tư ngoại. Vì thế, việc nới thêm room ngoại là cơ hội cho cả ngân hàng và nhà đầu tư. Thực tế, cổ phiếu nhóm ngân hàng có triển vọng và tiềm năng, nhưng đã kín room ngoại thì chỉ cần “hở” room liền lập tức có nhà đầu tư nước ngoài mua vào ồ ạt.

Về phía các ngân hàng Việt Nam, dù sức khỏe tài chính đã được cải thiện, song nhìn chung vẫn ở tình trạng mỏng vốn, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) thấp hơn nhiều so với các ngân hàng trong khu vực. Sự tham gia của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài không chỉ bổ sung nguồn vốn quan trọng cho các ngân hàng Việt Nam, mà còn giúp nâng cao năng lực quản trị, kiểm soát rủi ro và mở rộng cơ hội tiếp cận nguồn vốn quốc tế cũng như tệp khách hàng.

Đơn cử, với sự hỗ trợ của đối tác chiến lược SMBC, VPBank đã ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ trong mảng cho vay khách hàng FDI, đạt 3.700 tỷ đồng trong năm 2024, gấp ba lần so với năm trước đó. Gần đây nhất, vào ngày 5/5/2025, VPBank thông báo đã huy động thành công khoản vay hợp vốn trị giá 1 tỷ USD, do SMBC và một số định chế tài chính quốc tế thu xếp, nhằm phục vụ chiến lược tài chính bền vững.

Tại OCB, ông Yoshizawa Toshiki, thành viên Hội đồng quản trị, đại diện đối tác chiến lược Aozora (AOZ) cho hay, sau 4 năm đồng hành trong vai trò đối tác chiến lược, AOZ đã hỗ trợ OCB xây dựng và phát triển mạng lưới khách hàng doanh nghiệp và cá nhân Nhật Bản, với mức tăng trưởng doanh thu thuần ấn tượng, lần lượt đạt 52% và 43% trong năm 2024. Bên cạnh đó, AOZ hỗ trợ OCB thiết kế, triển khai các chương trình, sản phẩm phù hợp với nhu cầu đặc thù của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhờ đó tiếp cận hiệu quả nhóm khách hàng mục tiêu. Đặc biệt, AOZ cũng giới thiệu các nhà đầu tư Nhật Bản tiềm năng cho các khách hàng tổ chức của OCB.

Bước sang năm 2025, theo ông Yoshizawa Toshiki, AOZ tiếp tục phối hợp với OCB mở rộng tệp khách hàng, hỗ trợ vận hành, kết nối hợp tác, tạo ra các cơ hội kinh doanh giữa OCB, khách hàng và các đối tác Nhật Bản và cả các đối tác đến từ nhiều quốc gia.

Tâm Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục