Đối với giải pháp hạ lãi suất cho vay khách hàng, VietinBank giảm từ 2-2,5%/năm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực thiết yếu của nền kinh tế và dự kiến dành khoảng 3.000 - 4.000 tỷ đồng từ cắt giảm lợi nhuận để hỗ trợ lãi suất và giảm phí, đồng hành, chia sẻ khó khăn với các khách hàng. Từ ngày 23/1/2020 đến nay, VietinBank đã giảm hơn 800 tỷ đồng tiền lãi để hỗ trợ các khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.
Chủ tịch HĐQT VietinBank Lê Đức Thọ phát biểu tại điểm cầu Ngân hàng Nhà nước
Bên cạnh đó, thực hiện cơ cấu lại thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng vay vốn. Công khai, minh bạch thủ tục, điều kiện cơ cấu nợ; đơn giản hóa quy trình, hồ sơ cho vay. Đến hết tháng 4/2020, VietinBank đã thực hiện cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ cho 1.500 khách hàng với dư nợ 50.000 tỷ đồng, trong đó dư nợ đến hạn cần cơ cấu lại trên 5.000 tỷ đồng.
Thực tế cũng cho thấy, các ngân hàng đã rất nỗ lực song hành cùng doanh nghiệp của mình, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, Thông tư 01 của NHNN mở cửa cho các ngân hàng thương mại được làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp để hỗ trợ, với nhiều chính sách tốt. Đặc biệt, hệ thống của Vietcombank đồng hành với Vinatex trong cả giảm lãi suất trực tiếp đối với tất cả các khoản đang vay nợ.
Đi cùng doanh nghiệp để cơ cấu theo doanh nghiệp, theo tính chất, vị trí của họ trong chuỗi cung ứng và khả năng họ có thể phục hồi để cùng đồng hành với doanh nghiệp, doanh nghiệp có khả năng phục hồi tốt thì được ngân hàng ưu tiên.
“Chúng tôi cho rằng đây là cách làm rất tốn thời gian của các ngân hàng và đặc biệt Vinatex không phải là khách hàng lớn của Vietcombank nhưng hệ thống ngân hàng vẫn đồng hành với chúng tôi”, ông Lê Tiến Trường nói.
Về các giải pháp điều hành và hành động của ngành ngân hàng, phát biểu tại Hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, kiểm soát lạm phát không để tỷ giá biến động, đảm bảo thanh khoản nền kinh tế, giảm lãi suất, giữ nền tảng vĩ mô và môi trường kinh doanh ổn định, tạo điều kiện giảm thiểu tác động của dịch.
Điểm cầu tại Ngân hàng Nhà nước
Bên cạnh đó, kịp thời ban hành Thông tư 01 có hiệu lực từ ngày 13/3 với cơ chế rất mạnh, tạo cơ sở pháp lý để các TCTD tháo gỡ khó khăn về vốn vay cho khách hàng.
Cụ thể, khách hàng được cơ cấu các khoản nợ gốc và lãi đến hạn với thời hạn phù hợp và không bị chuyển nợ xấu, thời gian này khách hàng không phải trả ngân hàng gốc và lãi, không bị tính lãi phạt.
Khách hàng sau khi được cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ thì tiếp tục được vay vốn để phục vụ sản xuất kinh doanh.
Tạo hành lang pháp lý để các TCTD miễn giảm lãi, phí. Đây là giải pháp hữu hiệu giúp giảm áp lực về nguồn tiền trả nợ đến hạn để doanh nghiệp tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh.
Đồng thời, chủ động đề xuất với Chính phủ cho vay tái cấp vốn với lãi suất 0%, số tiền 16.000 tỷ đồng từ NHNN để Ngân hàng Chính sách (NHCSXH) cho doanh nghiệp và người sử dụng lao động gặp khó khăn về tài chính vay trả lương cho người lao động bị ngừng việc do ảnh hưởng của dịchvới lãi suất 0%, và đã ban hành Thông tư 05 (có hiệu lực ngay ngày 7/5) theo đúng tinh thần Nghị quyết 42 của Chính phủ và Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ.
“Đã trình Thủ tướng Chính phủ Quyết định triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các dịch vụ khác có giá trị nhỏ (Mobile Money) và đang khẩn trương hoàn tất các thủ tục trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 101 về thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt”, Thống đốc tiết lộ.
Đánh giá cao các giải pháp của NHNN thời gian qua nhưng ông Nguyễn Hồng Anh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ trăn trở về trần lãi suất huy động, vấn đề giá vốn của các ngân hàng. Giá vốn đầu vào của các ngân hàng cao không thể cho vay với lãi suất thấp, NHNN đã có trần lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng nhưng các ngân hàng vì cần cạnh tranh huy động vốn nên lãi suất trên 1 năm cao. NHNN cần có trần lãi suất dài hạn trên 1 năm là 5% để các ngân hàng có nguồn vốn giá rẻ cho các doanh nghiệp vay vốn.
Liên quan đến vấn đề này, ngay tại Hội nghị, Thống đốc NHNN thông tin: “NHNN đã có phương án điều hành lãi suất phù hợp: xem xét giảm tiếp lãi suất điều hành như tái cấp vốn, chiết khấu, thị trường mở... cùng với quyết liệt chỉ đạo TCTD tiết giảm chi phí, giảm lợi nhuận để tạo điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay một cách bền vững thời gian tới”.
Ông Trương Đình Hoè, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cũng đề xuất: “Xu hướng sản phẩm có kích thước nhỏ để giá thành rẻ hơn đang phổ biến tại các thị trường xuất khẩu thuỷ sản nên hiện đang tồn số lượng lớn sản phẩm có kích thước lớn không được thu mua. Đề nghị NHNN tính toán chính sách, lựa chọn một doanh nghiệp tại mỗi địa phương để mua sản phẩm của ngư dân rồi chờ bán sau dịch. Theo đó, có chính sách tín dụng, mở rộng room tăng trưởng, chế độ nguồn vốn cho ngân hàng thực hiện chính sách này”.
“Hệ thống ngân hàng cam kết cung ứng đầy đủ vốn cho nền kinh tế, đồng thời, căn cứ nhu cầu vốn cho tăng trưởng, NHNN sẽ xem xét điều chỉnh tăng trưởng tín dụng cho các TCTD cao hơn so với kế hoạch từ đầu năm… Hệ thống ngân hàng cam kết tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng theo chỉ đạo của Chính phủ”, ông Lê Minh Hưng nhấn mạnh.
Ông Lê Tiến Trường nhận định: “Đã có khủng hoảng chắc chắn có tổn thương, vấn đề là doanh nghiệp cần xác định mục tiêu ưu tiên cần bảo vệ của mình là gì? Doanh nghiệp phải chủ động sáng tạo, liên kết hỗ trợ lẫn nhau để vượt qua khó khăn với tổn thương ít nhất”.