Khi chính quyền cảm ơn doanh nghiệp

Bức thư cảm ơn của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương gửi doanh nghiệp đăng trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh đang được truyền đi nhanh chóng.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cảm ơn cộng đồng doanh nghiệp đã tin tưởng, đánh giá cao môi trường kinh doanh của tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cảm ơn cộng đồng doanh nghiệp đã tin tưởng, đánh giá cao môi trường kinh doanh của tỉnh.

Trong thư, ông Dương cảm ơn cộng đồng doanh nghiệp đã tin tưởng, đánh giá cao môi trường kinh doanh của tỉnh, để Đồng Tháp giữ kỷ lục 12 năm liên tiếp nằm ở nhóm 5 địa phương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất trên Bảng xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Chưa kể, vài ngày trước, Đồng Tháp vừa nhận ngôi á quân trên Bảng xếp hạng Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), cũng do người dân, doanh nghiệp chấm điểm.

Nhưng, điều mà nhiều doanh nghiệp nhắc tới nhiều nhất khi đọc bức thư này, đó là cam kết chân tình của người đứng đầu chính quyền Đồng Tháp. Ông cam kết “bớt nói suông, tăng làm thật”, quyết tâm “truyền lửa” cải cách đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức từ tỉnh đến cơ sở.

Một cách thẳng thắn, thứ hạng trên các bảng xếp hạng nhiều khi chỉ là hỉnh ảnh bên ngoài, có thể chỉ được coi là hình thức. Nhưng khi được thực sự coi trọng, thì điều đó sẽ chuyển hóa thành động lực bên trong, thúc đẩy động cơ thay đổi. Khi chính quyền làm thật, cải cách thật với trách nhiệm và niềm tự hào về sự ghi nhận từ doanh nghiệp, thì doanh nghiệp cũng sẽ đóng góp thật với trách nhiệm và niềm tự hào vì sự phát triển của kinh tế - xã hội của địa phương...

Cũng phải nói thêm về kết quả Chỉ số PCI vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố vài ngày trước. Trong 15 năm thực hiện khảo sát, chưa bao giờ, chỉ số tín nhiệm của doanh nghiệp với chính quyền ở mức cao như PCI 2019. Xu hướng hội tụ, thu hẹp sự cách biệt trong chất lượng điều hành giữa các tỉnh, thành phố cho thấy dàn nhạc cải cách đã đồng điệu hơn.

Ngay trong buổi công bố, các chuyên gia khảo sát đã gửi đi hàm ý rằng, đây là cơ hội để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ hơn cải cách thủ tục hành chính và thúc đẩy sự tham gia của các chính quyền địa phương trong thực hiện yêu cầu cải cách thể chế, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về kinh doanh.

Covid-19 đang đẩy nhanh những chuyển dịch lớn trong chuỗi giá trị sản xuất, buộc các doanh nghiệp phải tái cơ cấu, sáng tạo, tìm kiếm mô hình mới, cách thức mới để tồn tại, phục hồi và quan trọng là có mặt, bắt kịp trong giai đoạn bình thường mới của nền kinh tế Việt Nam và thế giới. Nhưng dịch bệnh cũng đang làm lộ rõ những điểm yếu nội tại của nền kinh tế, của các địa phương, các cấp chính quyền, cũng như hệ thống thể chế, quy định, cách thức thực thi.

Giai đoạn khó khăn chồng khó khăn sẽ gắn kết mọi người, gắn kết hành động với niềm tin đồng lòng gánh vác công việc, chấp nhận thay đổi để vượt qua. Nền kinh tế sẽ bật dậy chính từ sự đồng lòng này.

Tất nhiên, con đường cải cách luôn gian nan vì những việc dễ làm, dễ thực hiện đã được làm, giờ là những việc khó khăn, đòi hỏi đột phá, tư duy, hành động và cả sự đánh đổi về lợi ích, quyền lực. Mọi việc sẽ còn khó khăn hơn khi dịch bệnh làm xoay chuyển tình thế, đặt kinh tế toàn cầu vào những tình huống chưa từng có...

Song, cũng phải nhắc lại, Việt Nam đã đặt mục tiêu vươn lên thứ 4, thứ 3 về môi trường kinh doanh, về năng lực cạnh tranh quốc gia trong ASIAN nhiều năm nay, nhưng vẫn chưa thực hiện được. Chúng ta cũng đã đặt mục tiêu sẽ có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2020, nhưng nhiều khả năng chỉ có thể có được hơn 800.000 doanh nghiệp vào năm nay. Vậy Việt Nam sẽ đón nhận cơ hội từ sự thay đổi, chuyển dịch mới đang diễn ra như thế nào? Các doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm kiếm vị trí mới, tạo nên những giá trị mới trong thế giới sau phục hưng từ đại dịch hay không? Liệu sinh kế của người dân Việt Nam có được mở rộng cùng giai đoạn phát triển mới của nền kinh tế?...

Chúng ta sẽ phải tự mình trả lời các câu hỏi này bằng hành động, các quyết sách cụ thể. Nếu tiến trình đổi mới thể chế, cải cách được đẩy mạnh, thì cơ hội để doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, cơ hội phục hồi và sẵn sàng tham gia vào cơ cấu mới của nền kinh tế sẽ nhanh hơn.

Chưa bao giờ, doanh nghiệp cần sự đồng hành, chung tay cua Chính phủ, chính quyền các địa phương như lúc này...

Bảo Duy
Baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục