Lãi suất cho vay sang tháng 5 tiếp tục đà giảm

(ĐTCK) Sang tháng 5, đà giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng vẫn tiếp tục xu hướng của những tháng trước.
Thời gian qua, các tổ chức tín dụng đã đồng loạt giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp với cả khoản vay hiện hữu và vay mới, mức giảm phổ biến từ 2-2,5%/năm. Thời gian qua, các tổ chức tín dụng đã đồng loạt giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp với cả khoản vay hiện hữu và vay mới, mức giảm phổ biến từ 2-2,5%/năm.

Trong những ngày qua, các ngân hàng tiếp tục giảm thêm lãi vay để kích cầu tín dụng. Bốn ngân hàng có vốn nhà nước (Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV) giảm từ 1,5-2%/năm, với hàng chục ngàn tỷ đồng tín dụng ưu đãi.

Cùng với đó, các ngân hàng như HDBank tung thêm gói 10.000 tỷ đồng, lãi vay giảm 2-4%/năm cho cá nhân và doanh nghiệp nhỏ; Nam A Bank giảm thêm 2-2,5%/năm lãi vay cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch...

Sở dĩ lãi suất cho vay của ngân hàng theo xu hướng giảm dần trong thời gian gần đây do cầu vốn của khách hàng giảm mạnh vì dịch Covid-19.

Thực tế cho thấy, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng chỉ nhích nhẹ trong quý đầu năm và giảm trong tháng 4/2020.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho biết, ước tính 4 tháng đầu năm nay, dư nợ tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn chỉ tăng 2,22% so với đầu năm nay, trong khi huy động tiền gửi cũng chỉ tăng 0,5%.

Thế nhưng, tăng trưởng dư nợ của các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM còn cao hơn mức tăng trưởng dư nợ của toàn ngành ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước cho hay, tính đến giữa tháng 4/2020, tăng trưởng dư nợ tín dụng cả nước chỉ còn 0,8%.

Trước đó, báo cáo Thủ tướng tại Hội nghị Chính phủ trực tuyến ngày 10/4, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, trong 3 tháng đầu năm, tín dụng tăng 1,3%.

Như vậy, riêng trong nửa đầu tháng 4/2020, tín dụng sụt giảm 0,5%. Trong khi đó, tháng 3/2020, tín dụng tăng 1,1%.

Giải thích lý do tín dụng sụt giảm mạnh, theo Ngân hàng Nhà nước, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp sụt giảm mạnh do không chỉ Việt Nam, mà nhiều nước trên thế giới thực hiện giải pháp giãn cách xã hội, tiêu dùng và xuất khẩu đều giảm mạnh, nguyên liệu đầu vào lẫn thị trường đầu ra đều khó khăn.

Trong bản phân tích mới đây, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng nhận định, tăng trưởng tín dụng mỗi ngân hàng năm nay có thể thấp hơn 2-3 điểm phần trăm so với năm 2019.

Nhiều ngân hàng đã dành một lượng tín dụng cho vay mới với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Thế nhưng, các nhà băng khó có thể đẩy mạnh tăng trưởng dư nợ trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Chẳng hạn, VietinBank trong 3 tháng đầu năm, dư nợ cho vay giảm 1,25%, xuống 923.623 tỷ đồng. Trong khi đó, nhà băng này đã giảm không dưới 2%/năm lãi suất cho vay ưu đãi.

Không chỉ VietinBank, nhiều ngân hàng khác cũng tăng trưởng tín dụng âm quý đầu năm nay như Saigonbank, MB, NCB...). Đó cũng chính là lý do các ngân hàng giảm tiếp lãi vay nhằm thúc tăng trưởng dư nợ.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho hay, dịch bệnh ở Việt Nam đã cơ bản được kiểm soát, song cầu vốn của khách hàng chưa trở lại như trước đây.

Vì vậy, để kích cầu tín dụng và chia sẻ khó khăn với khách hàng, OCB giảm 2%/năm lãi suất cho vay VND so với khoản vay thông thường.

Doanh nghiệp nhận ưu đãi hoạt động trong một số lĩnh vực thiết yếu như sản xuất - kinh doanh thực phẩm và hàng tiêu dùng, hàng dệt may, da giày, dược phẩm và dịch vụ y tế, công nghiệp chế biến, chế tạo, logistics, thi công dân dụng, trường học, giáo dục...

Đồng thời, gói vay tín chấp với lãi suất từ 1%/tháng dành cho giáo viên, cán bộ nhân viên khối trường học (đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề trong mùa dịch Covid-19) của OCB là một trong những chính sách khá thiết thực, được đánh giá cao trong cộng đồng.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo các nhà băng, trong bối cảnh hiện nay, khó có thể đẩy mạnh cho vay như bình thường, trong khi ngân hàng tập trung cơ cấu lại nợ.

Mặt khác, trước tình hình dịch Covdi-19 chưa có vắc-xin phòng ngừa nên gây ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt và hoạt động kinh doanh và ngành ngân hàng cũng không thể tránh. Vì thế, các nhà băng cho biết sẽ tập trung vào tái cơ cấu nợ bị ảnh hưởng.

Trên bình diện chung, Ngân hàng Nhà nước cho biết, dư nợ dự kiến bị ảnh hưởng bởi Covid-19 khoảng 2 triệu tỷ đồng, chiếm 23% dư nợ toàn hệ thống, tiềm ẩn rủi ro với hoạt động ngân hàng.

Thời gian qua, các tổ chức tín dụng đã đồng loạt giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp với khoản vay hiện hữu và khoản vay mới, mức giảm lãi suất phổ biến 2-2,5%/năm. Tổng gói tín dụng ngành ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân hơn 300.000 tỷ đồng.

Trong đó,  các tổ chức tín dụng bước đầu cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho trên 52.000 khách hàng với số tiền gần 18.000 tỷ đồng, miễn, giảm lãi cho gần 6.500 khách hàng với dư nợ gần 126.000  tỷ đồng và cho vay mới 65.208 tỷ đồng với  354.286 khách hàng.

Tuy tăng trưởng tín dụng chậm, song nợ xấu nội bảng có dấu hiệu tăng. Ngân hàng Nhà nước nhìn nhận, tỷ lệ nợ xấu chắc chắn tăng trong bất kỳ trường hợp nào.

Kịch bản tốt nhất là dịch bệnh sớm được kiểm soát vào đầu quý II/2020, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, đã bán cho VAMC và nợ đã phân loại sẽ ở mức 2,9-3,2% vào cuối quý II/2020 và 2,6-3% vào cuối năm 2020.

Vì thế, tín dụng ngành ngân hàng tăng chậm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi nhuận, song các ngân hàng sẽ không tăng tín dụng bằng mọi giá vì đã có quá nhiều bài học ở giai đoạn trước.

Viện trưởng Viện phát triển kinh tế TP.HCM, ông Trần Hoàng Ngân cho rằng, bản thân các ngân hàng cũng sẵn sàng giảm lãi, nhưng họ phải đảm bảo an toàn cho khoản vay và tuyệt đối không cho vay dưới chuẩn.

Bởi nếu ngân hàng cho vay không có điều kiện hoặc dưới chuẩn trong bối cảnh nhiều rủi ro như hiện nay thì sẽ tạo ra nguy cơ lớn với tính an toàn của cả hệ thống.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục