Từ đầu mùa dịch, cuộc sống của nhiều người lao động đã trở nên chật vật vì công việc bị ngưng trệ. Một số người đã phải nghỉ việc, số khác chấp nhận bị giảm lương, giảm giờ làm.
Các khoản vay tiêu dùng từng giúp người lao động mua sắm tiện nghi, góp phần nâng cao cuộc sống của bản thân và gia đình, thì nay khoản thanh toán hàng tháng trở thành nỗi đau đầu thường trực khi thu nhập của họ ngày càng eo hẹp.
Vì thế, cũng dễ hiểu khi đây là mối quan tâm của khách hàng có khoản vay hiện hữu tại ngân hàng về việc họ có được hỗ trợ hay không.
Theo ghi nhận của Báo Ðầu tư Chứng khoán, hầu hết ngân hàng đều có chương trình hỗ trợ cho khách hàng cá nhân, thậm chí rất lớn, không hề kém khối khách hàng doanh nghiệp.
Chẳng hạn, Kienlongbank giảm đến 25% trên tổng số tiền lãi phải thanh toán cho hơn 85.000 khách hàng đang vay vốn trả góp theo ngày tại Ngân hàng kể từ ngày 3/4 - 30/6/2020.
HDBank, TPBank, BIDV, ACB... cũng đẩy mạnh kích cầu tín dụng cá nhân trong mùa dịch, với lãi vay ưu đãi từ 8-9%/năm.
Nam A Bank, ưu đãi giảm lãi vay lên đến 2%/năm so với hiện hành cho các khách hàng cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ lưu trú, nhà hàng quán ăn và xuất nhập khẩu (giữa Việt Nam với các nước thuộc vùng dịch). Chương trình được áp dụng từ 20/3 đến khi Chính phủ có thông báo kết thúc dịch.
Bên cạnh đó, đối với khách hàng cá nhân cần vay vốn để phục vụ mục đích tiêu dùng, mua xe, mua đất, nhà, hoặc xây dựng, sửa chữa nhà, sẽ được hưởng mức lãi suất ưu đãi giảm lên đến 3,1%/năm trong chương trình “Happy Finance” đến 30/6/2020.
Không chỉ với ngân hàng, khối các công ty tài chính tiêu dùng cũng có những chương trình khá thiết thực như FE Credit hỗ trợ các khoản vay tiền mặt lên đến 70 triệu đồng, không cần thế chấp cùng lãi suất cạnh tranh.
Còn các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được HD SAISON cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm lãi, phí; giữ nguyên nhóm nợ…
Ngoài ra, tất cả giáo viên, giảng viên, bác sĩ, y tá, cán bộ, nhân viên công tác tại các trường học, bệnh viện trên toàn quốc đều nhận được ưu đãi lãi suất 1,09%/năm khi vay trả góp với HD SAISON.
Ngoài các khoản vay ngắn hạn, được quan tâm nhiều nhất là khách hàng vay mua nhà kỳ hạn dài, việc trả gốc lãi thường xuyên khi thu nhập bị gián đoạn hoặc suy giảm là gành nặng.
Tuy nhiên, như tìm hiểu của Báo Ðầu tư Chứng khoán, những chương trình riêng biệt cho khách vay mua nhà gần như không có, mà thường được xét chung với các khoản hỗ trợ cá nhân khi khách hàng có đề nghị cụ thể.
Một số ngân hàng cho biết, việc xem xét chủ yếu dừng ở mức cho phép chậm trả một thời gian, không tính lãi phạt, còn việc hạ lãi suất so với hợp đồng thì không áp dụng.
Lý do là các hợp đồng này thường có lãi suất thả nổi theo hướng trừ năm đầu có lãi suất xác định trước, các năm sau áp dụng theo lãi suất huy động 12 tháng cộng thêm biên độ (khoảng 3-4%/năm tùy ngân hàng).
Mặt khác, vì năm nay lãi suất huy động hạ, nên về bản chất, khách hàng đã được giảm lãi suất.
Ðó là về phía ngân hàng, còn trên thị trường, khá nhiều tổ chức và chuyên gia lên tiếng về các chương trình tín dụng bất động sả.
Theo TS. Ðinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính - ngân hàng, với các khách hàng cá nhân đang vay ngân hàng mua nhà thực sự rất khó khăn trước tình hình dịch bệnh, trong khi các chính sách hỗ trợ hiện nay chỉ mới tập trung nhiều vào doanh nghiệp.
Mới đây nhất, vào ngày 27/4, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản kiến nghị các ngân hàng giảm 30-50% lãi vay trong thời hạn 12 tháng, giãn tiến độ trả lãi vay, nợ gốc cho người vay mua nhà ở thương mại do khó khăn vì dịch Covid-19.
HoREA cho rằng, trong gói hỗ trợ vừa qua, các ngân hàng chưa xem các doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà là đối tượng được áp dụng theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của NHNN để có thể tiếp cận gói tín dụng hỗ trợ có giá trị lên đến gần 300.000 tỷ đồng.