Đơn xin giãn, hoãn nợ của các cá nhân dồn dập gửi về ngân hàng

Không chỉ doanh nghiệp, hàng chục ngàn cá nhân vay vốn ngân hàng cũng có nguy cơ rơi vào nợ xấu, vì thu nhập của người dân sút giảm hoặc mất việc do “bão” Covid-19. Đơn xin giãn, hoãn nợ của các cá nhân dồn dập gửi về ngân hàng.
Đơn xin giãn, hoãn nợ của các cá nhân dồn dập gửi về ngân hàng

Thất nghiệp, nguy cơ nợ xấu hiện hữu

Chị Hoàng Thái Hòa, giáo viên một trường mầm non tại Hà Nội cho hay: “Năm ngoái, vợ chồng tôi mua ô tô bán tải trả góp để vận chuyển hoa quả, thực phẩm từ tỉnh Hưng Yên lên Hà Nội bán. Lương giáo viên của tôi đủ để chi trả phí sinh hoạt của gia đình 3 người, khoản lãi từ buôn bán dùng để trả nợ 400 triệu đồng vay ngân hàng. Dịch bệnh xảy ra, chúng tôi mất việc, không có lương, trong khi buôn bán cũng ngưng trệ vì các tỉnh hạn chế đi lại. Hiện gia đình tôi không còn khả năng trả nợ ngân hàng đúng hạn. Tôi đã liên hệ với ngân hàng để làm đơn đề nghị, hy vọng sẽ được ngân hàng giãn thời hạn trả nợ, giảm phần nào lãi suất”.

Không chỉ chị Hòa, dịch bệnh cũng khiến hàng chục ngàn khách hàng cá nhân đang vay vốn ngân hàng - vốn có kế hoạch trả nợ khá căn ke, đột nhiên mất khả năng trả nợ đúng hạn khi nguồn thu nhập giảm.

Lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại cổ phần thừa nhận, các ngân hàng đã nhận được hàng ngàn đề nghị giãn nợ, giảm lãi suất của khách hàng cá nhân. Theo tính toán sơ bộ, tại nhiều ngân hàng, trong tổng số dư nợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19, dư nợ của khách hàng cá nhân chiếm tới 1/3, nguyên nhân là do thất nghiệp hoặc thu nhập giảm sút.

Ông Phạm Quốc Thanh, Tổng giám đốc HDBank cho hay, theo thống kê mới của Ngân hàng, có khoảng 11.000 tỷ đồng tín dụng của HDBank bị ảnh hưởng bởi Covid-19, trong đó có tới hơn 4.000 tỷ đồng của khách hàng cá nhân.

“Hiện tốc độ các khách hàng gửi đơn đề xuất xin cơ cấu nợ, giãn nợ tăng chóng mặt, đội ngũ xử lý phải chạy hết tốc lực”, ông Thanh cho hay.

Còn tại Sacombank, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Ngân hàng cho hay, trong 22.0000 tỷ đồng dư nợ do khách hàng đề xuất cơ cấu, giãn nợ, tới 7.000 tỷ đồng là của khách hàng cá nhân. 

Phó tổng giám đốc một ngân hàng TMCP tại Hà Nội cho hay, theo rà soát, trong vòng 1 tháng gần đây, số dư nợ cá nhân bị ảnh hưởng bởi Covid-19 của ngân hàng này đã tăng gấp 5 lần tháng trước.  

Cần có thêm các hỗ trợ khác ngoài ngân hàng

Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, số người đến nộp hồ sơ để hưởng bảo hiểm thất nghiệp tính đến tháng 2/2020 là 47.164 người, tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này dự báo tiếp tục tăng nhanh trong tháng 3, tháng 4/2020. Chính vì vậy, việc ngân hàng vào cuộc gia hạn thời hạn trả nợ, giãn nợ rất có ý nghĩa với người vay. 

Ngay đầu tháng 4 này, BIDV đã công bố giảm thêm tới 2% lãi suất cho vay với cả khoản vay cũ và mới, áp dụng với cả cá nhân và doanh nghiệp. Với khách hàng cá nhân, BIDV giảm đến 1- 2% (giảm 1% cho khách vay tiêu dùng tín chấp trả nợ bằng lương bị giảm thu nhập và giảm 2% lãi suất cho lao động mất việc). BIDV ước tính, việc giảm lãi vay sẽ khiến thu nhập của Ngân hàng giảm 3.000 tỷ đồng.

Ngoài BIDV, hàng loạt ngân hàng khác cũng công bố giảm lãi suất, giảm cả ngàn tỷ đồng lợi nhuận, lãnh đạo ngân hàng tự nguyện giảm 50% lương…, để dồn lực hỗ trợ doanh nghiệp. Đến nay, đã có hơn 20 ngân hàng (chiếm 75% thị phần tín dụng cả nước) đồng thuận giảm 2-3% lãi suất cho vay so với thời điểm trước khi có dịch để hỗ trợ khách hàng. Tổng gói tín dụng cho vay lãi suất thấp được ngân hàng cam kết đưa ra đã lên tới 250.000 tỷ đồng (đã giải ngân 80.000 tỷ đồng).

Mặc dù ngân hàng tích cực vào cuộc, song nếu dịch bệnh kéo dài, các chuyên gia cảnh báo, tình hình nợ xấu của khách hàng cá nhân sẽ còn tăng. Theo ông Huỳnh Thế Du, Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý (Đại học Fulbright Việt Nam), thu nhập giảm sút có thể đẩy nhiều gia đình vào cảnh mất khả năng trả nợ. Thậm chí, nếu dịch bệnh kéo dài, kinh tế đóng băng, thì khả năng vỡ nợ hàng loạt có thể xảy ra.

Vì vậy, giới chuyên gia cho rằng, ngoài sự hỗ trợ của ngành ngân hàng, cần rất nhiều bộ, ngành khác cùng vào cuộc. Cụ thể, Bộ Tài chính cần sớm ban hành chính sách hỗ trợ về thuế, phí để doanh nghiệp có thêm nguồn lực trả lương cho người lao động; Chính phủ cần sớm ban hành các gói hỗ trợ an sinh cho lao động mất việc, cho người nghèo…

Ngoài ra, để ngân hàng có điều kiện hỗ trợ tốt nhất cho nền kinh tế, Dự thảo Nghị định của Chính phủ về giãn thuế cũng nên cho phép tổ chức tín dụng thuộc nhóm đối tượng được giãn, hoãn nộp thuế như các doanh nghiệp khác.

Ngành ngân hàng đã tích cực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

Tại phiên họp trực tuyến Chính phủ thường kỳ mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao hoạt động của ngành ngân hàng, nhất là trong việc triển khai các giải pháp, chỉ đạo của Chính phủ trong việc phòng, chống dich Covid-19, đã tích cực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn, giải ngân kịp thời nhiều gói hỗ trợ, thực hiện giảm lãi suất cho vay, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt…

Báo cáo Chính phủ tại cuộc họp này, Thống đốc Lê Minh Hưng đề nghị, Chính phủ cần xem xét việc giãn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho các tổ chức tín dụng để các tổ chức tín dụng có dòng tiền, có thanh khoản để hỗ trợ và tiếp tục cung ứng vốn cho nền kinh tế. Thống đốc cũng kiến nghị, Chính phủ sớm xem xét phê duyệt hạn mức tăng trưởng tín dụng cho Ngân hàng Chính sách xã hội để triển khai nhanh việc cho vay hỗ trợ cho người nghèo và các đối tượng chính sách.

Thùy Liên
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục