Nhiều nhà băng thêm lần nữa giảm lãi vay

(ĐTCK) Trước diễn biến khó lường của đại dịch Covid-19, nhiều ngân hàng đã nâng mức giảm lãi vay lên 2%/năm để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch.
Nhiều nhà băng thêm lần nữa giảm lãi vay

Sau gói hỗ trợ được triển khai ngay từ đầu mùa dịch, VPBank vừa công bố chương trình đồng hành tiếp theo với mức giảm lãi suất 2%/năm so với lãi suất thông thường cho các khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, áp dụng cho cả khách hàng hiện hữu lẫn khách hàng mới.

Cụ thể, với các khoản vay có tài sản bảo đảm, mức giảm lãi suất là 1,5%/năm khi vay VND và 1%/năm khi vay USD. Ðối với các khoản vay không có tài sản bảo đảm, mức giảm lãi suất tối đa 2%/năm khi vay VND và 1%/năm khi vay USD.

“Nhận định tình hình dịch bệnh sẽ còn có diễn biến phức tạp trong thời gian tới, bên cạnh chủ động theo sát các chỉ đạo và định hướng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), VPBank sẽ tiếp tục nghiên cứu, đưa ra các gói hỗ trợ mới dành cho cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp…”, đại diện VPBank nói.

Tại SHB, ngân hàng này triển khai gói tín dụng quy mô 25.000 tỷ đồng, đặc biệt giảm lãi suất cho vay tối thiểu 2%/năm so với lãi suất thông thường, cùng với đó là miễn hoặc giảm các loại phí giao dịch.

Ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB chia sẻ: “Với phương châm luôn đồng hành và chia sẻ khó khăn cùng khách hàng, đồng thời thực hiện chủ trương của Nhà nước về việc thực hiện các giải pháp chia sẻ, hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng vởi dịch Covid-19, SHB đã triển khai đồng loạt các giải pháp thiết thực và kịp thời nhằm chung tay vì cộng đồng, tháo gỡ khó khăn, giảm thiểu các tác động do dịch bệnh gây ra; tạo điều kiện cho khách hàng duy trì, thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh”.

Tương tự, tại BIDV, đối với dư nợ hiện hữu, Ngân hàng cơ cấu lại nợ, giãn thời gian trả nợ gốc, lãi và cũng giảm lãi suất cho vay đến 2%/năm (đối với các khoản vay bằng VND) cho các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực, ngành nghề bị ảnh hưởng bởi dịch.

Cụ thể, với khách hàng cá nhân vay tiêu dùng tín chấp trả nợ bằng lương, BIDV giảm 1%/năm lãi vay (đối với các khoản vay bằng VND).

Ðặc biệt, trường hợp người lao động mất việc được hưởng trợ cấp 1,8 triệu đồng theo định hướng của Chính phủ, BIDV sẽ giảm 2%/năm lãi suất, đồng thời ân hạn chưa thu gốc và lãi đến hạn của các khách hàng này trong thời gian còn dịch.

Với khách hàng doanh nghiệp, BIDV có các gói tín dụng với lãi suất giảm 2%/năm so với lãi suất cho vay cùng loại ngày 31/12/2019.

Thời gian triển khai (gồm cả dư nợ hiện hữu và dư nợ mới) đến ngày liền kề sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid-19.

Sau khi NHNN hạ trần lãi suất vào ngày 16/3, nhiều ý kiến cho rằng, để hạ lãi suất điều hành thì cần có độ trễ nhất định.

Tuy nhiên, thực tế diễn ra không như dự báo. Ngay khi trần lãi suất giảm, lãi suất huy động kỳ hạn 7 ngày và 14 ngày của Vietcombank đã về mức 0,5%/năm.

Kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng ở mức thấp hơn mức trần là 4,3%/năm. Kỳ hạn 3 tháng từ 4,8%/năm xuống 4,7%/năm…

Tại VIB, ngân hàng này áp dụng mức lãi suất huy động đồng loạt cho kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng là 4,6%/năm, giảm so với mức 5%/năm ở biểu lãi suất cũ.

Techcombank niêm yết mức lãi suất 4,15%/năm áp dụng cho các khoản tiền gửi dưới 1 tỷ đồng của khách hàng thường, 4,25%/năm được trả cho các khoản tiền gửi 1-3 tỷ đồng và trên 3 tỷ đồng thì được 4,65%/năm.

Khách hàng ưu tiên của Techcombank khi gửi tiền được nhận lãi suất từ 4,5-4,75%/năm tùy thuộc số tiền gửi. Với các khoản tiền gửi dưới 1 tháng hoặc không kỳ hạn, các ngân hàng cũng điều chỉnh giảm lãi suất từ 0,8%/năm xuống cao nhất còn 0,5%/năm.

Ngân hàng TNHH Indovina (IVB) đưa ra lãi suất các kỳ hạn 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng cùng ở mức 4,75%/năm nếu lĩnh lãi cuối kỳ, nếu lĩnh lãi hàng tháng với kỳ hạn 2 và 3 tháng thì lãi suất là 4,74%/năm.

Nam A Bank cũng giảm lãi suất các kỳ hạn dưới 6 tháng xuống mức 4,75%/năm, lãi suất các kỳ hạn dài trên 1 năm phổ biến ở mức 7,4-7,5%/năm

“Khi lãi suất điều hành giảm sẽ trực tiếp tác động đến hoạt động vay mượn trên hệ thống liên ngân hàng (thị trường 2), giúp giảm chi phí cho các ngân hàng, góp phần làm giảm lãi suất từ khu vực dân cư và tổ chức kinh tế (thị trường 1) và tạo ra tác động tổng thể đến giảm mặt bằng lãi suất cho cả nền kinh tế”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục