Theo số liệu của Cục Thống kê Hà Nội, trong 2 tháng đầu năm 2021, tín dụng trên địa bàn Thủ đô chỉ tăng 0,6%. Tính đến hết tháng 2/2021, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn mới đạt 2.217.000 tỷ đồng, tăng 0,2% so tháng trước và tăng 0,6% so với thời điểm kết thúc năm 2020. Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 889.000 tỷ đồng, tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 0,1% so với thời điểm kết thúc năm 2020; dư nợ trung hạn và dài hạn đạt 1.328.000 tỷ đồng, tăng tương ứng 0,1% và 0,3%.
Thanh khoản ngân hàng hiện nay rất tốt, nguồn tiền nhàn rỗi vẫn chảy vào nhà băng, dù lãi suất điều chỉnh giảm. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho biết, trong 2 tháng đầu năm, huy động vốn trên địa bàn TP.HCM tăng 0,3%, tín dụng tăng 1,5% so với cuối năm ngoái.
Các ngân hàng cũng cho hay, nhu cầu tín dụng trong quý I/2021 theo quy luật của thị trường thường không tăng nhiều so với các quý sau, nên lãi suất huy động khó tăng.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho biết, quý đầu năm, cầu vốn của khách hàng không tăng cao như các quý trong năm. Bên cạnh đó, chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là các tổ chức tín dụng tiếp tục nỗ lực giảm chi phí đầu vào để giảm tiếp lãi suất đầu ra hỗ trợ khách hàng trong bối cảnh Covid-19, nên lãi suất huy động khó tăng cao.
Giới phân tích tài chính cho rằng, tín dụng còn tăng chậm, nên ngành ngân hàng có thể sẽ vẫn duy trì mức lãi suất thấp trong một thời gian nữa.
Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch VietinBank chia sẻ, năm 2021, mục tiêu tăng trưởng tín dụng của VietinBank là 8 - 11%; con số cụ thể phụ thuộc vào tình hình thực tế của thị trường, cũng như chính sách điều hành tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, ngành ngân hàng đặt ra mức tăng trưởng tín dụng khoảng 12%. Tuy nhiên, việc đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2021 không phải là con số cố định, pháp lệnh buộc các tổ chức tín dụng phải tuân thủ, mà là con số trong định hướng điều hành của ngành. Ngân hàng Nhà nước có điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng khi cần thiết.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng nhận định, lãi suất cho vay khó giảm sâu hoặc có giảm, nhưng khó giảm nhanh theo lãi suất huy động. Đó cũng là lý do, các ngân hàng đạt lợi nhuận cao năm qua, do biên lãi ròng tăng cao, trong khi lãi suất huy động giảm, lãi suất cho vay giảm không theo kịp lãi suất tiền gửi. Tuy nhiên, để có thể đẩy mạnh được vốn cho vay các ngân hàng khó tăng lãi suất.
SSI cho rằng, các ngân hàng sẽ tiếp tục được lợi từ việc chi phí vốn giảm khi lãi suất huy động đã giảm 2 - 2,5% trong năm 2020. Theo đánh giá của SSI, tín dụng năm nay có thể đạt mức tăng trưởng 12-13%.
Với tình hình dịch bệnh đang dần được kiểm soát, các ngân hàng kỳ vọng tín dụng sẽ tăng trưởng trong những quý tới. Nhiều lãnh đạo ngân hàng cũng cho biết, trước mắt sẽ tiếp tục tập trung cho vay các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thiết yếu, phục vụ nhu cầu đời sống; cho vay lĩnh vực nông, thủy sản…
Theo ông Nguyễn Ðình Tùng, năm 2021, ngân hàng này vẫn theo chiến lược ngân hàng bán lẻ, tín dụng tập trung mạnh vào các phân khúc mục tiêu như doanh nghiệp nhỏ và vừa; sửa đổi một số sản phẩm như cho vay cầm cố bất động sản, cho vay kinh doanh hộ gia đình.
Trong khi đó, LienVietPostBank cho hay, ngân hàng này sẽ tiếp tục kiên định với chiến lược bán lẻ và tập trung cho vay các sản phẩm đang là thế mạnh của ngân hàng như nông nghiệp nông thôn, nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao...
Thế nhưng, theo TS.Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, việc giảm mạnh lãi suất lúc này không phải là công cụ hữu hiệu để thúc đẩy tín dụng, vì nút thắt tín dụng là tổng cầu vẫn suy giảm. Bên cạnh đó, ngân hàng đang cẩn thận trong hoạt động cho vay nhằm hạn chế nợ xấu mới phát sinh.