Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% năm 2021 có thể “bị” vượt

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Với nhiều yếu tố hỗ trợ và người dân, doanh nghiệp cũng lạc quan hơn vào tăng trưởng kinh tế cao năm 2021, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% có thể “bị” vượt.
Tín dụng được dự báo khả quan hơn trong năm 2021, dẫn đầu là kỳ vọng về nhu cầu vay thương mại và dịch vụ, đặc biệt là vay xuất nhập khẩu Tín dụng được dự báo khả quan hơn trong năm 2021, dẫn đầu là kỳ vọng về nhu cầu vay thương mại và dịch vụ, đặc biệt là vay xuất nhập khẩu

Người dân, doanh nghiệp lạc quan…

Ông Phan Thanh Tịnh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Nhựa bao bì Phan Công ở Đồng Nai cho biết, doanh nghiệp đã họp tổng kết năm 2020 và đặt ra chỉ tiêu cho năm 2021. Theo đó, doanh thu năm 2020 đã giảm khoảng 25% so với năm 2019, đạt 60 tỷ đồng. Mức giảm này, theo ông Tịnh, là đã “nhẹ nhàng hơn” nhờ hoạt động kinh doanh 4 tháng cuối năm cải thiện hơn so với 8 tháng đầu năm.

“Hiện có nhiều dấu hiệu lạc quan hơn so với trước, trong đó ít nhất là doanh nghiệp đã thích nghi được với tình hình hiện tại, chứ không còn ‘sốc’ như giai đoạn đầu dịch bệnh. Do đã thích nghi tốt nên doanh nghiệp tìm mọi cách ‘len lỏi’ để kinh doanh. Năm 2021, nếu duy trì được kết quả như hiện nay cũng đã là tốt lắm rồi, nhưng chúng tôi vẫn đặt chỉ tiêu doanh thu là 100 tỷ đồng để toàn Công ty có mục tiêu phấn đấu”, ông Tịnh nói.

Sau nhiều cuộc điện thoại không kết nối được trong buổi sáng, đến trưa, bà Trịnh Thị Thanh, Quyền Giám đốc khối Quản trị tài chính và nguồn vốn SCB đã liên lạc lại và cho biết lý do tắt máy: “Ban lãnh đạo Ngân hàng họp liên tục hết khối này sang khối khác về tình hình kinh doanh năm 2020, đặc biệt là những tháng cuối năm qua, để trên nền tảng đó ra chỉ tiêu cho năm 2021”.

Theo bà Thanh, tăng trưởng tín dụng năm 2020 khá cầm chừng do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng đã khả quan hơn trong những tháng cuối năm. Báo cáo từ các khối kinh doanh cho biết, tăng trưởng tín dụng tại thời điểm cuối năm đã tăng 30% so với thời điểm giữa năm, mức độ làm việc với khách hàng cũng liên tục hơn… là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế bắt đầu khởi sắc trở lại.

Tương tự, một lãnh đạo cao cấp phụ trách khối doanh nghiệp vừa và nhỏ của VPBank cho biết: “Nhóm khách hàng tiểu thương ngoài việc quan tâm tới câu chuyện kinh doanh mùa vụ dịp Tết Nguyên đán 2021 cũng bày tỏ sự lạc quan về khả năng phục hồi kinh tế và diễn biến tích cực hơn của dịch bệnh Covid-19, cho nên nhu cầu vay vốn để chuẩn bị hàng hóa bắt đầu tăng lên. Đây sẽ là chìa khóa cho kỳ vọng tăng trưởng tín dụng năm 2021”.

Nắm bắt được tâm lý khách hàng cũng như đặt kỳ vọng khởi sắc trong năm nay, nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh cho vay ngay trong những ngày đầu năm. Đơn cử, Vietcombank công bố cấp khoản tín dụng 4.000 tỷ đồng tài trợ cho dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Hay như BAC A BANK vừa ra mắt chương trình tín dụng cá nhân “Nhận ưu đãi - Giành thành công” được triển khai xuyên suốt trong năm 2021 với hạn mức lên tới 3.000 tỷ đồng, áp dụng cho các khoản vay có tài sản bảo đảm.

Theo bà Vũ Thanh Thủy, Phó giám đốc khối Ngân hàng bán lẻ BAC A BANK, mục đích triển khai chương trình này là để “đón đầu làn sóng phục hồi của nền kinh tế”.

… Và những yếu tố hỗ trợ tăng trưởng

Thực tế, dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã tác động tiêu cực lên hoạt động kinh tế nói chung và cho vay nói riêng trong năm 2020, dẫn đến hệ quả là mức chênh lệch âm lớn giữa tăng trưởng cho vay và huy động. Đỉnh điểm là cuối quý II/2020, tăng trưởng cho vay so với cùng kỳ 2019 lần đầu tụt xuống dưới 10% trong vòng 5 năm qua. Tuy nhiên, nhờ nỗ lực của Việt Nam trong phòng chống dịch, qua đó hạn chế đóng cửa biên mậu, giảm tác động tiêu cực lên nền kinh tế.

Các ngân hàng thương mại tích cực hỗ trợ tăng trưởng tín dụng bằng nhiều gói lãi suất ưu đãi. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước cũng điều tiết áp lực về nợ xấu lên các ngân hàng bằng cách chỉ đạo giữ nguyên nhóm nợ, cơ cấu thời hạn trả lãi, miễn giảm lãi vay…, bên cạnh các chính sách về trần lãi suất tiền gửi, giảm lãi suất…, tất cả nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 8-10% trong năm 2020. Nhờ đó, những tháng cuối năm chứng kiến tốc độ mở rộng danh mục tín dụng nhanh chóng của toàn ngành.

Chẳng hạn, Thông tư 22/2019/TT-NHNN đưa ra lộ trình giảm vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn đã gây áp lực lên hoạt động cho vay bất động sản. Do đó, các doanh nghiệp bất động sản đã gia tăng huy động qua kênh trái phiếu doanh nghiệp, vốn được tạo điều kiện bởi Chính phủ theo lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017-2020 và tầm nhìn đến năm 2030, với dư nợ trái phiếu doanh nghiệp được dự báo đạt khoảng 20% GDP vào năm 2030.

Nghị định 81/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2018/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp có hiệu lực thi hành từ 1/9/2020 sẽ giúp thị trường trái phiếu phát triển ổn định và lành mạnh hơn.

“Nhu cầu phát hành trái phiếu sẽ dẫn đến mức tăng trưởng tín dụng cao của các ngân hàng ưa thích mở rộng dư nợ trái phiếu và đóng góp vào tăng trưởng thu nhập dịch vụ ở nhóm ngân hàng có thế mạnh về tư vấn, bảo lãnh phát hành”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định.

Hay như câu chuyện cởi bỏ áp lực về vốn tại nhóm ngân hàng có vốn nhà nước chi phối được thực hiện nhờ Nghị định 121/2020/NĐ-CP, các chuyên gia kinh tế kỳ vọng sự biến động trong thị phần tín dụng của các ngân hàng sẽ giảm.

Trong năm 2020, nhóm ngân hàng này chịu nhiều áp lực và có cách tiếp cận thận trọng hơn trong cho vay, dẫn đến suy giảm thị phần. Lũy kế từ đầu năm 2019 đến tháng 9/2020, các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối niêm yết ước giảm 274 điểm cơ bản thị phần tín dụng và giảm 172 điểm cơ bản thị phần tiền gửi khách hàng, do nền tảng an toàn vốn thấp đã hạn chế tăng trưởng.

Bên cạnh đó, việc Việt Nam tham gia Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) nên các tổ chức tín dụng ở châu Âu được phép mua đến 49% cổ phần của tối đa 2 ngân hàng thương mại cổ phần trong nước (ngoại trừ 4 ngân hàng có vốn nhà nước chi phối là BIDV, VietinBank, Vietcombank và Agribank), vượt mức tối đa hiện tại là 30%, mở ra cơ hội cho nhóm ngân hàng tư nhân thiếu hụt vốn theo tiêu chuẩn Basel II. Với nguồn vốn được tăng thêm, các ngân hàng lại có thêm dư địa mở rộng tín dụng.

Điểm đáng chú ý trong cuộc điều tra xu hướng tín dụng của các tổ chức tín dụng được Vụ Dự báo - Thống kê (Ngân hàng Nhà nước) vừa công bố cho thấy, tín dụng được kỳ vọng tăng trưởng khả quan trở lại trong năm 2021, dẫn đầu là kỳ vọng về nhu cầu vay thương mại và dịch vụ, đặc biệt là vay xuất nhập khẩu.

Theo đó, dự kiến 6 tháng đầu năm và cả năm 2021, các tổ chức tín dụng tiếp tục tập trung cho vay các lĩnh vực có tiềm năng phục hồi cao như bán buôn - bán lẻ (55,8-57,7%), xuất nhập khẩu (54,8-56,7%); phục vụ nhu cầu đời sống (44,2-45,2%), xây dựng (38,5-44,2%)…

“Các tổ chức tín dụng được cho là sẽ ‘nới lỏng nhẹ’ tiêu chuẩn tín dụng đối với các nhóm khách hàng trong năm nay. Cơ sở để thực hiện việc nới lỏng này là triển vọng kinh tế vĩ mô khả quan, phù hợp chính sách và định hướng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế”, báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho biết.

“Khi nền kinh tế khởi sắc, không loại trừ khả năng mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% đặt ra cho năm 2021 sẽ ‘bị’ vượt”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận.

Ngân hàng Nhà nước ước tính, tín dụng cả năm 2020 tăng khoảng 11%. Trong đó, tín dụng tăng mạnh vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh như nông nghiệp - nông thôn tăng 9,7%; doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng 11%... Năm 2021, Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 12% để đẩy mạnh hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Hồng Dung

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục