Cần tách bạch tín dụng thương mại và tín dụng chính sách

(ĐTCK) Đó là chia sẻ của ông Phạm Toàn Vượng, Phó tổng giám đốc Agribank trong cuộc trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán xung quanh vấn đề ưu đãi tín dụng.
Ông Phạm Toàn Vượng, Phó tổng giám đốc Agribank. Ông Phạm Toàn Vượng, Phó tổng giám đốc Agribank.

Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, báo cáo của Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, việc nợ xấu đóng tàu tăng rất cao có ảnh hưởng tới Agribank và một số ngân hàng cho vay khác và càng để lâu, nợ càng xấu. Theo ông, đâu là giải pháp đột phá?

Thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ, Agribank đã triển khai cho vay theo Nghị định 67 đối với các ngư dân tại toàn bộ các tỉnh, thành phố ven biển.

Theo đó, đã có 5.899 tỷ đồng được giải ngân với số tàu đóng mới, nâng cấp lũy kế từ đầu chương trình là 622 tàu, chiếm tỷ trọng 52,8% tổng số tàu vay vốn đóng mới, nâng cấp theo Nghị định 67 của toàn ngành ngân hàng.

Trong đó, 104 tàu đóng mới dịch vụ hậu cần khai thác thủy hải sản và 425 tàu đóng mới khai thác thủy hải sản xa bờ và 93 tàu nâng cấp; 244 tàu có công suất từ 400-800 CV, 378 tàu có công suất từ trên 800 CV; 145 tàu vỏ thép, 406 tàu vỏ gỗ và 71 tàu vật liệu mới.

Tuy nhiên, quá trình triển khai đến nay, chương trình cho vay theo Nghị định 67 phát sinh nhiều hệ luỵ, trước hết là vấn đề nợ xấu.

Tính đến 31/5/2020, tổng số nợ xấu và nợ xử lý rủi ro chiếm tỷ lệ 20,8% tổng dư nợ cho vay theo Nghị định 67 tại Agribank (tỷ lệ nợ xấu cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn nói chung chiếm 1,3% so với tổng dư nợ); dự kiến trong năm 2020, nợ xấu cho vay theo Nghị định 67 sẽ tiếp tục tăng, nợ xấu cuối năm chiếm tỷ lệ 30% tổng dư nợ.

Cụ thể, nợ xấu cho vay sẽ tăng khoảng 495 tỷ đồng, tập trung tại các chi nhánh Quảng Nam, Bắc Quảng Bình, Bắc Thanh Hóa, Nam Thanh Hóa, Bắc Hải Phòng, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu và Cà Mau.

Để phần nào giải quyết vấn đề trên, Agribank đã chủ động triển khai các giải pháp đột phá nhằm tháo gỡ khó khăn, xử lý nợ xấu cho vay theo Nghị định 67.

Cùng với đó là sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành trong việc thực hiện chính sách tháo gỡ khó khăn kịp thời cho khách hàng và ngành ngân hàng, đẩy mạnh công tác truyền thông đến các khách hàng vay vốn hiểu rõ chính sách cho vay, trách nhiệm trả nợ theo hợp đồng tín dụng đã ký kết với Agribank.

Đối với các chủ tàu hoạt động khai thác không hiệu quả, có các giải pháp kiên quyết về việc chấp hành nghĩa vụ trả nợ như chuyển đổi chủ tàu và xác lập hợp đồng tín dụng với chủ tàu mới đúng quy định hoặc xử lý tài sản, thu hồi nợ.

Bên cạnh đó, bổ sung các chính sách ưu đãi theo Nghị định 67, cụ thể, kiến nghị tăng hỗ trợ bảo hiểm; mở rộng đối tượng hỗ trợ lãi suất bao gồm các khoản vay cơ cấu lại thời trả nợ; cho phép phần nợ quá hạn, nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ của chủ tàu cũ tiếp tục được hỗ trợ lãi suất sau khi chuyển đổi sang chủ tàu mới.

Trường hợp các chủ tàu gặp rủi ro, không có khả năng tiếp tục khai thác sử dụng tàu cá, đề nghị các bộ, ngành xem xét chính sách hỗ trợ ngư dân mua lại các con tàu còn hoạt động tốt để cải hoán, bàn giao lại cho các chủ tàu có năng lực khai thác đánh bắt.

Đồng thời, xem xét các chủ tàu mới này được hưởng chính sách hỗ trợ 1 lần sau đầu tư theo Nghị định 17/2018/NĐ-CP, với những ưu việt của chính sách này sẽ tạo động lực các chủ tàu mới tiếp tục vươn khơi bám biển.

Ngoài ra, về phía ngân hàng nơi cho vay, phải thường xuyên nắm bắt thông tin khách hàng, tình trạng khoản vay, phối hợp với Ban Chỉ đạo 67 tại địa phương trong việc quản lý khoản vay, kiểm tra, giám sát mục đích sử dụng vốn vay, xử lý tài sản bảo đảm thu hồi nợ;

Đối với các khoản nợ xấu, cần phân tích thực trạng khoản nợ để áp dụng các biện pháp đôn đốc, thu nợ phù hợp với thực tế; đối với các trường hợp khách hàng gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan bất khả kháng, ngân hàng sẽ xác định các nguyên nhân khó khăn, rủi ro bất khả kháng để báo cáo Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan chức năng.

Theo báo cáo của NHNN gửi tới Quốc hội, việc tham gia của chính quyền địa phương, các bộ, ngành là đã đủ, hay là cần cả hệ thống chính trị để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc?

Từ năm 2014 đến nay, trong quá trình triển khai thực hiện cho vay theo Nghị định 67, các vướng mắc phát sinh trong thực tế đã được Agribank tổng hợp, báo cáo gửi các bộ, ngành, chính quyền địa phương và nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các cơ quan chức năng để tháo gỡ cho khách hàng và ngân hàng.

Do hoạt động của các tàu được ngân hàng cho vay theo Nghị định 67 chịu ảnh hưởng nhiều yếu tố không thuận lợi về thời tiết (mưa bão), ngư trường khai thác bị thu hẹp, chi phí nguyên nhiên vật liệu tăng, bảo hiểm tàu không được mua đầy đủ…, dẫn tới ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của khách hàng, nợ xấu cho vay theo Nghị định 67 tăng nhanh.

Mặc dù Agribank đã áp dụng các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, nhưng công tác xử lý, thu hồi nợ đến hạn, nợ xấu chưa hiệu quả và có nhiều khó khăn trong việc đôn đốc khách hàng thực hiện trả nợ theo hợp đồng tín dụng đã cam kết với ngân hàng.

Việc xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ thường gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong thu giữ tài sản, định giá và bán tài sản, tài sản suy giảm giá trị thực tế, nên khi bán không thu đủ nợ.

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, rất cần sự tham gia của các bộ, ngành, chính quyền địa phương và cả hệ thống chính trị trong việc ban hành và thực hiện đồng bộ các cơ chế chính sách kinh tế - xã hội.

Hỗ trợ nguồn lực kinh tế trong mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững cho ngư dân vươn khơi bám biển, hỗ trợ ngân hàng trong quản lý vốn đã đầu tư, duy trì sự ổn định trong hoạt động kinh doanh của ngư dân, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng…

Từ chương trình này, theo ông, có nên tiếp tục giao các ngân hàng thương mại (NHTM) thực thi các chương trình chính sách, kể cả việc hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19?

Những năm qua, các chương trình tín dụng chính sách của Chính phủ được NHNN triển khai, chỉ đạo các NHTM và Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện nghiêm túc.

Tuy nhiên, các chương trình tín dụng chưa có sự tách bạch rõ giữa tín dụng thương mại và tín dụng chính sách.

Thực tế, Ngân hàng Chính sách Xã hội cho vay các chương trình tín dụng chính sách chủ yếu bằng nguồn vốn được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, còn các NHTM cho vay các chương trình này bằng nguồn vốn tự huy động từ nền kinh tế theo lãi suất thị trường, nên sự chênh lệch về lãi suất huy động vốn và cho vay đã ảnh hưởng đến tài chính của ngân hàng.

Agribank là NHTM có vốn nhà nước, có vai trò chủ đạo trong đầu tư tín dụng nông nghiệp - nông thôn, tỷ lệ đầu tư tín dụng chiếm khoảng 50% trong tổng mức đầu tư của các NHTM trong lĩnh vực này.

Đối tượng đầu tư của Agribank đối với nông nghiệp - nông thôn là 7 chương trình tín dụng chính sách, 2 chương trình mục tiêu quốc gia với lãi suất cho vay thấp hơn các ngành phi nông nghiệp từ 1-2%/năm.

Mỗi năm, Agribank giảm thu nhập khoảng 3.000 tỷ đồng, đóng góp nguồn lực kinh tế cho phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là lĩnh vực tam nông.

Đối với việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách trong thời gian tới, tôi cho rằng, cần tách bạch tín dụng chính sách và tín dụng thương mại, tránh tư tưởng ỷ lại vào vốn ngân sách nhà nước, tăng cường hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng hưởng lợi.

Là ngân hàng trong lĩnh vực nông nghiệp, theo ông, đâu là giải pháp tài chính dành cho nông dân phát triển bền vững?

Một nền nông nghiệp phát triển bền vững cần có sự định hướng rõ ràng từ Chính phủ về chiến lược, chính sách kinh tế vĩ mô.

Định hướng phát triển nông nghiệp - nông thôn phải luôn gắn với quy hoạch vùng sản xuất, ứng dụng công nghệ cao để phát triển đa dạng ngành sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động.

Để phát triển nông nghiệp bền vững, Chính phủ cần ưu tiên ngân sách nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng vào khu vực nông nghiệp - nông thôn và hỗ trợ trực tiếp cho người sản xuất như bảo hiểm, trợ giá, bao tiêu sản phẩm…

Đối với Agribank, giải pháp trong đầu tư tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn là ưu tiên đầu tư vốn vào các dự án trọng điểm quốc gia, tiếp tục thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách lĩnh vực này theo hướng hỗ trợ trực tiếp, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn vay cho sản xuất - kinh doanh đối với khách hàng.

Bên cạnh đó, triển khai đồng bộ các chính sách tín dụng với phát triển các dịch vụ thanh toán của ngành ngân hàng đối với khách hàng hộ sản xuất và cá nhân; nâng cao hiệu quả đầu tư tín dụng, thực hiện đúng quy trình cấp tín dụng từ khâu thẩm định, xác định thời hạn cho vay phù hợp với chu kỳ sản xuất từng lĩnh vực kinh tế, ngành nghề, áp dụng lãi suất cho vay, giải ngân, quản lý khoản vay theo quy định của ngân sách nhà nước đối với từng ngành kinh tế, đối tượng vay vốn trong lĩnh vực tam nông.

Đặc biệt, phát triển kinh tế hàng hoá theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm; sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước và tín dụng thương mại.

Nguyên nhân khách quan dẫn đến chuyển nợ xấu được ông Vượng cho biết, đó là tàu cá hoạt động không hiệu quả do điều kiện thời tiết khắc nghiệt, ngư trường thu hẹp làm sụt giảm nguồn lợi thuỷ sản; chi phí thường xuyên cho tàu hoạt động tăng như chi phí sửa chữa tàu, chi phí nhiên liệu, nguyên vật liệu…, khó khăn trong cơ chế chuyển đổi chủ tàu, cơ chế hỗ trợ bảo hiểm, quy định về việc tàu đủ điều kiện đánh bắt xa bờ. Các công ty bảo hiểm chi trả đền bù chậm, chính sách bảo hiểm thay đổi mức phí hỗ trợ, nhiều nhà bảo hiểm chần chừ trong việc bán bảo hiểm cho tàu cá theo Nghị định 67, gây nhiều khó khăn cho các chủ tàu.

Trong khi đó, Agribank ít nhận được sự hỗ trợ trong thu hồi nợ xấu từ Ban Chỉ đạo 67 tại một số địa phương, việc đôn đốc thu hồi nợ gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, một số rủi ro do nguyên nhân khác dẫn đến khoản vay bị chuyển nợ xấu như chủ tàu tử vong, bị bệnh, không còn khả năng quản lý và vận hành tàu …

Về nguyên nhân chủ quan, ông Vượng chia sẻ, chính sách cho vay theo Nghị định 67 có nhiều ưu đãi đối với khách hàng như mức cho vay lên đến 95% tổng nhu cầu vốn, thời gian vay dài, lãi suất thấp (khách hàng chỉ phải trả lãi suất từ 1-3%, ngân sách nhà nước hỗ trợ 4-6% lãi suất cho vay), thời gian hỗ trợ lãi suất lên đến 16 năm, nên nhiều khách hàng có tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào chính sách, thiếu ý thức trả nợ ngân hàng khi khoản vay đến hạn.

Trong khi đó, nguồn vốn cho vay được cân đối từ nguồn vốn huy động của các NHTM, nợ xấu tăng cao, ảnh hưởng đến cân đối nguồn vốn của ngân hàng.

Tài sản đảm bảo của các khoản vay theo Nghị định 67 của nhiều khách hàng là chính con tàu hình thành từ vốn vay. Thời điểm vay, chi phí đóng tàu lớn, con tàu được định giá đủ để bảo đảm cho khoản vay.

Tuy nhiên, sau quá trình sử dụng, tàu bị giảm giá trị do hư hỏng, va đập hoặc hao mòn hữu hình nên khi định giá lại, tài sản đảm bảo thường thấp hơn giá trị ban đầu. Do đó, đối với các trường hợp chuyển nợ xấu, ngân hàng khó xử lý tài sản để thu hồi nợ, hoặc xử lý tài sản không đủ thu hồi nợ.

Ông Vượng cho biết thêm, các chính sách hiện có những thay đổi nhưng theo hướng làm doanh nghiệp khó khăn hơn như bảo hiểm giảm xuống, thay đổi Luật Bảo hiểm khiến một số chủ tàu không đủ điều kiện để ra khơi…

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục