Ðem lại lợi ích tối đa cho cổ đông
Tài liệu họp ÐHCÐ thường niên vừa được LienVietPostBank (LPB) công bố cho biết, Ngân hàng sẽ hoàn thành việc chuyển đăng ký giao dịch từ thị trường UPCoM sang niêm yết trên HOSE trong năm 2020.
Trao đổi với Báo Ðầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp của LienVietPostBank cho biết, việc niêm yết cổ phiếu trên HOSE nhằm nâng cao hình ảnh và nhận diện thương hiệu của Ngân hàng trong cộng đồng nhà đầu tư trong nước và quốc tế, cũng như các khách hàng đang giao dịch tại Ngân hàng, đồng thời nâng cao tính thanh khoản của cổ phiếu, đem lại lợi ích tối đa cho cổ đông khi chỉ số VN-Index mang tính đại diện cao cho thị trường chứng khoán Việt Nam và thường được các quỹ đầu tư sử dụng làm tham chiếu đo lường hiệu quả đầu tư.
Ðược biết, LienVietPostBank đã chuẩn bị các hồ sơ, thủ tục cần thiết và dự kiến niêm yết cổ phiếu trên HOSE trong quý IV/2020.
“Ðây là trách nhiệm của Ngân hàng với cổ đông”, vị lãnh đạo này nhấn mạnh.
Tương tự, một trong những nội dung tại tài liệu ÐHCÐ của VIB là chuyển cổ phiếu từ thị trường UPCoM sang niêm yết trên HOSE trong năm nay.
Ðây là thông tin gây chú ý bởi cổ phiếu VIB nhiều năm qua được đánh giá trong nhóm cổ phiếu ngân hàng được săn đón, nhưng nhiều tổ chức và các quỹ lớn chưa đưa được vào danh mục đầu tư còn giao dịch trên sàn đại chúng UPCoM.
Thực tế, việc chuyển sàn đã được VIB đề cập từ năm 2019, nhưng vì nhiều nguyên nhân đến nay chưa thực hiện được. Theo tài liệu ÐHCÐ, HÐQT VIB được ủy quyền quyết định thời gian thực hiện việc niêm yết sau khi hoàn tất việc tăng vốn bằng cổ phiếu thưởng.
“Ðẩy mạnh hình ảnh” tới nhà đầu tư chiến lược
Tại ÐHCÐ của SHB, các cổ đông đã đồng thuận phương án chuyển niêm yết cổ phiếu từ HNX sang HOSE. Ðồng thời, giao cho các thành viên HÐQT quyết định thời điểm chuyển sàn, lựa chọn đơn vị tư vấn; quyết định tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài/vốn điều lệ phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo lợi ích hợp pháp của SHB và cổ đông.
Cùng với đó là hoàn tất các hồ sơ, thủ tục liên quan đến các nội dung này theo quy định của pháp luật hiện hành.
Ðược biết, cổ phiếu SHB giao dịch trên HNX từ năm 2007, đến nay luôn nằm trong nhóm cổ phiếu có giá trị vốn hóa và tính thanh khoản cao nhất sàn.
Lý do để SHB quyết định chuyển sang HOSE bởi Ngân hàng muốn “đẩy mạnh hình ảnh” tới các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài và kết nối thị trường quốc tế qua chính nhà đầu tư chiến lược, nâng cao vị thế của SHB trên thị trường.
Hiện tại, trên HNX có 3 ngân hàng đang niêm yết cổ phiếu là ACB, SHB và NVB, còn trên UPCoM có 5 ngân hàng đăng ký giao dịch cổ phiếu, bao gồm LPB, VIB, BAB, KLB và VBB.
Bên cạnh đó, đây được xem là bước đi chiến lược và chủ động nhằm thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ về tái cấu trúc thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tương tự, ÐHCÐ của ACB cũng đã thông qua tờ trình chuyển sang niêm yết trên HOSE. Tài liệu cho ÐHCÐ nêu rõ, xét vị thế của ACB là một trong những ngân hàng có quy mô vốn hóa hàng đầu trên thị trường chứng khoán, việc chuyển sàn có thể đem lại nhiều lợi ích như: Cổ phiếu ACB khả năng sẽ được đưa vào các rổ chỉ số quan trọng của HOSE với tỷ trọng đáng kể như VN30 (khoảng 4%), VN Diamond (10%), VNFIN Seclect (12%), VNFIN Lead (12%)…
HÐQT ACB cho rằng, đây là thời điểm cần chủ động chuyển đăng ký niêm yết cổ phiếu bởi có thể giúp làm tăng giá giá trị thị trường và đem lại nhiều lợi ích hơn cho các cổ đông.
Thực tế, việc nhiều ngân hàng chủ động chuyển sàn giao dịch từ HNX, UPCoM sang HOSE không chỉ để gia tăng lợi ích cho cổ đông, nâng cao tính thanh khoản cổ phiếu cũng như hình ảnh, thương hiệu…, mà còn nhằm “đón đầu”chính sách khi Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuậ lập Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam trên cơ sở sắp xếp lại 2 sàn HOSE và HNX.
Theo đó, từ 2020-2023, dự kiến thị trường cổ phiếu chuyển về HOSE quản lý, còn HNX quản lý thị trường trái phiếu (trái phiếu chính phủ, doanh nghiệp) và thị trường chứng khoán phái sinh. Dó đó, việc các ngân hàng chuyển niêm yết cổ phiếu sang HOSE chỉ là vấn đề thời gian
Chia sẻ về lộ trình chuyển sàn, Tổng giám đốc ACB Ðỗ Minh Toàn thông tin: “ACB sẽ chia cổ tức để tăng vốn điều lệ trước, sau đó mới chuyển sàn.
Việc chia cổ tức dự kiến thực hiện trong tháng 9 và tháng 11 hoặc 12 sẽ chuyển sàn. Kế hoạch này là mong muốn chủ quan của Ban lãnh đạo Ngân hàng và kỳ vọng có thể hoàn thành trong năm nay”.
… Và sẵn sàng “chơi lớn”
Trao đổi với Báo Ðầu tư Chứng khoán, tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần thừa nhận, do quy định về công bố thông tin và giao dịch trên UPCom không khắt khe, nên việc các ngân hàng chuyển niêm yết sang HOSE là một dấu hiệu tích cực, thể hiện các ngân hàng đã sẵn sàng “chơi lớn”.
Thực tế, các ngân hàng Việt đang ngày một “lớn” dần với 19 ngân hàng thương mại nằm trong Top 500 ngân hàng lớn và mạnh nhất châu Á - Thái Bình Dương và 1 ngân hàng nằm trong Top 200 ngân hàng lớn nhất trong khu vực này xét về tiêu chí chỉ số sức mạnh lớn nhất (Strength Rank) theo công bố của Tạp chí Asian Banker năm 2019.
Ðiều này còn thể hiện qua quy mô hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục tăng. Cụ thể, đến cuối tháng 3/2020, tổng tài sản hệ thống đạt 12,48 triệu tỷ đồng, tăng 46,8% so với cuối năm 2016.
Bên cạnh đó, năng lực tài chính của các TCTD cũng được củng cố, vốn điều lệ tăng dần qua các năm; chất lượng quản trị, điều hành từng bước được nâng cao để tiệm cận với thông lệ quốc tế.
Ðến cuối tháng 3/2020, vốn điều lệ của toàn hệ thống đạt 617.500 tỷ đồng, tăng 26,4%; vốn chủ sở hữu toàn hệ thống đạt 937.900 tỷ đồng, tăng 57,67% so với cuối năm 2016.
Việc triển khai Chuẩn mực vốn Basel II tiếp tục được tập trung thực hiện để đáp ứng các thông lệ quốc tế về an toàn vốn.
Ðến nay, có 76 TCTD (2 ngân hàng có vốn nhà nước, 20 ngân hàng tư nhân, 2 ngân hàng liên doanh, 9 ngân hàng 100% vốn nước ngoài và 43 chi nhánh ngân hàng nước ngoài) đã áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư số 41/2016/TT-NHNN.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, các TCTD đã ý thức và chú trọng hơn trong việc quản trị rủi ro và tăng cường tính minh bạch trong hoạt động tín dụng.
Theo đó, các TCTD đã tập trung rà soát, cập nhật, hoàn thiện hệ thống quy định nội bộ về các lĩnh vực nghiệp vụ, đồng thời thiết lập bộ máy kiểm tra, kiểm soát, quản lý rủi ro; nâng cao hiệu quả giám sát của HÐQT, Ban điều hành đối với hoạt động của ngân hàng cũng như tách biệt chức năng quản trị của HÐQT với chức năng điều hành của Ban điều hành; thiết lập cơ chế phân cấp, ủy quyền minh bạch, rõ ràng, tránh xung đột lợi ích…