Sau giãn cách, ngân hàng tái khởi động mạnh mẽ bán nợ xấu

(ĐTCK) Các ngân hàng đang ráo riết bán khoản nợ hoặc phát mãi tài sản đảm bảo từ giá trị vài trăm triệu đến hàng trăm tỷ đồng để xử lý nợ xấu…
Nhiều ngân hàng đang rao bán tài sản đảm bảo cho các khoản nợ xấu. Nhiều ngân hàng đang rao bán tài sản đảm bảo cho các khoản nợ xấu.

Từ đất đai tới… lò vi sóng

Trong tuần qua, BIDV liên tiếp thông báo phát mại tài sản, bán nợ và thông tin của ngày cuối tuần là bán đấu giá khoản nợ của CTCP Ðầu tư thương mại và dịch vụ Trường Phát, bao gồm toàn bộ dư nợ gốc và dư nợ lãi phát sinh đến thời điểm thực hiện giao dịch bán nợ.

Cụ thể, giá trị khoản nợ đến thời điểm bán (tạm tính đến ngày 29/2/2020) là gần 105 tỷ đồng; trong đó, nợ gốc là hơn 76,5 tỷ đồng, nợ lãi trong hạn là hơn 19 tỷ đồng, nợ lãi quá hạn là hơn 9 tỷ đồng.

Biện pháp bảo đảm cho nghĩa vụ thanh toán của bên nợ là 834 m2 quyền sử dụng đất trong tổng thể mảnh đất có diện tích 2.832m2 tại số 2 - 4 phố Ðội Nhân, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Ðình, TP. Hà Nội, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; dây chuyền sản xuất giấy CHM A4-4 và máy đóng đai tự động. Giá khởi điểm là hơn 105,6 tỷ đồng.

Không chỉ BIDV, thông báo của VietinBank về việc bán tài sản bảo đảm của khách hàng để xử lý, thu hồi nợ vay tài sản cần xử lý là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại căn hộ 4 - A5, khu biệt thự Trung Tự, phường Trung Tự, quận Ðống Ða, TP. Hà Nội (nay là số 9, ngõ 4C, đường Ðặng Văn Ngữ, phường Trung Tự, quận Ðống Ða, TP. Hà Nội), người đứng tên là ông Phùng Quốc Việt và bà Ðào Thu Trang với giá trị là 30 tỷ đồng.

Tương tự, LienVietPostBank cũng thông báo đấu giá tài sản là quyền sử dụng đất và các tài sản gắn liền với đất của thửa đất số 73, tờ bản đồ số 7, diện tích 590,9 m2 tại địa chỉ Thôn Thanh Nhàn, xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng mang tên ông Hạ Văn Thơi và bà Nguyễn Thị Chúc với giá khởi điểm là 488,86 triệu đồng.

Còn PVCombank đang tiến hành thanh lý lô thiết bị gia dụng gồm bếp điện từ, lò vi sóng, lò nướng, tủ lạnh nhãn hiệu Fagor, Brandt, De Dietrich của châu Âu được lưu giữ tại kho hàng ở quận 12, TP.HCM với giá khởi điểm 18 tỷ đồng.

Vietcombank cũng đang rao bán hệ thống dây chuyền sàng đậu là tài sản đảm bảo khoản nợ của một khách hàng tại Hưng Yên với giá 1,5 tỷ đồng.

Thông tin đáng chú ý từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đến thời điểm cuối tháng 3/2020, các tổ chức tín dụng đã sử dụng 154.580 tỷ đồng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu nội bảng.

3 tháng đầu năm xử lý gần 27.000 tỷ đồng nợ xấu

Báo cáo của NHNN tại kỳ họp Quốc hội khóa XIV cho biết những thông tin rất đáng khích lệ. Cụ thể, nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng tiếp tục được xử lý, kiểm soát và duy trì ở mức dưới 3% (tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 3/2020 là 1,77%).

Tính từ năm 2012 đến cuối tháng 3/2020, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 1.076.950 tỷ đồng nợ xấu (riêng năm 2019 xử lý được 159.700 tỷ đồng và 3 tháng đầu năm 2020 xử lý được 26.940 tỷ đồng).

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng đến tháng 3/2020 ở mức 4,46%, giảm mạnh so với mức 10,08% cuối năm 2016, mức 7,36% cuối năm 2017 và mức 5,85% vào cuối năm 2018.

Ðối với vấn đề xử lý nợ xấu được xác định theo Nghị quyết 42, lũy kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng 3/2020, cả hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được 299.800 tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 (không bao gồm nợ xấu xử lý bằng sử dụng dự phòng rủi ro; trong đó: xử lý nợ xấu nội bảng (không bao gồm xử lý bằng sử dụng dự phòng rủi ro và bán nợ cho VAMC thông qua phát hành trái phiếu đặc biệt) là 169.400 tỷ đồng (chiếm 56,5% tổng nợ xấu đã xử lý);

Xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán xác định theo Nghị quyết 42 là 65.300 tỷ đồng (chiếm 21,79% tổng nợ xấu đã xử lý); xử lý các khoản nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 65.080 tỷ đồng (chiếm 21,7%).

Ðặc biệt, sau gần 7 năm đi vào hoạt động, VAMC đã phát huy vai trò quan trọng trong việc mua, bán, xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Cụ thể, hoạt động mua nợ của VAMC góp phần quan trọng trong việc duy trì tỷ lệ nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng ở mức dưới 3% trong suốt giai đoạn từ 2015 đến nay.

Từ năm 2013 đến 31/3/2020, VAMC đã thực hiện mua nợ của tổ chức tín dụng số tiền lũy kế là 335.620 tỷ đồng, tương ứng với dư nợ gốc nội bảng là 367.406 tỷ đồng, trong đó: (i) Mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt là 327.413 tỷ đồng (dư nợ xấu nội bảng 359.393 tỷ đồng); (ii) mua nợ xấu theo giá trị thị trường là 8.207 tỷ đồng.

Việc xử lý nợ xấu tại VAMC đạt được kết quả tích cực, đặc biệt từ khi triển khai Nghị quyết 42. Lũy kế từ khi thành lập đến cuối tháng 3/2020, VAMC đã xử lý được số tiền là 272.246 tỷ đồng dư nợ gốc của tổ chức tín dụng (số tiền mua nợ của VAMC là 225.236 tỷ đồng), dư nợ gốc của tổ chức tín dụng còn lại phải xử lý là 95.160 tỷ đồng.

Trong tổng số dư nợ gốc của tổ chức tín dụng đã được xử lý, VAMC phối hợp với các tổ chức tín dụng thu hồi được số tiền là 152.685 tỷ đồng.

Ðặc biệt, từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, kết quả thu hồi nợ của VAMC đạt 91.381 tỷ đồng, bằng 60% tổng giá trị thu hồi nợ lũy kế từ năm 2013 đến cuối tháng 3/2020.

Hiện nay, VAMC đang triển khai Ðề án Cơ cấu lại và nâng cao năng lực VAMC giai đoạn 2017 - 2020 (ban hành theo Quyết định số 28/QÐ-NHNN ngày 5/1/2018 của NHNN) theo hướng tiếp tục duy trì vai trò của VAMC là công cụ đặc biệt của Nhà nước trong xử lý nợ xấu và là trung tâm thúc đẩy sự phát triển của thị trường mua bán nợ.

Chia sẻ với phóng viên Báo Ðầu tư Chứng khoán, TS. Ðoàn Văn Thắng, Tổng giám đốc VAMC cho biết, VAMC vẫn đang triển khai xúc tiến việc thành lập Sàn giao dịch nợ VAMC nhằm quản lý, khai thác thông tin về khoản nợ/tài sản; tổ chức thực hiện các hoạt động của Sàn giao dịch nợ; xúc tiến thành lập Câu lạc bộ AMC nhằm tạo lập diễn đàn trao đổi kinh nghiệm; chia sẻ thông tin, kết nối nhà đầu tư và tiến tới xây dựng thị trường mua bán nợ xấu tập trung.

“Chủ động tìm kiếm và mở rộng đối tác, các nhà đầu tư để thực hiện tư vấn, môi giới mua, bán nợ xấu và tàn sản bảo đảm của khoản nợ trên cơ sở danh mục nợ xấu đã mua được phân loại. Kịp thời công khai hoạt động mua, bán và xử lý nợ xấu: công bố danh mục tài sản bảo đảm do VAMC đang quản lý, đăng thông báo bán đấu giá tài sản/khoản nợ, đăng thông báo thu giữ tài sản bảo đảm... lên cổng thông tin của VAMC (www.sbvamc.vn)”, ông Thắng nói.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục