NHNN xem xét điều chỉnh tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang xem xét điều chỉnh tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro cho các ngân hàng thương mại. Việc giảm trích lập dự phòng sẽ làm giảm gánh nặng chi phí cho các ngân hàng, giúp họ có thêm dư địa giảm lãi suất cho vay với doanh nghiệp.
Dư địa giảm trích lập dự phòng rủi ro cho các ngân hàng không lớn. Ảnh: Đức Thanh Dư địa giảm trích lập dự phòng rủi ro cho các ngân hàng không lớn. Ảnh: Đức Thanh

Giảm chi phí, ngân hàng có thêm dư địa hỗ trợ doanh nghiệp

Trong thông báo kết luận cuộc họp Thường trực Chính phủ mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho NHNN xem xét điều chỉnh phù hợp tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro cho các ngân hàng thương mại để tạo điều kiện và khuyến khích họ tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay. 

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng OCB cho rằng, các ngân hàng đang đợi hướng dẫn của NHNN về điều chỉnh trích lập dự phòng để triển khai. Nhìn chung, nếu “nới lỏng” quy định về trích lập, các ngân hàng sẽ giảm nhẹ gánh nặng chi phí.

NHNN luôn khuyến khích các ngân hàng thương mại trích lập dự phòng đầy đủ. Tuy nhiên, tùy điều kiện của từng tổ chức tín dụng, NHNN cũng có sự linh hoạt để hỗ trợ.

Ví như giai đoạn xử lý nợ xấu trước đây, NHNN quy định nợ xấu bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) phải trích lập dự phòng trong 5 năm, song cũng có những ngân hàng được NHNN cho phép kéo dài thời hạn trích lập trong 10 năm.

“Tôi nghĩ rằng, trong bối cảnh nợ xấu có thể tăng lên do Covid-19, NHNN có thể sẽ đưa ra cơ chế trích lập dự phòng rủi ro phù hợp để hỗ trợ các ngân hàng, từ đó hỗ trợ gián tiếp các doanh nghiệp”, ông Tùng nói.

Theo ông Tùng, có 3 yếu tố tạo ra giá vốn ngân hàng (lãi suất cho vay), bao gồm mặt bằng lãi suất đầu vào, chi phí hoạt động của ngân hàng và chi phí dự phòng. Về lãi suất đầu vào, mới đây, NHNN đã giảm trần lãi suất huy động và một loạt lãi suất điều hành, giúp ngân hàng thương mại có thêm khoảng rộng hơn để giảm lãi suất doanh nghiệp. Việc tiết giảm chi phí hoạt động tùy khả năng quản lý của từng ngân hàng. Còn chi phí dự phòng là chi phí trung tính, ngân hàng nào quản lý danh mục tín dụng tốt, chất lượng tín dụng tốt, thì chi phí trích lập dự phòng không cao, ngân hàng nào quản lý danh mục tín dụng không tốt thì chi phí dự phòng sẽ lớn.

“Với tình hình tài chính hiện nay của OCB, chúng tôi chưa thấy có vấn đề gì nếu NHNN giữ nguyên quy định về trích lập dự phòng rủi ro. Tuy nhiên, tôi cho rằng, Chính phủ và NHNN  điều chỉnh trích lập dự phòng là để tạo cơ chế, tạo hành lang lớn hơn cho doanh nghiệp, giúp ngân hàng chủ động cân đối nguồn, thêm dư địa để giảm chi phí, giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau dịch bệnh”, ông Tùng nhận xét.

Từ đầu năm đến nay, nợ xấu từ nhóm 3 đến nhóm 5 tăng khá mạnh ở nhiều ngân hàng, nợ nhóm 2 (nợ chú ý) cũng vọt tăng. Điều này khiến hàng loạt ngân hàng thương mại phải tăng mạnh trích lập dự phòng lên 50-70% trong quý I/2020. Khoản trích lập dự phòng là nguyên nhân khiến lợi nhuận một số ngân hàng sụt giảm mạnh trong quý I/2020. Chính vì vậy, việc nới lỏng quy định về trích lập dự phòng sẽ hỗ trợ ngân hàng rất nhiều trong việc giảm chi phí, đảm bảo thu nhập cho người lao động và duy trì lợi nhuận tăng trưởng ở mức hợp lý.

Kiến nghị Thủ tướng tại buổi đối thoại trực tuyến gần đây, Phòng Thương mại và Công  nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đề nghị các ngân hàng thương mại xem xét điều chỉnh giảm các tỷ lệ trích lập dự phòng, giải phóng một phần trích lập dự phòng chuyển thành vốn lưu chuyển cho hoạt động kinh doanh, hỗ trợ khách hàng, giúp doanh nghiệp được nhanh chóng phục hồi sau dịch.

Không còn nhiều “cửa” giảm trích lập dự phòng rủi ro

Cơ chế mới về trích lập dự phòng rủi ro đang được NHNN xây dựng, song theo các chuyên gia ngân hàng, dư địa giảm trích lập dự phòng rủi ro cho các ngân hàng không lớn.

Theo quy định, trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng bao gồm 2 khoản: trích lập dự phòng rủi ro chung (0,75%) và trích lập dự phòng rủi ro cụ thể. Với trích lập dự phòng cụ thể, nợ nhóm 1 (đủ tiêu chuẩn) sẽ không cần trích lập; còn nợ nhóm 2, 3, 4, 5 sẽ phải trích lập dự phòng rủi ro với tỷ lệ tương ứng là 5%, 20%, 50% và 100%.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng cho rằng, thời gian qua, NHNN đã hỗ trợ các ngân hàng không bị tăng vọt chi phí trích lập dự phòng bằng cách cho phép cơ cấu nợ, không chuyển nhóm nợ (Thông tư 01/2020/TT-NHNN). Tuy vậy, giảm tỷ lệ trích lập dự phòng theo quy định để hỗ trợ giảm lãi suất là không nên, bởi sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho ngân hàng trong tương lai.

Đồng tình với ý kiến này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng, trích lập dự phòng rủi ro giống như khoản “bảo hiểm” giúp ngân hàng đối mặt với rủi ro nợ xấu trong tương lai. Nếu trích lập giảm, trong tương lai nợ xấu bùng lên mà không có nguồn xử lý, thì không chỉ lợi nhuận ngân hàng bị ảnh hưởng, mà sức khỏe tài chính của cả ngân hàng cũng đi xuống.

Trong khi đó, trả lời phóng viên Báo Đầu tư, lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho rằng, dù NHNN cho phép, các ngân hàng này cũng sẽ không nới lỏng trích lập dự phòng. Ngay cả với một số khoản nợ tái cơ cấu vừa qua, dù NHNN không bắt buộc, họ vẫn trích lập dự phòng rủi ro để đảm bảo an toàn. Đương nhiên, không phải ngân hàng nào cũng có đủ lực để làm điều này.

“Tôi cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, ngân hàng nào có điều kiện thì vẫn nên trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ, cân bằng giữa đảm bảo an toàn hoạt động và hỗ trợ doanh nghiệp. Còn với những ngân hàng có lợi nhuận hạn chế, hoạt động còn khó khăn, việc điều chỉnh trích lập dự phòng rủi ro là rất cần thiết. Thực tế, hiện nay, không chỉ doanh nghiệp khó, mà bản thân các ngân hàng cũng gặp rất nhiều khó khăn”, vị lãnh đạo này cho biết thêm.

Cần cân nhắc kỹ lưỡng

Trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay, nhiều khoản vay đã bị nhảy nhóm nợ, nhưng NHNN cho phép tái cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ để ngân hàng thương mại không phải tăng trích lập dự phòng. Tôi cho rằng, giải pháp này đã hỗ trợ rất lớn cho các ngân hàng giảm chi phí, giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp. Việc điều chỉnh tiếp tỷ lệ dự phòng rủi ro với các nhóm nợ, theo tôi, cần phải cân nhắc kỹ lưỡng, thận trọng. Nếu trích lập dự phòng không đủ, an toàn của ngân hàng trong tương lai sẽ bị ảnh hưởng nếu rủi ro xảy ra.

- TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng

Hà Tâm
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục