Muốn giúp được người khác, ngân hàng cần phải khoẻ

(ĐTCK) Được nhìn nhận là “huyết mạch” của nền kinh tế, các tổ chức tín dụng càng cần mạnh khỏe, tăng sức đề kháng trước khó khăn bên ngoài. Có lẽ đó cũng là lý do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa yêu cầu các ngân hàng không chia cổ tức bằng tiền mặt để tập trung nguồn lực.
Muốn giúp được người khác, ngân hàng cần phải khoẻ

Nguồn lực các tổ chức tín dụng đang bị bào mòn

Cuối tuần trước, VPBank công bố triển khai gói hỗ trợ đặc biệt thứ 2 đối với các khoản vay có tài sản bảo đảm, mức giảm lãi suất tối đa 1,5%/năm đối với khoản vay VND, 1%/năm đối với khoản vay USD.

Ðối với các khoản vay không có tài sản bảo đảm, VPBank áp dụng mức giảm lãi suất tối đa 2%/năm đối với VND và 1%/năm đối với USD.

Tương tự, đối với dư nợ hiện hữu, BIDV cơ cấu lại nợ, giãn thời gian trả nợ gốc, lãi và giảm đến 2%/năm (đối với các khoản vay bằng VND) cho các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực, ngành nghề bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, BIDV hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh có nhu cầu vay mới với lãi suất giảm 2%/năm so với lãi suất cho vay cùng loại ngày 31/12/2019.

MSB triển khai gói tín dụng 7.000 tỷ đồng được thiết kế cho khách hàng cá nhân vay tín chấp và vay thế chấp.

Ðối với vay tín chấp, MSB áp dụng lãi suất chỉ 12,99%/năm trong 12 tháng đầu. Còn gói tín dụng 25.000 tỷ đồng của SHB với nhiều ưu đãi về lãi suất cho vay, phí dịch vụ ngân hàng, đặc biệt giảm lãi suất cho vay tối thiểu 2%/năm so với lãi suất thông thường.

Ðể hỗ trợ các ngân hàng giảm phí dịch vụ cho khách, Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) cũng 2 lần giảm phí dịch vụ chuyển mạch tài chính và bù trừ trong năm 2020.

Bà Nguyễn Tú Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị NAPAS cho biết, tỷ trọng giao dịch trong phạm vi giảm phí lần thứ 2 chiếm gần 40% lượng giao dịch thực hiện qua hệ thống NAPAS. Dự kiến, chương trình giảm phí của cả 2 lần sẽ làm giảm gần 40% doanh thu của NAPAS trong năm 2020.

Lãnh đạo NAPAS nhấn mạnh, thực hiện nhiệm vụ của tổ chức chuyển mạch quốc gia trong việc cung cấp hạ tầng thanh toán bán lẻ tốt và tiện lợi để các ngân hàng có thể cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt cho người dân với mức phí hợp lý nhất, NAPAS chưa bao giờ đặt lợi nhuận là mục tiêu hoạt động.

“Giảm phí đồng nghĩa với giảm trực tiếp doanh thu của Công ty, nhưng NAPAS luôn chủ động thực hiện vì đây là nhiệm vụ chính trị của doanh nghiệp. Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế trước tác động của dịch bệnh, NAPAS càng phải nỗ lực đồng hành, sát cánh cùng các ngân hàng, doanh nghiệp và người dân”, bà Tú Anh nói.

Ông Nguyễn Ðình Vinh, Phó tổng giám đốc VietinBank cũng cho biết: “Ước tính, các chương trình hỗ trợ lãi suất, phí dịch vụ có thể làm giảm từ 10 - 20% lợi nhuận của Ngân hàng”.

Nhìn nhận bối cảnh chung, tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần nhận định: “Chưa ai dự đoán được dịch Covid-19 bao giờ kết thúc nên khó có thể ước tính thiệt hại cụ thể. Nhưng rõ ràng, tín dụng tăng thấp, mặt bằng lãi suất giảm, phí dịch vụ giảm sẽ giảm lợi nhuận của ngân hàng. NIM (Chỉ số thu nhập lãi cận biên) bị thu hẹp lại sẽ bào mòn nguồn lực của các tổ chức tín dụng”.

Trong khi đó, một trong những phương hướng, nhiệm vụ đặt ra trong chiến lược phát triển ngân hàng là phấn đấu đến năm 2020, các ngân hàng thương mại cơ bản có mức vốn tự có theo chuẩn mực Basel II.

Theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng thương mại chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo phương pháp tiêu chuẩn của Basel II, các ngân hàng bắt buộc phải tăng vốn theo quy định, phải thường xuyên duy trì hệ số an toàn vốn (CAR) ở mức 8% - con số tiệm cận với tiêu chuẩn Basel II, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2020.

Ðã không thể hoàn tất việc này theo đúng thời hạn, bao gồm cả ngân hàng lớn, nhỏ nên NHNN cũng “linh động” cho phép các ngân hàng phải gửi văn bản đến NHNN trước ngày 1/1/2020 nêu rõ lý do tiếp tục thực hiện tỷ lệ an toàn vốn và giải pháp, lộ trình để đảm bảo tuân thủ Thông tư 41/2016/TT-NHNN chậm nhất kể từ ngày 1/1/2023.

“Ðược giãn thời gian nhưng trước tình hình dịch bệnh căng thẳng, ngân hàng lại càng cần phải tập trung nguồn lực về tài chính để tuân thủ quy định của cơ quan quản lý nhưng khó khăn đang chồng khó khăn”, chủ tịch hội đồng quản trị một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết.

Ðó là chưa kể đến tình huống, các ngân hàng thương mại tiếp tục gánh trên vai mối lo nợ xấu khi giải pháp cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được nhận định chỉ tạm thời hãm lại phần nào đà tăng của nợ xấu trong năm nay, song lại đẩy rủi ro nợ xấu về tương lai.

“Muốn giúp được người khác, mình cần phải khoẻ”

Ngày 31/3/2020, Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN, trong đó đối với các tổ chức tín dụng, NHNN yêu cầu chủ động rà soát, cắt giảm các chi phí hoạt động, đặc biệt là chi lương, thưởng, kịp thời điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính phù hợp với thực tế trước khi tổ chức đại hội đồng cổ đông. Trước mắt, không chia cổ tức bằng tiền mặt để tập trung nguồn lực giảm mạnh lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện nay và các khoản cho vay mới.

Trao đổi với phóng viên Báo Ðầu tư Chứng khoán, ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB nêu quan điểm: “Chỉ thị này có lẽ mục tiêu NHNN muốn hướng tới là, trước tình hình kinh tế sẽ rất khó khăn, các tổ chức tín dụng phải thực hiện chính sách tiết kiệm, thắt lưng buộc bụng nhằm đảm bảo giữ được "sức khoẻ" tài chính để khi dịch bệnh đi qua, nhanh chóng khôi phục lại hoạt động. Trước khi giúp được người khác, mình cần phải khoẻ”.

Thực tế, ngân hàng cũng là doanh nghiệp và cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, nếu không muốn nói là khó khăn kép vì dịch bệnh khiến nhu cầu tín dụng sụt giảm mạnh, từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu và lợi nhuận.

Trong khi nợ xấu lại được dự báo sẽ tăng nhanh, càng khiến năng lực tài chính của các ngân hàng bị bào mòn. Thế nhưng, các tổ chức tín dụng vẫn phải tiết giảm tối đa chi phí hoạt động, giảm lợi nhuận để kéo giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế.

Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 vừa diễn ra mới đây, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã lên tiếng đề nghị các tổ chức tín dụng cũng thuộc đối tượng được thực hiện giãn thuế, giãn việc nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.

“Vừa qua, các tổ chức tín dụng vừa qua tham gia rất trách nhiệm, rất gương mẫu trong việc triển khai tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn. Vì vậy, cần được xem xét để giãn việc nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, tạo cho tổ chức tín dụng có dòng tiền, có thanh khoản để hỗ trợ và tiếp tục cung ứng vốn cho nền kinh tế”, Thống đốc nói.

Là một doanh nghiệp, ngân hàng vẫn phải đảm bảo kinh doanh có lãi để duy trì hoạt động và quan trọng hơn, ngân hàng là một trung gian tài chính đi vay để cho vay, nên yêu cầu tối cao là phải bảo toàn được đồng vốn của người gửi tiền.

Ðược nhìn nhận là “huyết mạch” trong nền kinh tế, các tổ chức tín dụng có mạnh khỏe, kinh doanh hiệu quả mới có thể đảm bảo cho nền kinh tế phát triển bền vững, lâu dài.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục