Cân bằng giữa tiền gửi vào ngân hàng và đầu tư

(ĐTCK) Đó là khuyến nghị của ông Nirukt Sapru, Tổng giám đốc Việt Nam và nhóm 5 nước ASEAN và Nam Á, Ngân hàng Standard Chartered trong xu hướng giảm của lãi suất hiện nay.
Cân bằng giữa tiền gửi vào ngân hàng và đầu tư

Các ngân hàng Việt đang hạ lãi suất huy động trong mục tiêu hạ lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn do đại dịch Covid-19. Về lý thuyết, lãi suất thấp khiến tiền gửi mất giá, theo ông, liệu người tiêu dùng sẽ rút tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng mua trái phiếu hay đầu tư bất động sản, vàng, ngoại tệ?

Ông Nirukt Sapru.

Nếu tìm hiểu những nền kinh tế đang duy trì mức lãi suất bằng 0, hoặc hai nền kinh tế tiêu biểu có lãi suất cho vay rất thấp như Singapore và Mỹ, chúng ta dễ dàng nhận thấy có một sự tương quan giữa rủi ro và lãi suất, bên cạnh một sự thật là tất cả chúng ta đều giữ một khoản tiết kiệm nhất định trong ngân hàng.

Khi lãi suất cao, người dân sẽ có xu hướng gửi tiền trong ngân hàng nhiều hơn. Ngược lại, khi lãi suất giảm xuống, họ sẽ tìm đến những cơ hội khác để đầu tư vốn của mình.

Tuy nhiên, điều đó phụ thuộc vào mức độ rủi ro họ có thể chấp nhận. Một số người sẽ có xu hướng đầu tư tất cả nguồn lực vào chứng khoán hay vàng, nhưng cả hai đều không phải là chiến lược sáng suốt. 

Người đầu tư sáng suốt sẽ xem xét trong danh mục đầu tư của mình bao nhiêu đang nằm trong ngân hàng và bao nhiêu đang phân bổ vào những lĩnh vực đầu tư khác. Ðiều này thể hiện mức độ chịu rủi ro của nhà đầu tư.

Tùy vào khoảng rủi ro mà họ có thể nhận thêm rủi ro hay không trong khoản đầu tư mình. Câu hỏi họ luôn đặt ra cho chính mình là: Giàu lên nhanh chóng hay chấp nhận nghèo đi? Ðó là câu hỏi các nhà đầu tư luôn muốn có đáp án khi tìm kiếm phương án cân đối các khoản đầu tư.

Dĩ nhiên trong hoàn cảnh lãi suất thấp sẽ có nhiều khoản đầu tư thu hút người dân có nhu cầu đầu tư hơn trước.

Thế nhưng thực tế luôn cho thấy sự cân bằng giữa rủi ro và lợi nhuận. Một nguyên nhân khiến lãi suất giảm là do lợi nhuận thu được từ những lĩnh vực khác không cao vì chúng đi kèm theo nhiều rủi ro.

Tuy nhiên, tôi không nghĩ tất cả mọi người nên ngừng gửi tiền vào ngân hàng và chỉ chú tâm đầu tư, bởi đây thực sự là quyết định rất khó khăn và khách hàng cần thận trọng khi quyết định mạo hiểm.

Nhưng người dân cần đa dạng hóa danh mục đầu tư của họ?

Ðúng vậy. Khi mức lãi suất gửi tiết kiệm 0%, người đầu tư sẽ có xu hướng tham vọng hơn trong việc đa dạng hóa khối tài sản rủi ro đó, nhưng điều này còn tùy vào việc khối tài sản này có khả năng sinh lời hay không?

Do đó, người đầu tư cần chú ý cân đối giữa việc bảo toàn khoản đầu tư và khả năng sinh lợi từ nó. Với vai trò là ngân hàng, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ khách hàng với các khoản đầu tư của họ.

Mỗi người đều có mức chấp nhận rủi ro của riêng mình và cần dựa vào đó để quản lý các khoản đầu tư.

Ðặc biệt, những người có nguồn tài chính eo hẹp và dễ bị ảnh hưởng bởi rủi ro không nên tìm cách làm giàu nhanh chóng qua phương thức đầu tư nhiều rủi ro, bởi họ dễ chịu tổn thất nhiều hơn so với các nhà đầu tư khác.

Ngành ngân hàng nên thường xuyên hướng dẫn người dân, đồng thời Chính phủ cũng cần tích cực khuyến nghị người dân thận trọng khi đầu tư vào những lĩnh vực nhiều rủi ro bởi lãi suất thấp sẽ khuyến khích người dân đầu tư nhiều hơn.

Mặc dù vậy, nền kinh tế toàn cầu đã chứng minh rằng, kể cả khi lãi suất được đưa về mức thấp, nhà đầu tư vẫn sẽ duy trì các quyết định đầu tư của mình nếu họ không an tâm về triển vọng kinh tế. Lãi suất thấp không có nghĩa là tỷ lệ đầu tư cao hơn. Tiêu biểu là Nhật Bản, nơi duy trì lãi suất thấp trong suốt 30 năm qua, nhưng mức tăng trưởng vẫn chưa tương xứng với kỳ vọng.

Hạ lãi suất huy động với mục tiêu để hạ lãi suất cho vay nhưng nhiều ý kiến cho rằng, lãi suất không phải là “điểm nghẽn” của các doanh nghiệp vì nhiều ngân hàng đưa mức lãi suất tốt mà doanh nghiệp không vay. Ông nghĩ gì về vấn đề này?

Chúng ta có hai vấn đề hoàn toàn khác nhau: Lãi suất cao hay thấp và khả năng tiếp cận tài chính của doanh nghiệp, hay khả năng doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn từ ngân hàng. Ðúng là điều thúc đẩy hoạt động của doanh nghiệp dễ dàng hay bớt tốn kém hơn là ở lãi suất.

Thế nhưng việc tiếp cận được tài chính từ ngân hàng lại là điều hoàn toàn khác, bởi nó phụ thuộc vào kế hoạch kinh doanh, tăng trưởng, nhu cầu vay vốn. Do đó, chúng ta cần tách bạch hai vấn đề này.  

Người dân muốn lãi suất huy động cao, doanh nghiệp muốn lãi suất cho vay thấp, ông đánh giá thế nào về việc này?

Các chính phủ trên thế giới đều cố gắng giảm lãi suất để giúp chi phí đi vay trở nên thấp hơn, từ đó tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

Khi lãi suất giảm xuống, thông điệp mà họ muốn gửi đến những người gửi tiết kiệm là: Hãy đầu tư vào một lĩnh vực nào khác, bên cạnh gửi tiền ở ngân hàng. Mục tiêu của lãi suất thấp là để khuyến khích mọi người đầu tư vào các doanh nghiệp tốt, từ đó giúp nền kinh tế phát triển, thay vì để tiền nằm trong ngân hàng và không thu về chút lãi suất nào.

Thực tế, tiếp cận tài chính từ ngân hàng là một thách thức đối với các nền kinh tế đang phát triển lẫn chậm phát triển.

Không phải đến khi đại dịch Covid-19 xuất hiện vấn đề này mới trở thành thách thức, mà nó đã luôn là trở ngại với doanh nghiệp và các cá nhân mong muốn tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Ðiều này thậm chí còn trở nên cấp bách hơn sau dịch vì nhu cầu cấp thiết trong việc tiếp cận các khoản vốn. Ðó là lý do vì sao chúng tôi muốn hợp tác cùng những doanh nghiệp quản lý hiệu quả để giúp họ duy trì hoạt động kinh doanh bền vững, từ đó giúp họ phát triển thuận lợi hơn.

Về kinh tế Việt Nam trong thời gian tới, ông có nhận định gì?

Chúng tôi duy trì quan điểm lạc quan và tin tưởng vào tương lai Việt Nam. Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư, tìm kiếm các cơ hội phát triển và mong muốn hỗ trợ người tiêu dùng và doanh nghiệp Việt Nam khi họ tìm kiếm cơ hội hòa nhập với nền kinh tế toàn cầu.

Chúng tôi cho rằng Việt Nam là quốc gia ở vị thế tốt nhất hiện nay để thực hiện các cam kết với châu Âu và thế giới hậu đại dịch. Việt Nam đã chiến thắng trong cuộc đua trước đại dịch và do đó chúng tôi rất tự hào là một phần trong câu chuyện này.

Chúng tôi ở đây để hỗ trợ cộng đồng và hỗ trợ Việt Nam thu hút thêm nhiều nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống. Chúng tôi ở đây cùng các bạn phát triển.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục