Thị trường tài chính 24h: Tăng trưởng tín dụng năm 2021 có thể hơn 12%

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index nhích nhẹ phiên cuối tuần; Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% năm 2021 có thể “bị” vượt; Quỹ lớn lạc quan, nhưng tranh thủ chốt lời; Chứng khoán châu Á bị chốt lời… là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.    
Thị trường tài chính 24h: Tăng trưởng tín dụng năm 2021 có thể hơn 12%

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 22//1 giảm 100.000 đồng/lượng chiều mua vào và không đổi chiều bán ra so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, giá vàng SJC tại Hà Nội chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện niêm yết tại mức 55,90 – 56,47 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ giảm 2 USD xuống 1.870 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tiếp tục lùi bước vào xuống dưới 1.855 USD/ounce vào cuối giờ chiều.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) tăng 0,06% lên 90,19 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 22/1 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.137 đồng, giảm 7 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.985 - 23.165 đồng/USD.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 1,14 USD (-2,15%), xuống 51,97 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 1,12 USD (-2,00%), xuống 54,98 USD/thùng.

Chứng khoán trong nước

Nhà đầu tư không xả hàng T+, VN-Index đứng vững

Sau khi giằng co nhẹ trong phiên sáng, nhiều nhà đầu tư đẩy mạnh bán ra ngay khi bước vào phiên chiều khiến VN-Index lùi về sát mốc 1.160 điểm.

Tuy nhiên, lực bán không dữ dội cùng sự hỗ trợ của bluechip, cùng tâm lý nhà đầu tư vững vàng, bất chấp lượng hàng T+ phiên bán tháo ngày 19/1 về tài khoản đã giúp thị trường nhanh chóng hồi phục lên trên 1.165 điểm khi đóng cửa.

Điểm nhấn thị trường thuộc về cặp đôi FLC và ROS, trong đó tăng trần với khối lượng khớp lệnh 57,38 triệu đơn vị, trong khi ROS vẫn giữ vững đà tăng trần với thanh khoản theo sát người anh em, đạt 51,62 triệu đơn vị.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 0,17 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng đạt 57,91 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 22/1: VN-Index tăng nhẹ 2,57 điểm (+0,22%), lên 1.166,78 điểm; HNX-Index giảm 0,16 điểm (-0,07%), xuống 240,12 điểm; UpCoM-Index tăng 0,13 điểm (+0,17%), lên 77,6 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall ít biến động trong phiên ngày thứ Năm (21/1), khi đón nhận báo cáo thất nghiệp do Bộ Lao động Mỹ công bố. Số lượng người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới giảm xuống còn 900.000 người vào tuần trước, thấp hơn so với dự báo trước đó là 950.000 người, nhưng vẫn ở mức cao.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như Alphabet, Apple, Amazon tăng mạnh trước thềm công bố kết quả kinh doanh quý IV/2020 trong những tuần tới.

Kết thúc phiên 21/1, chỉ số Dow Jones giảm 12,37 điểm (-0,04%), xuống 31.756,01 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,22, điểm (+0,03%), lên 3.853,07 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 73,67 điểm (+0,55%), lên 13.530,92 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm, khi các nhà đầu tư hạn chế đặt cược trước mùa báo cáo kết quả kinh doanh, trong khi một số đã chốt lời sau đợt tăng gần đây.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,44% xuống 28.631,45 điểm. Chỉ số Topix giảm 0,21% xuống 1.856,64 điểm.

Hôm nay, cổ phiếu của nhà quảng cáo Dentsu Group giảm 2,19% sau khi một báo cáo cho thấy, chính phủ Nhật Bản đã quyết định Thế vận hội Tokyo sẽ bị hủy bỏ, nhưng Chính phủ Nhật sau đó thẳng thừng bác bỏ thông tin trên.

Hôm nay, cổ phiếu Nippon Steel giảm 3,51%, sau khi công bố kế hoạch tăng cổ phần sở hữu tại Tokyo Rope trong một đợt chào mua công khai. Ở chiều ngược lại, Tokyo Rope lại vọt 28%.

Panasonic đã tăng 3,28% nhờ vào việc Morgan Stanley MUFG Securities tăng giá mục tiêu từ 1.400 yên lên 1.700 yên/cổ phiếu.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, cũng do các nhà đầu tư chốt lời sau một đợt tăng gần đây, được thúc đẩy bởi kế hoạch kích thích kinh tế của ông Joe Biden.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,4% xuống 3.606,75 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,09% lên 5.569,78 điểm.

Chứng khoán Hồng Kông có phiên giảm mạnh nhất từ cuối tháng 11 năm ngoái, và cũng bởi áp lực chốt lời gia tăng trên diện rộng.

Đóng cửa, Hang Seng-index giảm 1,6% xuống 29.447,85 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 1,8% xuống 11.677,45 điểm.

Trong tuần, HIS tăng 3,06% HSCE tăng 3,15%, tuần tăng thứ tư liên tiếp của cả hai chỉ số.

“Lệnh trừng phạt của Mỹ đối với nhiều quan chức Thành phố không ảnh hưởng đến nền tảng cơ bản vững chắc của một số tên tuổi lớn của Trung Quốc niêm yết tại Hồng Kông, sự điều chỉnh của thị trường chứng khoán đã khiến việc định giá trở nên hấp dẫn hơn,” Carie Li, chuyên gia kinh tế của OCBC Wing Hang Bank tại Hồng Kông cho biết.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm khi giới đầu tư chốt lời sau ba phiên tăng mạnh liên tiếp gần nhất.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 0,64% xuống 3.140,63 điểm. Tuy nhiên, chỉ số này đã tăng 1,8% trong tuần.

Các cổ phiếu lớn đều suy yếu với Samsung Electronics và SK Hynix lần lượt giảm 1,5% và 2,3%, còn Hyundai Motor cũng giảm 2,8%.

Kết thúc phiên 22/1: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 125,41 điểm (-0,44%), xuống 28.631,45 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 14,51 điểm (-0,40%), xuống 3.606,75 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 479,91 điểm (-1,60%), xuống 29.447,85 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 20,21 điểm (-0,64%), xuống 3.140,63 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% năm 2021 có thể “bị” vượt

Với nhiều yếu tố hỗ trợ và người dân, doanh nghiệp cũng lạc quan hơn vào tăng trưởng kinh tế cao năm 2021, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% có thể “bị” vượt..>> Chi tiết

- Thị trường chứng khoán: Thời tới, cản không kịp

So với mức lãi suất gửi ngân hàng, sự thăng hoa của thị trường chứng khoán đang là kênh đầu tư thu hút dòng tiền mạnh mẽ...>> Chi tiết

- Quỹ lớn lạc quan, nhưng tranh thủ chốt lời

Sau cú sốc đại dịch Covid-19, thị trường chứng khoán Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ, tạo điều kiện cho các quỹ đầu tư gặt hái quả ngọt..>> Chi tiết

- Trái phiếu doanh nghiệp: “Bom nợ” hiển hiện - Bài 3: Đừng để doanh nghiệp lớn và ngân hàng “độc chiếm vốn”

Năm 2020, Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ ban hành nhiều quy định siết chặt quản lý thị trường trái phiếu. Thế nhưng, việc “phanh gấp” vô hình trung tạo ra các bất cập khác..>> Chi tiết

- Hãng hàng không United Airlines thua lỗ 7,1 tỷ USD trong năm 2020

Theo báo cáo của hãng hàng không United Airlines của Mỹ, mức thua lỗ của hãng trong năm 2020 là 7,1 tỷ USD, trong khi năm 2019, hãng đã thu lợi nhuận 3 tỷ USD..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục