Bán hàng "tay phải", trả cho "tay trái"
Theo kết luận điều tra, từ năm 2007 - 2013, các Tổng giám đốc Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) đã ký 7 văn bản bảo lãnh cho công ty con là CTCP Vận tải và Thương mại VEAM – Vetranco giá trị là 193 tỷ đồng.
Nhờ vào nguồn bảo lãnh của VEAM, Vetranco vay vốn tại các ngân hàng để thanh toán tiền mua hàng cho CTCP Thương mại và Đầu tư Bách Việt. Sau đó, Vetranco ký 15 hợp đồng bán hàng trả chậm cho nhóm công ty của Trần Quang Tiến gồm Công ty Tương Lai, Công ty Đầu tư Minh Quang, Công ty Thép Minh Quang.
Thực chất, đây là những hợp đồng mua bán khống để hợp thức hóa việc Vetranco cho nhóm công ty của Tiến vay. Theo các hợp đồng mua bán khống lòng vòng trên, Công ty Bách Việt nhận tiền thanh toán từ VEAM và Vetranco rồi mới chuyển trả cho nhóm của Tiến, tổng số tiền 235 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/12/2018, Vetranco còn dư nợ tại VEAM số tiền 216 tỷ đồng không có khả năng trả nợ.
Công ty còn dư nợ tại Ngân hàng MB số tiền 31,1 tỷ đồng.
Các công ty của Tiến đã chi 183 tỷ đồng cho Công ty Vân Đồn vay vốn (hiện đã tất toán), chuyển 21 tỷ đồng để kinh doanh, chuyển 9,2 tỷ đồng cho Vetranco để thanh toán cho hợp đồng trước... Bản thân Trần Quang Tiến sử dụng cá nhân hơn 20,7 tỷ đồng.
Đến nay các công ty của Tiến đã dừng hoạt động, không còn khả năng trả nợ. Theo cơ quan điều tra, hành vi của Đào Quốc Việt - Giám đốc Vetranco và các bị can gây thiệt hại trực tiếp cho Vetranco số tiền 182 tỷ đồng.
Qua xác minh còn cho thấy, một số cá nhân tại Vetranco đã nhận tiền ngoài hợp đồng do các công ty của Tiền chuyển vào. Cụ thể, Đào Quốc Việt nhận 4 lần số tiền 5,7 tỷ đồng; Nguyễn Thị Thu Hương (Phó giám đốc Vetranco) nhận 1,2 tỷ đồng; Trần Thanh Thủy (Trưởng phòng kế toán Vetranco) nhận 745 triệu đồng.
Lời khai về thỏa thuận “ngầm”
Tại cơ quan điều tra, ông Đào Quốc Việt khai nhận từ khi làm Phó giám đốc tại Matexim Hà Nội, bị can quen biết với Trần Quang Tiến. Khi ông Việt làm Giám đốc Vetranco, Tiến đề nghị hợp tác kinh doanh.
Do Tiến không có vốn nên đề nghị Việt bán hàng trả chậm. Một thời gian sau, Tiến đề nghị vay tiền của Vetranco. Vì Vetranco không có chức năng cho vay nên hai bên thống nhất, Vetranco ký hợp đồng mua hàng trả ngay với Công ty Bách Việt do Tiến chỉ định để bán cho nhóm công ty của Tiến.
Theo thỏa thuận, Tiến phải trả cho Vetranco tiền lãi từ 0,8 - 1,25% tổng giá trị mỗi hợp đồng. Những lúc Vetranco thiếu vốn thì VEAM làm trung gian ký hợp đồng mua hàng của Công ty Bách Việt cho Vetranco và Vetranco sẽ bán hàng cho Tiến.
Ngoài ra, Việt và Tiến còn thỏa thuận trả tiền “ngoài hợp đồng”.
Ông Việt khai nhận, việc Vetranco cho nhóm công ty của Tiến vay được nói “công khai” cho mọi người cùng biết. Nhưng, sau đó bị can lại thay đổi lời khai là "chỉ nói với lãnh đạo chủ chốt của Vetranco”. Cựu giám đốc Vetranco “xin chịu hoàn toàn trách nhiệm về sai phạm trên”.
Theo lời khai của ông Việt, bị can không phải chi lại cho bất cứ ai ở VEAM.
Lời khai của Trần Quang Tiến thể hiện, Việt là người nhận toàn bộ số tiền lợi nhuận ngoài hợp đồng (khoảng 0,3%).