VEAM bảo lãnh trái luật, cựu Chủ tịch HĐQT không nhận trách nhiệm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngày 6/10, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra bổ sung lần 2, chuyển vụ án sang Viện Kiểm sát nhân dân đối với ông Trần Ngọc Hà (cựu Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam – VEAM) và đồng phạm.
Các bị can (từ trái qua phải) Trần Ngọc Hà, Lâm Chí Quang, Vũ Từ Công, Nguyễn Mạnh Chung. Ảnh: Bộ Công an. Các bị can (từ trái qua phải) Trần Ngọc Hà, Lâm Chí Quang, Vũ Từ Công, Nguyễn Mạnh Chung. Ảnh: Bộ Công an.

Các bị can bị đề nghị truy tố về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Theo kết luận điều tra, từ năm 2017, VEAM chuyển sang công ty cổ phần với vốn điều lệ 13.288 tỷ đồng, vốn nhà nước chiếm 88,47%, ngành nghề chính là sản xuất, kinh doanh các loại máy động lực, thiết bị máy móc. CTCP Vận tải và Thương mại VEAM – Vetranco là công ty con, vốn điều lệ 12,5 tỷ đồng. Ông Trần Ngọc Hà giữ chức Chủ tịch HĐQT từ năm 2011-2014.

Cơ quan điều tra xác định, từ năm 2017-2013, Tổng giám đốc VEAM qua các thời kỳ đã ký 7 văn bản cam kết bảo lãnh thanh toán cho các hợp đồng tín dụng của Vetranco vay tiền tại các ngân hàng. Trong đó, ông Hà và các đồng phạm thực hiện các hành vi bảo lãnh thanh toán cho Vetraco gây thất thoát số tiền 75,8 tỷ đồng.

Tại cơ quan điều tra, ông Hà thừa nhận các khoản cho vay và bảo lãnh của VEAM đối với Vetranco là sai. VEAM chỉ được bảo lãnh cho Vetranco không quá 6,3 tỷ đồng và cho vay không quá 60 tỷ đồng. Một số khoản cho vay vượt quá hạn mức cho vay.

Tuy nhiên, ông Hà không thừa nhận trách nhiệm cá nhân. Ông Hà khai không biết việc VEAM bảo lãnh thanh toán và cho Vetranco vay vốn.

Song lời khai này mâu thuẫn với tài liệu xác minh tại VEAM thể hiện các tài liệu liên quan đến việc bảo lãnh đều được lưu giữ tại VEAM. Đến năm 2013, khi sai phạm đã xảy ra, ông Hà mới có yêu cầu không được tiếp tục giải ngân, bảo lãnh vay vốn cho Vetranco tại các cuộc họp Hội đồng thành viên ngày 11/9/2013 và 17/9/2013. “Yêu cầu này không có ý nghĩa đối với hành vi và sự việc phạm tội”, kết luận nêu.

Theo cơ quan điều tra, mặc dù ông Hà không thừa nhận, nhưng với sai phạm xảy ra thời gian dài (từ năm 2009-2013), xảy ra nhiều lần, thể hiện tại nhiều tài liệu như các giấy đề nghị bảo lãnh, giấy xin vay vốn, các văn bản bảo lãnh, giấy thông báo của ngân hàng… ông Hà đủ điều kiện để biết và buộc phải biết việc VEAM bảo lãnh, cho vay trái luật.

“Quá trình điều tra, bị can có thái độ khai báo chống đối, không thành khẩn, quanh co chối tội. Cơ quan điều tra đề nghị cần xử lý nghiêm”, kết luận nêu.

Cũng theo kết luận, trong thời gian 2011-2013, ông Lâm Chí Quang (cựu Tổng giám đốc VEAM) đã trực tiếp ký 5 hợp đồng bảo lãnh với số tiền 193 tỷ đồng vượt quá tỷ lệ phần trăm vốn góp của VEAM tại Vetranco, ký các chứng từ giải ngân cho Vetranco vay gây thất thoát 75,82 tỷ đồng. Ông Quang thừa nhận hành vi của mình là trái quy định.

Ngoài ra, VEAM còn thực hiện dự án đầu tư sản xuất máy kéo bốn bánh hạng trung khi chưa được phê duyệt đầu tư gây thiệt hại cho nhà nước hơn 56,5 tỷ đồng.

Lần điều tra bổ sung này, cơ quan điều tra đã khởi tố thêm 11 bị can gồm một số nguyên là thành viên HĐQT, lãnh đạo phòng tài chính kế toán, kế toán trưởng,...

Đỗ Mến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục